Kể từ ngày 19/8 mức thuế tự vệ tạm thời đối với các loại phân DAP nhập khẩu sẽ ở mức 1.855.790 đồng/tấn, theo đó giá phân DAP có thể tăng khoảng 20% so với hiện tại.
Các doanh nghiệp thuộc Vinachem hưởng lợi từ quyết định "bảo vệ" phân DAP. Ảnh: TL |
Thông báo mới đây từ Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương đã quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP có HS : 3105.10.20; 3105.10.90; 3105.20.00; 3105.30.00; 3105.40.00; 3105.51.00; 3105.59.00; 3105.90.00.
Căn cứ theo quyết định này, mức thuế tự vệ tạm thời là 1.855.790 đồng/tấn. Việc áp thuế có hiệu lực từ ngày 19/8 tới đây.
Biện pháp tự vệ tạm thời được áp dụng trong khoảng thời gian không quá 200 ngày kể từ ngày có hiệu lực. Biện pháp này sẽ chấm dứt vào ngày 6/3/2018 hoặc Bộ Công Thương có quyết định áp thuế tự vệ chính thức.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dựa trên mức giá thị trường hiện tại của dòng phân DAP Trung Quốc (chiếm hơn 80% phân DAP nhập khẩu), giá phân DAP nhập khẩu có thể được nâng lên đến 11.000 đồng/kg, tức là tăng ~20% so với hiện tại.
Đưa ra đánh giá về tác động của chính sách thuế tự vệ mới đến một số công ty phân bón đang niêm yết, VDSC cho biết, các công ty sản xuất phân đạm như Đạm Cà Mau (mã DCM) hay Đạm Phú Mỹ (mã DPM) sẽ không bị ảnh hưởng nhiều ở thời điểm hiện tại.
“Riêng đối với DPM, một điểm đáng lưu ý là nhà máy mới của Công ty trong tổ hợp tự án NH3-NPK có thể sản xuất phân DAP. Tuy nhiên, phải đến đầu năm 2018, các sản phẩm DAP tự sản xuất (nếu có) mới được tung ra thị trường và theo chúng tôi tìm hiểu, sản phẩm chính được định hướng cho tổ hợp này hiện vẫn là phân NPK. Điều này có nghĩa là lợi ích từ chính sách tự vệ mới là chưa rõ ràng đối với DPM”, báo cáo của VDSC cho hay.
VDSC cũng cho biết, các công ty sản xuất phân NPK như CTCP Phân bón Bình Điền (BFC), CTCP Phân bón MIền Nam (SFG) hay CTCP Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao (LAS) cũng thuộc trường hợp tương tự.
“BFC mặc dù sử dụng phân DAP như nguyên liệu đầu vào nhưng tỷ trọng loại phân này trong giá vốn chỉ khoảng 20%-25% nên tác động là không đáng kể. Đối với LAS và SFG, hai công ty này sử dụng phân lân tự sản xuất là nguyên liệu đầu vào chính thay vì DAP nên cũng nằm ngoài tác động của biện pháp thuế tự vệ mới”, VDSC cho biết.
Theo VDSC, chỉ có CTCP DAP – Vinachem (mã DDV) và CTCP Xuất nhập khẩu (mã QBS) đang sở hữu 19,17% cổ phần DDV là những đối tượng được lợi rõ nhất từ biện pháp tự vệ này.
DAP – Vinachem, DAP Đình Vũ cũng chính là đơn vị đã yêu cầu việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ cùng với CTCP DAP số 2 – Vinachem, DAP Lào Cai, ngoài ra Bộ Công Thương còn lấy câu trả lời từ CTCP Hoá chất Đức Giang.
Như vậy, rõ ràng, DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai, 2 đơn vị thuộc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đã được hưởng lợi từ quyết định “bảo vệ” do Bộ Công Thương đưa ra.
Trước đó, cuối tháng 2/2017, Cục Quản lý cạnh tranh từng có văn bản trả lời Cục Hoá chất về việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với phân bón nhập khẩu với các công ty liên quan được kể đến trong đó có DAP Đình Vũ, Cục này từng cho biết, mặc dù nhà sản xuất đang chịu thiệt hại nhưng để có cơ sở khởi xướng điều tra theo quy định WTO và pháp luật về phòng vệ thương mại thì cần theo dõi và phân tích thêm lượng nhập khẩu năm 2017.
Nguyễn Thảo / BizLIVE