Áp lực tăng trưởng chính là động lực để các doanh nghiệp (DN) ngành gỗ và mỹ nghệ Việt Nam đã và đang mạnh tay hơn trong việc đầu tư công nghệ hiện đại, nhà máy sản xuất có quy mô lớn.
Thông tin trên được ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) - Tổng giám đốc Công ty CP Thủ công mỹ nghệ gỗ Liên Minh (HAWA Cororation) chia sẻ với báo chí ngày 1/3.
Nhiều DN chế biến gỗ đang mở rộng đầu tư nhà xưởng để đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của thị trường
Theo ghi nhận của HAWA, hiện tại tất cả các DN ngành gỗ đều đang đầu tư nhiều hơn cho thiết kế cũng như trang bị thêm công nghệ để tăng lợi thế cạnh tranh. Và đáng mừng là hiện các DN Việt Nam đang dần khẳng định được vị trí thượng phong so với DN FDI.
Phân tích cụ thể, ông Hạnh cho biết, hiện cả nước có trên 450 DN FDI hoạt động trong ngành chế biến gỗ. Trong nhiều năm liền họ đều chiếm doanh số xuất khẩu đến 56% nhưng năm 2016 doanh số xuất khẩu của họ chỉ còn 47% (DN Việt đã vươn lên chiếm 52%). Điều này chứng tỏ sự cố gắng trong thời gian qua của các DN Việt đã có kết quả.
Cũng theo ông Hạnh, chế biến gỗ là ngành xuất siêu cao, tăng trưởng ổn định, ít phụ thuộc và có giá trị gia tăng trên 40%. Về cơ hội thị trường, Việt Nam vừa ký nhiều Hiệp định thương mại với các nước nên ngành càng có nhiều tiềm năng và dư địa phát triển. Đặc biệt, theo dự báo, trong năm 2017, nhu cầu tiêu thụ đồ nội thất trên toàn thế giới tiếp tục tăng. Nếu DN đầu tư nghiêm túc, khả năng bứt phá về mặt doanh số sẽ khá cao. Dự đoán năm nay kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sẽ đạt khoảng 8 tỷ USD.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Tổng giám đốc Công ty Scansia Pacific - bổ sung, đúng là hiện các DN Việt tại khu vực phía Nam, cụ thể là Bình Dương, Đồng Nai… đều đang xây thêm xưởng mới và họ đều xây gấp đôi so với quy mô hiện tại của mình.
“Mới đây tôi có làm việc với một DN cung cấp máy (DN này cũng đồng thời là thành viên Ban chấp hành của HAWA) và được đơn vị này cho biết, rất nhiều DN khi làm việc với nhà cung cấp máy chỉ dự trù sẽ mở rộng quy mô tăng trưởng 25% nhưng thực tế họ đều xây nhà máy rộng hơn 50%. Điều này cho thấy DN đánh giá thị trường tiềm năng phát triển nên mới dám đầu tư mở rộng nhiều đến thế”, ông Thắng chia sẻ.
Cũng theo ông Thắng, cùng với sự tăng trưởng của toàn ngành, Scansia Pacific đang đầu tư xây thêm 1 nhà máy để đáp ứng nhu cầu phát triển hiện nay trong ngành chế biến gỗ.
Liên quan đến thị trường nội địa, ông Huỳnh Văn Hạnh cho hay, từ năm 2005 đến nay doanh thu ngành gỗ tại nội địa chỉ khoảng trên dưới 1 tỷ USD (riêng chỉ có năm 2009 là đạt 2,9 tỷ USD) do nhu cầu thị trường đi xuống. Song năm 2017 HAWA dự báo doanh thu tại nội địa sẽ đạt khoảng 1,3 tỷ USD. Lý do, ngành bất động sản (chiếm 40% lượng tiêu thụ sản phẩm gỗ) đang hồi phục trở lại, kéo theo nhu cầu thiết bị nội thất, đồ gỗ cho các công trình cũng tăng theo. Điều đáng mừng là hầu hết các công trình đang xây dựng tại thị trường nội địa đều chọn các DN gỗ Việt Nam là nhà cung cấp.
Minh Long / baocongthuong