20% nhà đầu tư đang ôm hàng có thể giảm giá tài sản 5-10% để cơ cấu khoản vay, xử lý hợp đồng tới kỳ đóng tiền theo tiến độ.
Các chuyên gia dự báo đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư đang đẩy địa ốc vào kịch bản chịu áp lực giảm giá trên thị trường thứ cấp (nhà đầu tư mua đi bán lại) khá mạnh. Trao đổi với VnExpress, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa cho biết, thị trường đã xuất hiện nhiều gam màu tối do chịu cú đấm bồi của đợt dịch mới.
Ông Quang nhận định, diễn biến phức tạp và khó lường của đợt dịch lần thứ tư đã đẩy thị trường bất động sản vào tình thế tê liệt vì hạn chế đi lại, thủ tục mua bán hầu như bị ách lại. Khối lượng giao dịch thứ cấp sụt giảm 90-95%, người bán chào hàng nhiều song người mua lại cực kỳ e ngại vì ai cũng có tâm lý phòng thủ khá mạnh.
CEO Công ty Việt An Hòa đánh giá, ngoại trừ 80% các nhà đầu tư trường vốn, có tiềm lực tài chính tốt và dày dạn kinh nghiệm đã cảnh giác chuẩn bị hàng phòng vệ tốt, vẫn có 10-20% nhà đầu tư chưa lường hết những thách thức của việc chống dịch, đang loay hoay xả hàng trên thị trường thứ cấp. Nhóm 20% nhà đầu tư này bị nợ đọng, lãi vay phải trả đều hàng tháng, thậm chí có tài sản đến hạn phải đóng tiền theo tiến độ, cần bán tài sản buộc phải cân nhắc đến việc giảm giá.
Tỷ lệ 10-20% lượng nhà đầu tư vẫn tìm cách xoay xở xả hàng có thể chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất, nhà đầu tư ôm những tài sản có giá trị trên 20 tỷ đồng đang cần bán, có thể giảm giá ở biên độ 5%. Nhóm thứ hai, các nhà đầu tư nắm nhiều sản phẩm đang chấp nhận bán giảm giá 5-10% đối với vài bất động sản giá trị nhỏ 1-3 tỷ đồng.
"Tháng 7 đang là giai đoạn then chốt chống dịch, tâm lý thị trường thứ cấp khá kém, có thể diễn ra thế trận một chiều, tức chỉ có bên bán chứ không có bên mua, điều này càng khiến áp lực giảm giá tài sản mạnh dần", ông Quang dự báo.
Thị trường bất động sản phía Đông TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần.
Trong khi đó, ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam dự báo, nếu Covid-19 kéo dài thêm vài tuần nữa, nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính hoặc cân đối dòng tiền không tốt có thể phải bán cắt lỗ.
Theo ông David Jackson, trong những tháng còn lại của năm 2021, người dân và doanh nghiệp vẫn đang ưu tiên các biện pháp mang tính chống đỡ dù tâm lý thị trường và kỳ vọng vào chiến dịch tiêm vaccine. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã tác động nhiều đến thu nhập của người dân và doanh nghiệp, cần thêm nhiều thời gian để tâm lý chung của thị trường quay trở lại trạng thái trước đại dịch.
Theo khảo sát của VnExpress, chưa xuất hiện tình trạng giảm giá bất động sản trên thị trường sơ cấp (chủ đầu tư chào bán lần đầu ra thị trường) trong thời gian diễn ra đợt dịch lần thứ tư. Song thị trường thứ cấp đã có dấu hiệu chao đảo. Đến cuối tháng 6, thị trường condotel thứ cấp đã xuất hiện tình trạng giảm giá do nhà đầu tư không trụ nổi hoặc muốn dịch chuyển kênh đầu tư. Ngoài ra, những cơn sốt đất diễn ra hồi quý I đều đã có dấu hiệu hạ nhiệt vào quý II và xuất hiện tình trạng giảm giá ở các điểm sốt đất trước.
Ông Huỳnh Phước Nghĩa - Chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn Kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC) nhận định, Covid-19 đang lái thị trường về chuỗi giá trị thật hơn là tìm kiếm lợi nhuận ảo sau một thời gian dài các cơn sốt đất đã hình thành nhiều mặt bằng giá ảo.
Ông Nghĩa nhận xét, đối diện với đợt dịch đầy căng thẳng lần này, nhà đầu tư nào đang sử dụng đòn bẩy tài chính quá đà hoặc vốn vay ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn sẽ đứng trước kịch bản lành ít dữ nhiều. Nhóm nhà đầu tư này sẽ chịu áp lực điều chỉnh giá bán nếu muốn xả hàng để giảm gánh nặng tài chính kéo dài từ năm 2020 đến nay.