Quan hệ giữa “ông chủ” và hiệu trưởng hiện nay hướng dần theo “ông chủ” và “nhà điều hành”, sẽ có mâu thuẫn giống như trong doanh nghiệp, nhưng đó là loại mâu thuẫn tốt cho sự phát triển.
Đó là chia sẻ của TS. Đàm Quang Minh – người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong “nghề” hiệu trưởng ở 3 trường đại học tư thục chia sẻ về công việc "nghề" hiệu trưởng của mình.
Tiến sĩ Đàm Quang Minh
Không ai bỏ ra trăm tỷ, nghìn tỷ chỉ để chơi
Trước đây, anh là người gây xôn xao dư luận khi trở thành hiệu trưởng trường đại học trẻ nhất Việt Nam (35 tuổi) – trường ĐH FPT. Thời gian anh làm hiệu trưởng ở trường đó được bao lâu? Và có chịu nhiều áp lực không?
Thú thực lúc nhận nhiệm vụ, tôi rất hứng khởi và bắt tay vào việc ngay khi còn chưa nhận được bổ nhiệm và công nhận chính thức. Đó là một nhiệm vụ rất thách thức nhưng tại lúc đó tôi cũng không cảm nhận được hết những áp lực có thể có.
Nhưng sau đó, trách nhiệm và áp lực dần mạnh lên rất nhiều, cộng thêm với rất nhiều việc liên quan đến các hoạt động của một trường có áp lực tăng trưởng lớn. Khi tôi nhậm chức là giữa nhiệm kỳ, tôi hoàn thành nhiệm kỳ sau 2,5 năm làm việc rồi xin nghỉ, rời khỏi trường Đại học FPT và cả FPT luôn.
Như vậy, anh đầu hàng trước áp lực?
Áp lực hay những vấn đề khó khăn là con ếch khó nhằn mà mỗi chúng ta phải nuốt nó mỗi buổi sáng. Công việc nào cũng sẽ có áp lực của nó và bạn cần phải vượt qua, việc càng quan trọng, trách nhiệm và độ phức tạp càng lớn lao. Nhìn một chú vịt bình thản trôi trên mặt hồ nhưng bên dưới là đôi chân quẫy đạp không mệt mỏi. Đó chính là hình ảnh chung của nhiều lãnh đạo, quản lý cao cấp.
Cách vượt qua các áp lực là cần phải đạt được kết quả, khi kết quả tốt thì mọi người sẽ hài lòng và dễ chịu với nhau. Khi kết quả không tốt, thì cần phải tìm ra nguyên nhân và nhanh chóng khắc phục để đưa tổ chức vào quỹ đạo thành công mới.
Nếu thất bại liên tục thì khả năng lớn là việc đó không phù hợp và dù đang làm gì cũng nên tìm con đường khác cho mình. Đó là gốc rễ của vấn đề áp lực.
Các áp lực có thể có từ quan hệ với đồng nghiệp, có lần tôi rất bối rối khi làm việc với các đồng nghiệp rất giỏi và lớn tuổi. Ngoài ra sẽ có những áp lực khác nữa, như gia đình, cuộc sống cũng kèm thêm.
Vậy từ đó đến nay anh đã kinh qua hiệu trưởng ở mấy trường đại học?
Tôi đã trải qua vị trí hiệu trưởng của 3 trường: Đại học FPT, Đại học Thành Tây (nay là Phenikaa) và hiện nay là Đại học Phú Xuân.
TS Đàm Quang Minh với các sinh viên trường ĐH Phú Xuân
Qua làm việc với các “ông chủ” trường tư, anh nhận thấy thế nào?
Các nơi đi qua đều có những điểm riêng nhưng có điểm chung là không ai bỏ ra trăm tỷ, thậm chí ngàn tỷ chỉ để chơi, tất cả đều có mục đích. Có thể bạn hiểu rõ mục đích, có thể anh hiểu lờ mờ. Tốt nhất là trao đổi thẳng thắn với chủ đầu tư về các mục tiêu cần đạt vì mỗi một chủ đầu tư thường có mục tiêu khác nhau.
Nhưng mục tiêu quan trọng nhất của một trường đại học tư khá giống nhau ở điểm là luôn mong muốn có nhiều sinh viên, sinh viên phải giỏi, trường uy tín và tài chính lành mạnh.
Nhà kinh doanh làm lãnh đạo trường đại học – hệ lụy khủng khiếp
Giữa hiệu trưởng và “ông chủ” có thường xảy ra mâu thuẫn? và giải quyết mâu thuẫn đó như thế nào?
Mâu thuẫn nảy sinh khi yêu cầu hai bên không gặp nhau. Các hiệu trưởng ở Việt Nam hầu hết xuất thân từ giới học thuật thuần tuý, ít quan tâm thậm chí là không có nhiều khái niệm về quản trị kinh doanh. Trong khi đó trường đại học tư thì hoạt động rất giống với mô hình doanh nghiệp và cần có đội ngũ quản trị một cách chặt chẽ, hiệu quả.
Các “ông chủ” đầu tư vào giáo dục thường rất nôn nóng với việc phải thành công nhanh mà nhiều khi thực tế không được như mong đợi.
Cách giải quyết là cần có những đội ngũ thực sự chuyên nghiệp trong quản trị đại học, hiện đại và chuẩn mực. Mọi người đừng nghĩ có thể ép một thầy giáo thành nhà quản trị ngay được và ngược lại để một nhà kinh doanh thuần tuý lãnh đạo trường học thì hệ luỵ còn khủng khiếp hơn như chúng ta thấy đã xảy ra với Trường Đại học Đông Đô, Đại học Hà Hoa Tiên hay Đại học Tân Tạo.
Quan trọng hơn, quan hệ giữa “ông chủ” và hiệu trưởng hiện nay hướng dần theo “ông chủ” và “nhà điều hành”, sẽ có mâu thuẫn giống như trong doanh nghiệp, nhưng đó là loại mâu thuẫn tốt cho sự phát triển.
TS Đàm Quang Minh đã mời thầy giáo của mình, GS. Steingrube, GS Địa lý - Du lịch Trường ĐH Tổng hợp Greifswald, CHLB Đức sang cố vấn.
Việc mua bán trường đại học hiện nay đang diễn ra sôi động, có phải kinh doanh giáo dục là món hời “béo bở” hay vì cộng đồng?
Theo thống kê trên Forbes gần đây thì chỉ có 25% số trường tư thục hoạt động có tình hình tài chính lành mạnh, còn lại là bấp bênh và thập chí nguy hiểm. Đây cũng là thực tế tôi quan sát được. Chúng ta chỉ nhìn thấy vài trường thành công và phần nhiều hoạt động bình thường và dưới mức cân bằng. Do vậy, nói rằng kinh doanh giáo dục là “béo bở” có lẽ là có phần phóng đại.
Thực tế, đầu tư giáo dục thường là những nhà giáo hoặc những người có hiểu biết và quan tâm đến giáo dục. Các nhà kinh doanh thuần tuý đã phải lần lượt rời bỏ hoặc thậm chí bị truy nã.
Cần phải nói rằng, giáo dục đại học có cả một rừng quy định để phải tuân thủ. Mỗi năm lại có những quy định riêng kèm theo hệ thống báo cáo thường xuyên cho cơ quan quản lý nhà nước.
Chắc rằng không có ngành nghề kinh doanh nào mà nhiều báo cáo và các quy định cũng được thay đổi nhiều như vậy. Nếu thuần tuý từ doanh nghiệp vào điều hành, nhà quản lý sẽ không hiểu được vì sao phải có nhiều đến vậy những quy định cần tuân thủ. Chưa kể việc thanh tra kiểm tra các cơ sở giáo dục đào tạo cũng rất thường xuyên.
Hiện nay, nhiều “ông chủ” tâm huyết mua trường đại học, đã tạo dựng và đầu tư khá mạnh mẽ, đi theo hướng nghiên cứu. Đây là một điều tốt cho giáo dục Việt Nam đấy chứ?
Tôi cho rằng đây là điều rất tốt vì ngày càng có nhiều người quan tâm đến việc đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là những tổ chức, cá nhân có đủ lực về tài chính và quản trị.
Tuy nhiên, nói là nhiều thì chưa đúng lắm, chắc chỉ một vài cá nhân đặc biệt mà thôi. Nếu có thêm 1-2 trường đại học với quy mô 10.000 sinh viên thì cũng còn quá nhỏ bé so với 2,4 triệu sinh viên hiện nay. Mức ảnh hưởng chưa tới 1% tổng số sinh viên.
Do vậy, muốn có được thay đổi thực sự thì từng đó là chưa đủ. Tuy nhiên, cũng không phải ai cũng dám nhảy vào lĩnh vực đầu tư quá khó khăn này.
Có điều rất mừng là sau khi Luật Giáo dục đại học sửa đổi có hiệu lực, các khúc mắc về quản trị đại học tư thục cơ bản đã được gỡ bỏ. Các mâu thuẫn tranh chấp trước đây không giải quyết được do luật không rõ ràng thì nay đã được giải quyết.
Đối với trường công, Hội đồng trường mới sẽ cần thời gian để hoạt động một cách có hiệu quả. Mâu thuẫn dự đoán sẽ xảy ra vì thực tế các trường chưa quen vận hành theo hệ thống này.
Vai trò của Hiệu trưởng trường Đại học công sẽ là nhà quản lý làm thuê cho “ông chủ” của mình. Chỉ khác nhau là ông chủ sẽ là nhà nước hay cá nhân, tổ chức.
TS Đàm Quang Minh: "Có điều rất mừng là sau khi Luật Giáo dục đại học sửa đổi có hiệu lực, các khúc mắc về quản trị đại học tư thục cơ bản đã được gỡ bỏ".
Vẫn còn khá nhiều trường tư làng nhàng, phát triển một cách yếu ớt. Vậy, trường đại học để tồn tại và cạnh tranh, thu hút sinh viên như trường ĐH Phú Xuân ông đang lãnh đạo thì phải có bước đột phá như thế nào?
Khi chuyển sang phụ trách Trường Đại học Phú Xuân, là một trường đang gặp khủng hoảng rất nặng, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, nợ ngân hàng và nợ lương cán bộ trong thời gian dài.
Lúc đó, chúng tôi đặt ra bài toán trường đại học cần phải giải quyết bài toán cùng với địa phương đó là việc làm và tạo ra hướng phát triển nhân lực trọng điểm. Sau đó chúng tôi quyết định chọn đó là Công nghệ thông tin và Du lịch là mũi nhọn để phát triển.
Khác với Trường Đại học FPT trước đó, nguồn lực từ con người đến quản trị rất tốt và có cả hệ thống công ty hỗ trợ, Trường Đại học Phú Xuân chọn cách phát triển trở thành nền tảng để các doanh nghiệp phát triển từ đó trường sẽ phát triển.
Hiện nay rất ít trường đại học có quan tâm và cộng tác chặt chẽ với doanh nghiệp một cách thực sự. Chúng tôi đã triển khai thành công mô hình doanh nghiệp trong trường, trường trong doanh nghiệp cùng tương hỗ nhau phát triển.
Trong buổi khai giảng vừa qua, rất nhiều học bổng của doanh nghiệp đã trao cho sinh viên, doanh nghiệp hỗ trợ hàng trăm triệu tiền đóng học phí cho sinh viên. Đó là điểm thành công quan trọng trong chiến lược phát triển Huế - Technopolis, một hệ sinh thái doanh nghiệp – chính quyền – đại học mà chúng tôi đang chung tay xây dựng.
Điều tôi quan tâm nhất hiện nay là làm sao 100% sinh viên ra trường đều có việc làm ngay, khởi nghiệp thành công hoặc chuyển tiếp học cao hơn. Nếu thành công, một mô hình đại học tiên tiến mới ở Việt Nam sẽ được chứng minh.
Xin trân trọng cám ơn anh!
Theo Nhật Hồng / Dân Trí