Tín dụng 2 tháng đầu năm của cả nước chỉ tăng khoảng 5.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tại ngân hàng có quy mô lớn nhất còn ghi nhận tăng trưởng âm 2%.
Theo thông tin của Tuổi trẻ online, thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt 0,06%, giảm mạnh so với mức tăng 1% của cùng kỳ năm trước, dù ngân hàng đã tung ra nhiều gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp. Đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất cùng kỳ trong 6 năm trở lại đây.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế NH Nhà nước, cho rằng mức tăng trưởng tín dụng khá thấp của những tháng đầu năm cho thấy các doanh nghiệp (DN) đang rất khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh do bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19.
Tổng tín dụng toàn nền kinh tế cuối năm 2019 ở mức 8,19 triệu tỷ đồng. Như vậy, tín dụng 2 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng thêm chưa đầy 5.000 tỷ.
Trong khi đó, tại ngân hàng có quy mô tín dụng lớn nhất Việt Nam - BIDV, tác động của dịch bệnh cũng thể hiện rõ khi tín dụng 2 tháng bị giảm tới 2%, huy động giảm 1,6%.
"Đây là xu hướng chung của các ngân hàng hiện nay. Bởi những tháng đầu năm như tháng Giêng, khách hàng rất ít khi đi vay. Ngoài ra, chúng ta còn phải chịu tác động kép từ dịch bệnh, cả phía cung và phía cầu", ông Phan Đức Tú - Chủ tịch HĐQT ngân hàng cho biết.
2 tháng đầu năm, BIDV ghi nhận chênh lệch thu chi ở mức 5.700 tỷ đồng, và đã dành một khoản trích lập dự phòng dư nợ VAMC mua lại hoàn toàn trái phiếu VAMC trước 10 tháng so với kế hoạch.
Năm 2020, ngân hàng đặt mục tiêu lãi trước thuế 12.500 tỷ đồng, nhưng đây là kịch bản tăng trưởng trong điều kiện dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, tức chỉ kéo dài nhiều nhất đến cuối tháng 3 này. "Tuy nhiên, dựa theo tình hình hiện nay thì sẽ khá khó khăn", ông Tú nói tại đại hội cổ đông thường niên 2020 ngày 7/3.
Lãnh đạo BIDV cũng chia sẻ có thể phải điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh trong trường hợp cần thiết và sẽ báo cáo với cổ đông về việc điều chỉnh này.
Được biết, BIDV đã đăng ký gói tín dụng tới 120.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, chiếm đến hơn 40% trong gói tín dụng 285.000 tỷ đồng của ngành ngân hàng.
Giảm lãi suất cho vay, miễn giảm phí dịch vụ và tăng trưởng tín dụng thấp chắc chắn sẽ tác động tới lợi nhuận của ngân hàng. Song theo nhiều chuyên gia, tăng trưởng tín dụng thấp hay lợi nhuận của các nhà băng bị giảm đi chưa phải là điều đáng lo nhất, mà là nợ xấu.
Theo NHNN, tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo thống kê sơ bộ từ 23 TCTD ước tính lên tới 926.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn và từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn. Nhiều ngành bị ảnh hưởng như nông, âm nghiệp & thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giầy, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục…
Báo cáo nghiên cứu của công ty chứng khoán SSI mới đây đánh giá, ngành ngân hàng sẽ chịu tác động tiêu cực trong ngắn hạn từ dịch COVID-19 đang lan rộng toàn thế giới. Vì thế, ngoài giảm tốc tộ tăng trưởng tín dụng cũng đặt ra lo ngại về việc gia tăng nguy cơ nợ xấu. Các ngân hàng đánh giá, những khách hàng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 là các doanh nghiệp trong các lĩnh vực vận tải, kho bãi; lưu trú; du lịch, nhà hàng - ăn uống… cùng các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu và nguồn nguyên liệu nhập khẩu chính từ Trung Quốc… Những doanh nghiệp trong các lĩnh vực này chiếm lượng khá lớn trong số các khách hàng của các ngân hàng, do đó nguy cơ gia tăng nợ xấu là khó tránh khỏi.
Theo ước tính của VPBank, tổng số khách hàng của VPBank bị tác động trong đợt dịch bệnh COVID-19 có thể lên tới gần 1.000 doanh nghiệp và có thể gia tăng nếu tình hình diễn biến phức tạp hơn và kéo dài.
Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho hay, Agribank chưa đánh giá được có bao nhiêu khách hàng bị thiệt hại và số lượng thiệt hại, song chắc chắn dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền trả nợ của khách hàng với ngân hàng. Theo đó, việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, trong khi trong cơ cấu cho vay của Agribank, nông nghiệp chiếm tới 70%. Điều này cũng có thể tác động làm gia tăng nguy cơ nợ xấu.
Hiện NHNN cũng đã lấy ý kiến về việc ban hành Thông tư hướng dẫn các TCTD cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19.
Theo đó các tổ chức tín dụng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay với những khoản nợ chưa chuyển nợ quá hạn mà khách hàng được đánh giá không có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và lãi do chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 hoặc với khoản nợ quá hạn từ ngày 23/1 đến khi Thông tư được ban hành. Tổng thời gian cơ cấu nợ sẽ không vượt quá thời gian cấp tín dụng ban đầu tương đương 1 chu kỳ vay vốn. Và để được giữ nguyên nhóm nợ, khoản nợ đó phải có thời hạn trả nợ nằm trong khoảng thời gian từ 23/1 đến hết 90 ngày sau khi nhà nước công bố hết dịch.