Giới chuyên gia dự báo xu hướng tăng lãi suất ngày càng rõ rệt. Nguyên nhân đẩy lãi suất tăng lên được điểm tên là do ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động, lạm phát kỳ vọng và kế hoạch tăng 1% lãi suất trong năm 2016 của FED.
Lãi suất cho vay sẽ tăng tăng thêm 0,6-1%/năm trong năm 2016. |
Nguyên nhân đầu tiên tác động tới lãi suất cho vay chính là lãi suất huy động đang tăng lên trong thời gian qua. Tín dụng tăng trưởng mạnh trong năm 2015 đã buộc các ngân hàng phải điều chỉnh tăng lãi suất huy động để có thể thu xếp đủ vốn vay cho năm 2016.
“Ông lớn” ngân hàng cũng đua lãi suất
Kể từ tuần cuối tháng 12 đến nay, thị trường bắt đầu ghi nhận đợt điều chỉnh lãi suất huy động tại một số ngân hàng. Đáng chú ý, đợt tăng lãi suất này không xuất phát từ các ngân hàng nhỏ như thường thấy mà có sự tham gia của các ngân hàng thuộc tốp đầu của khối cổ phần và quốc doanh, điển hình như Vietinbank, BIDV, Sacombank.
Cụ thể, BIDV vừa tăng lãi suất huy động áp dụng từ ngày 14/1 với kỳ hạn 6 tháng là 5,5%/năm thay vì 5,3% như trước đây; kỳ hạn 9 tháng tăng 0,1% và kỳ hạn 12 tháng lên 6,5%...
VietinBank cũng tăng lãi suất huy động cao hơn từ 0,2 - 0,4%/năm so với biểu lãi suất cũ. MaritimeBank cũng tăng lãi suất lên đến 0,4%. Cụ thể, kỳ hạn 1 - 2 tháng tăng 0,4%, kỳ hạn 9 tháng tăng thêm 0,2% kỳ hạn 10 - 11 tháng tăng 0,1%...
Ở một diễn biến khác, sự căng thằng của lãi suất liên ngân hàng trong hai tháng qua cũng là điểm đáng lưu ý. Hiện lãi suất liên ngân hàng ở kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần đều ở mức 5%, mức cao nhất trong vòng hai năm qua. Điều đó cho thấy tín hiệu căng thẳng cục bộ về thanh khoản trong hệ thống.
Động thái tăng lãi suất huy động của các ngân hàng còn có nguyên nhân từ việc trái phiếu Chính phủ nâng lãi suất lên 5% để hấp dẫn nhà đầu tư. Do vậy, để huy động được vốn từ nền kinh tế, ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động.
Khi lãi suất huy động tăng, các ngân hàng thương mại sẽ tính đến việc cân đối mối quan hệ giữa lợi ích, chi phí và rủi ro nên tăng lãi suất cho vay là tất yếu.
“Ở kịch bản cở sở, chúng tôi dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ tăng tăng thêm 0,6-1%/năm trong năm 2016”, CTCK Bảo Việt (BVSC) dự báo.
Nguyên nhân thứ hai tác động tới lãi suất cho vay, đó là xu hướng tăng trở lại của lạm phát. Theo dự báo của BVSC, lạm phát sẽ được điều chỉnh dần theo kỳ vọng 5-7% cho giai đoạn 2016-2020 và đây sẽ là cơ sở để tăng lãi suất danh nghĩa.
Ngoài ra, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), trong năm 2016 sẽ có sự tăng nhẹ của giá cả các loại hàng hóa chính. Cụ thể, theo lộ trình chi phí cho điện, nước, học phí, viện phí đều điều chỉnh tăng. Điều này trở thành lực đẩy lên chỉ số giá tiêu dùng.
Chưa kể, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2016, NHNN đưa mục tiêu tăng trưởng nhu cầu vốn cho nền kinh tế cao hơn năm 2015, quanh mức 18 - 20%. Theo đó, cung tiền đổ ra nền kinh tế sẽ tăng lên và điều này cũng tạo áp lực tới lạm phát.
Nguyên nhân thứ ba đẩy lãi suất cho vay tăng lên do nhân tố bên ngoài là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất. “NHNN cần duy trì một độ rộng hợp lý cho lãi suất VND so với USD và việc FED dự kiến điều chỉnh lãi suất tăng thêm 1% trong năm 2016 sẽ gây áp lực tăng lãi suất VND”, BVSC phân tích.
Doanh nghiệp lo ngại, ngân hàng phân trần
Lãi suất cho vay có xu hướng tăng lên khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại sẽ tác động tới hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông Lê Thanh Dương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Trường Sơn, cho rằng nếu lãi suất cho vay tăng lên thì công ty sẽ rất khó khăn.
“Hiện mặt bằng lãi suất của Việt Nam đang cao hơn so với khu vực, nên các doanh nghiệp trong nước đã phải cạnh tranh rất vất vả. Nay lãi suất cho vay tăng lên thì doanh nghiệp sẽ càng khó khăn, do chi phí vốn đầu vào tăng và giá thành sản phẩm lại tăng lên, rất khó để cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của nước ngoài”, ông Dương lo ngại.
Về vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Ban Nguồn vốn và tiền tệ BIDV, cho rằng qua thực tiễn hoạt động kinh doanh BIDV thấy diễn biến lãi suất trong năm 2016 còn tùy thuộc vào mặt bằng lãi suất ở những sản phẩm, kỳ hạn cụ thể. Chúng ta có những lãi suất cho vay trên thị trường 1, lãi suất cho vay và lãi suất nhận của thị trường 2, các kỳ hạn ngắn, trung hạn và dài hạn.
“Hiện nay, theo như Thống đốc có phát biểu trong các cuộc họp gần đây theo tôi được biết thì khả năng điều hành hạ mặt bằng lãi suất trong năm 2016 có thể khó. Mặt khác, để đảm bảo lạm phát mục tiêu mà Quốc hội đưa ra trong năm 2016 ở mức 5% thì lãi suất hiện nay cũng tương đối phù hợp, hạ nữa sẽ ảnh hưởng đến việc quản lý và kiềm chế lạm phát. Nếu chúng ta triển khai tốt có thể hạ lãi suất trung và dài hạn trong năm 2016 khoảng từ 0,2 - 0,5%. Đấy là mục tiêu tôi được biết từ phía NHNN có đưa ra”, ông Quỳnh phân tích.
Về vấn đề này, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Vietinbank, cho rằng, lãi suất giảm hay không còn phụ thuộc vào nền kinh tế chung, diễn biến kinh tế, hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp, kiểm soát lạm phát. Riêng về lãi suất trung và dài hạn, nếu có điều kiện thì sẽ giảm tiếp trên cơ sở các dự án cho vay.
“Vietinbank có khả năng giảm lãi suất, tùy thuộc vào từng dự án. Hệ thống quản trị, quản trị rủi ro của Vietinbank cũng đang được cải thiện đáng kể thì có thể khai thác được nguồn vốn lớn vào tín dụng, đầu tư. Quản lý tốt được chất lượng tín dụng, hoạt động thì có điều kiện để tiếp tục tiếp giảm các chi phí. Đấy là cơ sở để xem xét giảm lãi suất ở mức hợp lý”, ông Thọ nhận mạnh.
Theo ông Thọ, sẽ không có mặt bằng lãi suất chung mà tùy từng dự án, doanh nghiệp. “Những dự án tốt sẽ có lãi suất cho vay tốt. Vietinbank có mô hình đo lường chất lượng. Dự án có chất lượng như thế nào thì sẽ ra được mức chi phí, mức lãi suất tương ứng chứ không có một lãi suất cố định”, ông Thọ nhấn mạnh.
TRẦN GIANG / BizLIVE