Việt Nam đang đối mặt với nhiều rủi ro trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thời Covid-19, đó là dòng đầu tư sụt giảm và nguy cơ bị thâu tóm.
Covid-19 đang tạo ra những thách thức chưa từng có đối với các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực và quy mô. Ảnh: Đức Thanh
Đà sụt giảm đang mạnh
Dù con số thống kê về tình hình thu hút FDI tháng 4/2020 ít nhất phải hơn 10 ngày nữa mới được công bố, song nhiều dự báo cho biết, con số sẽ không khả quan. Việc Việt Nam đang thực hiện giãn cách toàn xã hội, trước mắt đến ngày 15/4/2020, được cho là sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc các nhà đầu tư hoàn tất các thủ tục cần thiết để nhận được cái gật đầu của chính quyền địa phương đối với các khoản đầu tư mới, đầu tư mở rộng và cả đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần. Ngay cả vốn FDI giải ngân có lẽ cũng sẽ khó đạt được các con số của thời điểm tháng 3/2020.
Nhưng đây là điều dễ hiểu và là xu thế toàn cầu. Dẫn báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) hôm 26/3, rằng dòng FDI toàn cầu sẽ sụt giảm 30-40% trong giai đoạn 2020-2021, ông Lương Văn Khôi, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, xu hướng này sẽ ảnh hưởng lớn tới thu hút FDI của Việt Nam.
Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố ngày 8/4 cũng cho biết, Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) đã giảm xuống mức thấp nhất với 26% trong quý đầu tiên của năm 2020, nghĩa là giảm tương đương 51 điểm, từ 77% được ghi nhận vào cuối năm 2019.
Tuy nhiên, điểm tích cực là, các doanh nghiệp châu Âu đánh giá cao các biện pháp ứng phó dịch hiện nay của Chính phủ, cũng như các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Rằng, nếu không có những hành động nhanh chóng và quyết đoán của Chính phủ, chắc chắn tình hình tại đây sẽ trở nên tồi tệ.
“Covid-19 là một cuộc khủng hoảng có diễn biến thay đổi nhanh chóng và đang tạo ra những thách thức chưa từng có đối với các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực và quy mô. Do đó, có thể sớm đưa ra những biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm hỗ trợ cả doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp nước ngoài cùng vượt qua cơn bão này và trở lại hoạt động kinh doanh càng sớm càng tốt”, Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier nhấn mạnh.
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng có quan điểm như vậy. Theo ông Hoàng, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp FDI chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bởi đó chính là bước chuẩn bị cho sự phục hồi của dòng FDI sau đại dịch.
Còn ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, muốn chặn đà giảm sút FDI, sau dịch, phải đến tận “headquater” (trụ sở chính) của nhà đầu tư để tìm kiếm các cơ hội. “Sau dịch, cạnh tranh thu hút FDI sẽ rất mạnh. Nếu chúng ta không chủ động, thì sẽ rất khó”, ông Cung nói.
Cẩn trọng với “thâu tóm”
Không chỉ đối mặt với suy giảm, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam tới đây còn có thể đối mặt với nguy cơ bị thâu tóm. Và đây là nguy cơ của toàn cầu, chứ không riêng gì ở Việt Nam.
Báo cáo của UNCTAD cho biết, USD đang tăng giá so với đồng nội tệ của các nền kinh tế đang nổi và điều này sẽ dẫn đến xu hướng rút vốn khỏi các thị trường đang nổi. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá cổ phiếu của nhiều công ty sụt giảm mạnh, đây có thể là cơ hội để các công ty đa quốc gia vững mạnh về tài chính tăng cường thâu tóm các công ty gặp khó khăn.
Thông tin cho biết, gần đây, một số nền kinh tế như Pháp, Đức, Tây Ban Nha đã có những cảnh báo về việc kinh tế Trung Quốc bắt đầu phục hồi, rất có thể các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ đi mua các doanh nghiệp châu Âu.
“Họ đã đưa ra các lời cảnh báo về việc tránh bị mua vào thời điểm đáy. Ngay cả cơ quan đầu tư của Mỹ cũng bắt đầu có nghiên cứu về vấn đề này”, một chuyên gia kinh tế cho biết.
Liên quan đến vấn đề này, khi báo cáo Chính phủ mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, nguy cơ doanh nghiệp bị đóng cửa, giải thể, phá sản là rất cao. Và thực tế là đã có nhiều nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp phải rao bán.
“Nếu dịch tiếp tục kéo dài, việc mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A) sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam (doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, đã có thị phần nhất định, có khả năng tạo nền tảng cho sản xuất - kinh doanh của một số ngành kinh tế quan trọng) sẽ bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư nước ngoài với giá rẻ”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo như vậy.
Hiện nay, thủ tục đầu tư, đặc biệt là thủ tục mua cổ phần, góp vốn rất thuận lợi. Những năm gần đây, xu hướng đầu tư thông qua hình thức này tăng rất mạnh. Tuy nhiên, đằng sau đó, có thể sẽ là nguy cơ bị thâu tóm và đây là điều cần được cảnh báo tới các cơ quan quản lý đầu tư ở địa phương.
Môi trường toàn cầu xấu đi nhanh chóng Báo cáo được cập nhật mới nhất của UNCTAD cho biết, có tới 61% trong top 100 công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới được khảo sát cho biết, môi trường toàn cầu xấu đi nhanh chóng đã ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của các công ty. Ngoài ra, top 5.000 tập đoàn đa quốc gia lớn nhất, vốn chiếm phần lớn dòng FDI toàn cầu đã ước tính sẽ giảm 30% đối với lợi nhuận trung bình năm 2020 và xu hướng này dự báo vẫn tiếp diễn sau đó. Lợi nhuận giảm, thị trường toàn cầu thì sốc cả cung lẫn cầu, nên dễ hiểu vì sao các quyết định đầu tư sẽ bị trì hoãn. |