Mỗi ki-lô-gam đường nhập từ Thái Lan rẻ hơn khoảng 4.200 đồng so với đường sản xuất trong nước. Với mức chênh lệch này, các doanh nghiệp trong nước sẵn sàng “loại bỏ” người trồng mía ra khỏi “cuộc chơi”.
Trước và đặc biệt là sau khi Bộ Công thương ra Quyết định số 2466/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đường nhập khẩu từ Thái Lan, đường ngoại nhập chính ngạch và nhập lậu ồ ạt vào Việt Nam, bịt đầu ra của đường sản xuất trong nước, gây thiệt hại khó khắc phục cho ngành mía đường Việt Nam.
Nông dân cùng các nhà máy sản xuất đường trong nước đang khốn đốn vì đường nhập khẩu
Đường nhập khẩu “phong tỏa” thị trường nội
Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Mía đường Việt Nam thể hiện, lũy kế đến cuối tháng 3/2021, toàn ngành mía đường đã ép được 5.806.741 tấn mía, sản xuất 611.767 tấn đường, chỉ bằng 76,6% sản lượng mía ép và 84,6% sản lượng đường so với cùng kỳ vụ 2019 - 2020. Ước tính, sản lượng đường của vụ 2020 - 2021 đạt khoảng 700.000 tấn, thấp hơn vụ 2019 - 2020.
Những số liệu nêu trên đã cho thấy thiệt hại vô cùng nghiêm trọng của ngành mía đường Việt Nam, mà nguyên nhân, ngoài biến đổi khí hậu, thì chủ yếu do sự tàn phá của đường phá giá có nguồn gốc nhập khẩu.
Đã có hiện tượng tăng đột biến lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam trong giai đoạn từ khi tiến hành điều tra đến khi áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Lượng đường nhập khẩu với ưu thế giá rẻ này đã hoàn toàn bịt đầu ra của đường sản xuất từ mía trong nước, khiến đường sản xuất tồn kho hoặc buộc phải giảm giá, nhà máy không có tiền trả tiền mía cho nông dân và hủy hoại chuỗi liên kết nông dân - nhà máy, gây ra thiệt hại khó có khả năng khắc phục cho ngành mía đường Việt Nam..Ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam
Cũng theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong tháng 3/2021, đường có nguồn gốc nhập khẩu (nhập chính ngạch và nhập lậu) tiếp tục làm chủ thị trường Việt Nam nhờ ưu thế giá rẻ. Trong đó, một lượng đường lớn đã được các nhà nhập khẩu tìm mọi cách đưa về trước và kể cả sau thời điểm Quyết định số 477/QĐ-BCT ngày 9/2/2021 của Bộ Công thương về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan có hiệu lực (từ ngày 16/2/2021), cộng với lượng đường nhập khẩu tăng đột biến từ Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia.
Thực trạng trên đẩy các nhà máy sản xuất đường trong nước vào tình thế rất khó khăn, vì đã nâng giá thu mua mía lên cho nông dân, khiến giá thành tăng, đường sản xuất ra không thể tiêu thụ trước sự cạnh tranh của đường nhập khẩu. Cuối tháng 3/2021, các nhà máy đã giảm giá để có tiền thanh toán cho nông dân, nhưng thị trường hầu như đã bị các loại đường nhập khẩu “phong tỏa” hoàn toàn.
Dấu hiệu lẩn tránh phòng vệ thương mại
Mục tiêu của Quyết định số 477/QĐ-BCT của Bộ Công thương là nhằm cứu ngành mía đường trong nước. Theo thống kê, đã có 3.300 người lao động bị mất việc làm và 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất trong nước bởi đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020, lên tới gần 1,3 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019.
Nhưng thực tế lại cho thấy, trước khi ban hành quyết định trên, cơ quan chức năng đã “tạo” ra một quãng thời gian đủ dài cho doanh nghiệp ồ ạt nhập đường chính ngạch để lách thuế chống phá giá sau đó.
Cụ thể, lật lại lộ trình trình của Quyết định 477/QĐ-BCT, có thể thấy, Bộ Công thương ban hành quyết định này trên cơ sở Quyết định số 2466/QĐ-BCT ban hành ngày 21/9/2020 của chính bộ này về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Việc điều tra này xuất phát từ việc, ngày 20/8/2020, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) nhận được hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có các mã HS 1701.13.00, 1701.14.00, 1701.99.10 có xuất xứ từ Thái Lan. Bên yêu cầu là đại diện của ngành sản xuất đường mía trong nước, gồm 6 doanh nghiệp. Mức thuế đề xuất của bên yêu cầu chống bán phá giá với hàng hóa bị điều tra là 37,9%.
Sau gần 5 tháng điều tra, tới ngày 9/2/2021, Bộ Công thương mới ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT.
Hiện tượng lạ lùng, theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, trước khi có quyết định điều tra (Quyết định số 2466/QĐ-BCT ban hành ngày 21/9/2020), từ tháng 1/2020 tới tháng 9/2020, bình quân mỗi tháng có 116.353 tấn đường nhập khẩu về Việt Nam. Nhưng, sau khi có quyết định điều tra, từ tháng 10/2020 đến tháng 2/2021, lượng đường nhập khẩu về Việt Nam lên tới 165.250 tấn/tháng, tăng 142% so với trước khi có quyết định điều tra.
Đáng lưu ý, số liệu của Tổng cục Hải Quan đã cho thấy tình trạng gia tăng mức độ bùng nổ nhập khẩu đường vào Việt Nam từ 5 nước: Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia so với thời gian trước khi có quyết định điều tra.
Vấn đề ở chỗ, theo số liệu từ Tổ chức Đường thế giới, từ năm 2013 - 2019, cả 5 quốc gia trên không phải là nước xuất khẩu đường, mà bản chất là nhập khẩu đường, đặc biệt là nhập từ Thái Lan với tỷ lệ lớn.
Chưa hết, trong tháng 3/2021, tức sau khi Quyết định số 477/QĐ-BCT có hiệu lực, Hiệp hội Mía đường Việt Nam còn nhận được thông tin từ các nhà buôn đường quốc tế cho thấy, yêu cầu đặt hàng từ Việt Nam đối với các loại đường có xuất xứ từ 5 quốc gia trên vẫn rất cao, nhất là khi giá đang giảm trên thị trường quốc tế.
“Như vậy, trong tháng 3/2021 đã tiếp tục xuất hiện dấu hiệu của lẩn tránh phòng vệ thương mại ngay từ giai đoạn điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đường, nhằm đối phó với khả năng có thể bị áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời có hiệu lực trở về trước trong Quyết định số 2466/QĐ-BCT. Thực chất, loại hành động lẩn tránh này đang vô hiệu hóa Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan”, ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam nhận định.
Rất dễ tìm ra “ngư ông” đắc lợi, nhưng…
Theo Cục Phòng vệ thương mại, mất tới gần 5 tháng điều tra theo các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới, Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan, đồng thời xem xét, đánh giá kỹ lưỡng thiệt hại của ngành sản xuất trong nước, mức độ phá giá và mức độ trợ cấp của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mía đường Thái Lan cũng như tính toán tác động đối với ngành sản xuất hạ nguồn và người tiêu dùng, thì Bộ Công thương mới ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT.
Tuy nhiên, có chuyên gia cho rằng, việc chậm trễ ra quyết định chính thức về áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đã tạo khe hở, tạo quãng thời gian không ngắn, giúp các doanh nghiệp nhập khẩu ồ ạt đưa đường vào thị trường trong nước.
Theo tính toán, với ưu thế giá rẻ (thuế chỉ 5%), mỗi ki-lô-gam đường nhập khẩu từ Thái Lan rẻ hơn khoảng 4.200 đồng so với đường sản xuất trong nước. Với mức chênh lệch này, các doanh nghiệp trong nước sẵn sàng “loại bỏ” người trồng mía ra khỏi “cuộc chơi”, không tập trung cho vùng nguyên liệu là điều không khó hiểu.
Dù Hiệp hội Mía đường Việt Nam không nêu danh tính các doanh nghiệp nhập khẩu đường “lách” thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời, nhưng cũng không khó tìm tên tuổi doanh nghiệp cũng như số lượng đường nhập từ cơ quan hải quan để xử lý, nếu thực nghiêm minh.
Đáng lưu ý, Quyết định số 477/QĐ-BCT có thời hạn áp dụng là 120 ngày kể từ ngày có hiệu lực (từ ngày 16/2/2021). Theo nhận định của giới chuyên gia, với thời hạn này, thì hàng trăm ngàn tấn đường mía được các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu trước đó có khả năng vẫn “nằm ngoài” việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.