Trong thời đại các dịch vụ tích hợp lên ngôi, sự kết hợp giữa viễn thông, truyền hình và internet đang hứa hẹn tạo nên làn sóng hội tụ mới: hội tụ từ nội dung đến thương hiệu, chính sách, sản phẩm dịch vụ, công nghệ… Lợi ích nào ẩn đằng sau những sự hội tụ này?
Việt Nam và bước đi của nhà mạng lớn
Tiêu dùng cho các dịch vụ đa phương tiện đang ở mức cao hơn bao giờ hết. Theo một nghiên cứu của Ericson, năm 2014, trung bình mỗi hộ gia đình có khoảng 3 người sử dụng internet, dùng khoảng 6 thiết bị số, đăng ký 2 gói cước điện thoại, và 1 đường truyền. Cũng theo Ericson, nội dung video đang ngày càng được ưa chuộng, nhất là trên di động. Khảo sát tại Ấn Độ, Brazil, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Anh của hãng này cho thấy lượng video được xem trên di động chiếm khoảng 45% so với các loại nội dung khác. Tại Việt Nam, dự kiến đến năm 2020, 50% lưu lượng trên di động băng rộng sẽ là video và truyền hình trả tiền.
Hiện nay, các công ty viễn thông đã bắt đầu đẩy nhanh hoạt động để nắm bắt các cơ hội trong xu thế hội tụ. Bộ trưởng bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son từng phát biểu: "Tôi tin tưởng rằng, trong thời điểm hội tụ này, nếu giữa truyền hình với di động có sự gắn kết chặt chẽ với nhau thì sẽ tạo thêm sức mạnh cho các tổng công ty, tập đoàn trong lĩnh vực viễn thông phát triển”.
Theo đúng tinh thần đó, Viettel đã phát triển NextTV, VNPT có MyTV và gần đây nhất, cái tên lớn cuối cùng -MobiFone - đã chính thức lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh truyền hình với thương vụ mua lại Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), đơn vị chủ sở hữu truyền hình An Viên
Ẩn số mang tên “lợi ích”
Nhìn từ góc độ thị trường, các chuyên gia kinh tế cho rằng: Truyền hình sẽ giúp tăng năng lực cạnh tranh của MobiFone cũng như các nhà mạng khác, tạo một sân chơi lành mạnh và mới mẻ cho tất cả các bên. Trong bối cảnh người tiêu dùng không còn “mặn mà” với cả dịch vụ đàm thoại thông thường, đây là xu thế tất yếu mà bất kì doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, viễn thông di động như MobiFone cũng cần nhanh chóng nắm bắt.
Lợi ích mà MobiFone nhận được trong xu thế “hội tụ” này, trước tiên là nguồn thu khi MobiFone khai thác các gói bán chéo dịch vụ truyền hình - viễn thông. MobiFone cũng sẽ tiết kiệm được các khoản đầu tư ban đầu nhờ cơ sở hạ tầng được xây dựng quy mô của AVG cũng như thị phần và tập khách hàng có sẵn. Sở hữu truyền hình An Viên với 104 kênh còn là cơ hội để MobiFone mở rộng thêm một kênh quảng bá dịch vụ - sản phẩm, kênh truyền thông cho thương hiệu nhằm lan tỏa và đến gần hơn nữa với công chúng.
Ở chiều ngược lại, người tiêu dùng cũng có thêm rất nhiều lợi ích từ xu thế hội tụ. Thứ nhất, khi những doanh nghiệp như MobiFone tận dụng và tích hợp tối đa điểm mạnh của cả viễn thông cũng như truyền hình, người dùng sẽ có thêm nhiều dịch vụ mới để lựa chọn: từ xem truyền hình theo yêu cầu, đến sử dụng các gói data linh hoạt theo nhu cầu, hoặc tận hưởng các giá trị gia tăng với chi phí hợp lý. Đại diện MobiFone cho biết sẽ mở rộng dịch vụ xem truyền hình vệ tinh trên các ứng dụng di động nhằm mang đến sự thuận tiện trong việc cập nhật tin tức, giải trí khi di chuyển của một bộ phận lớn người dùng… Người dùng cũng sẽ được tận hưởng dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hơn, đa dạng và linh hoạt hơn, với những trải nghiệm mới theo hướng ngày càng cá nhân hoá.
Đón đầu xu thế hội tụ, chú trọng lợi ích của khách hàng, MobiFone đặt mục tiêu đến năm 2020 trở thành một trong ba doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam. Điều này cũng nằm trong chiến lược phát triển của MobiFone, với tham vọng trở thành nhà cung cấp đa dịch vụ bao gồm viễn thông, CNTT, truyền hình, phân phối bán lẻ, đa phương tiện… đáp ứng một cách đầy đủ, hoàn thiện, trong một vòng “khép kín” rất nhiều nhu cầu khác nhau của từng cá thể người dùng tại mọi thời điểm trên mọi thiết bị.
(theo Dân Trí)