Từ tháng 1-2019 đến nay, Chính phủ không còn bảo lãnh cho bất kỳ dự án vay vốn, phát hành trái phiếu của doanh nghiệp nào, từ lĩnh vực xây dựng, dầu khí, năng lượng cho đến khoáng sản... Ngành hàng không cũng đã dứt việc bảo lãnh hơn 5 năm nay. Hàng không là một trong những ngành bị thiệt hại nặng nề nhất vì Covid-19, chính vì vậy những khoản nợ của doanh nghiệp trong ngành đến hạn năm 2020 không trả được; và điều này đang tác động lớn đến các chỉ tiêu nợ công.
Hậu Covid-19, vấn đề của các hãng hàng không nội địa hiện nay là đều thiếu nguồn vốn lưu động phục vụ cho sản xuất kinh doanh, trả nợ các nhà cung cấp, trả nợ các hợp đồng vay lớn... đến hạn. Ảnh: TTXVN
Chính phủ đứng trước áp lực trả nợ thay
Tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trong báo cáo gửi Quốc hội về các vấn đề liên quan đến nền tài chính quốc gia, đã nêu ra vấn đề an toàn nợ công. “Dự kiến cuối 2020, nợ công vẫn an toàn ở mức 52,3% GDP. Tuy nhiên, dịch Covid-19 có nguy cơ gây ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực, kéo theo những rủi ro về kinh tế vĩ mô, tài chính. Dịch bệnh đã gia tăng áp lực lên các chỉ tiêu bội chi ngân sách và nợ công”.
Đôi dòng trong báo cáo của Bộ Tài chính chưa khái quát hết được những rủi ro mà Chính phủ và doanh nghiệp phải đối diện. Cho dù từ hơn một năm rưỡi nay, Chính phủ không bảo lãnh cho bất kỳ doanh nghiệp nào vay nợ nhưng rất nhiều khoản nợ trước đây đã được Chính phủ bảo lãnh nay đã đến hạn trả. Do dịch bệnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp không trả được. Kể cả doanh nghiệp tự vay, tự trả nhưng theo Luật quản lý nợ công, trường hợp doanh nghiệp không trả được thì nợ đó sẽ biến thành nợ quốc gia và Chính phủ phải đứng ra trả thay.
Đơn cử như trường hợp của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), nơi nhà nước nắm giữ 86,19% tổng số cổ phần. Doanh nghiệp này luôn công bố việc trả các khoản nợ vay đúng hạn trong các Đại hội đồng cổ đông hàng năm. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã làm hãng này và tất cả các hãng hàng không khác lao đao.
Báo cáo kinh doanh quí 1-2020 được công bố cho thấy, lợi nhuận sau thuế của Vietnam Airlines âm 2589 tỉ đồng, doanh thu giảm 43,9% so với kế hoạch. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài hết tháng 6 năm nay, thì dự báo tổng doanh thu của hãng sẽ giảm 50 ngàn tỉ đồng và cả năm sẽ lỗ chừng 15-16 ngàn tỉ đồng. Lỗ kinh doanh vì dịch bệnh khiến cho hãng mất cân đối dòng tiền nghiêm trọng. Nhiều giải pháp giãn nợ ngắn hạn, giãn thanh toán chỉ đáp ứng được nhu cầu về tài chính trong một thời gian ngắn. Nếu thị trường còn bị ảnh hưởng xấu vì dịch bệnh, các đường bay quốc tế chưa được mở lại thì Vietnam Airlines sẽ không có tiền để hoạt động, để trả nợ ngân hàng, trả các đối tác...
Tình hình hoạt động của Vietjet Air cũng khó khăn tương tự. Hãng hàng không tư nhân này lỗ khoảng 989 tỉ đồng trong quí 1 và dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietjet Air cũng đã âm gần 2027 tỉ đồng. Bamboo Airways dù thị phần chưa đáng kể so với hai hãng nêu trên nhưng với tốc độ đầu tư chóng mặt năm qua, chi phí cố định lớn khiến cho tình hình tài chính cũng gặp khó.
Vấn đề của các hãng hàng không là chi phí đầu tư vào đội máy bay (tàu bay) rất lớn. Vietjet Air công bố dòng tiền từ hoạt động kinh doanh chính ngay năm ngoái và năm nay đều âm. Nhưng lợi nhuận thu được do hoạt động bán và cho thuê lại tàu bay lãi lớn. Năm 2019, doanh thu từ mảng sale & lease back (bán và cho thuê lại máy bay) lời hơn 3000 tỉ trong quí 1. Còn năm nay, áp lực tài chính với cam kết thanh toán ngoại bảng lên gần 2,84 tỉ đô la Mỹ đến hạn nhưng do dịch bệnh, cũng không thể nhận tàu để bán và cho thuê lại được nên không cân đối được tài chính.
Theo thông tin của TBKTSG Online, do mất cân đối dòng tiền vì dịch bệnh nên nhiều hợp đồng vay, bảo lãnh Chính phủ (thực hiện từ năm 2015 trở về trước nay đến kỳ trả nợ) của Vietnam Airlines để đầu tư, nâng cấp đội bay đang đứng trước nguy cơ không trả được.
Theo kế hoạch, đến trung tuần tháng 5 năm nay, hãng sẽ phải trả nợ các ngân hàng trong và ngoài nước khoảng gần 800 triệu đô la là số tiền đã vay mua tàu bay trong thời kỳ 2009-2015, được Chính phủ bảo lãnh. Trong trường hợp không trả được nợ, hãng sẽ khó duy trì được hoạt động vì tạo phản ứng dây chuyền xấu và các đối tác nước ngoài sẽ yêu cầu Chính phủ trả thay. Chỉ khi nào Chính phủ có những biện pháp cấp cứu các hãng hàng không, trong đó có Vietnam Airlines bằng những chính sách kịp thời, thì các chủ nợ quốc tế và trong nước mới gia hạn cho các khoản vay hàng trăm triệu đô la này.
Giải cứu thế nào cho hợp lý
Việc cho mở cửa trở lại thị trường hàng không nội địa chưa cứu được các hãng hàng không đang gồng mình trong cơn bão Covid-19, nhất là khi cầu rất thấp. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã đề xuất nhiều lần chính sách giải cứu chung cho các hãng hàng không như miễn giảm thuế nhập khẩu và thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, miễn giảm thuế giá trị gia tăng cho ngành hàng không, giãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho các hãng... Nhưng cho đến nay, chưa có một chính sách nào được Chính phủ chính thức thông qua.
Vấn đề của các hãng hàng không hiện nay là đều thiếu nguồn vốn lưu động phục vụ cho sản xuất kinh doanh, trả nợ các nhà cung cấp, trả nợ các hợp đồng vay lớn...đến hạn. Không riêng gì hãng nào, nếu chính sách đến quá muộn so với thực tế đầy khó khăn thì nguy cơ suy sụp doanh nghiệp đến rất gần.
Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng nhà nước (NHNN) có những gói hỗ trợ về tiền tệ tổng giá trị khoảng 300 ngàn tỉ đồng. Song việc NHNN để các ngân hàng tự phân loại đối tượng hỗ trợ và chịu trách nhiệm về sự phân loại đó cho thấy, hầu hết chưa doanh nghiệp lớn nào “ngấm” được những hỗ trợ về tiền tệ.
Đã đến lúc, sự "cào bằng" và chậm trễ trong hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hàng không có thể gây ra những hệ lụy rất lớn đến nợ công mà trường hợp nợ đến hạn gần 800 triệu đô la của Vietnam Airlines là ví dụ.
Những giải pháp về chính sách tiền tệ để nhằm phục hồi toàn bộ thị trường hàng không, tạo sức lan tỏa đến các ngành kinh tế khác, căn cứ tùy theo mức độ đóng góp ngân sách vào của doanh nghiệp là điều Chính phủ và các ngân hàng phải nhanh chóng tính đến.