Tổng cục Hải quan vừa công bố chi tiết tình hình xuất nhập khẩu tháng 8 và 8 tháng năm 2016. Theo đó, Việt Nam có 3 mặt hàng xuất khẩu và 2 mặt hàng nhập khẩu vượt 10 tỷ USD.
Chỉ sau 8 tháng, Việt Nam đã có 3 nhóm hàng xuất khẩu vượt 10 tỷ USD
Ba mặt hàng xuất khẩu vượt 10 tỷ USD
Theo thống kê, 3 nhóm mặt hàng gồm điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính - sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng dệt may nhiều năm nay có kim ngạch xuất khẩu hàng đầu, chủ lực của Việt Nam, đạt mức tăng trưởng hai con số.
Cụ thể, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong tháng 8 đạt 2,91 tỷ USD, tăng 8,4% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 8, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 22,56 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ.
Các thị trường chính nhập khẩu điện thoại lớn nhất từ Việt Nam là khu vực EU với kim ngạch 7,1 tỷ USD - chiếm 31% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Tiếp theo là thị trường Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (2,89 tỷ USD), Hoa Kỳ (2,67 tỷ USD).
Bên cạnh đó, xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong tháng 8 đạt 1,73 tỷ USD, tăng 14% so với tháng trước, nâng trị giá xuất khẩu trong 8 tháng lên 11,14 tỷ USD - tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các thị trường chính nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện từ Việt Nam là EU với 2,33 tỷ USD, Trung Quốc (2,02 tỷ USD), Hoa Kỳ (1,89 tỷ USD).
Trong khi đó, xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 8 đạt 2,47 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước, qua đó nâng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 8 tháng lên 15,64 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Đáng chú ý, Hoa Kỳ trở thành quán quân nhập khẩu các sản phẩm dệt may của Việt Nam với kim ngạch 7,64 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Tiếp đó, EU cũng chi khoảng 2,4 tỷ USD, Nhật Bản là 1,88 tỷ USD, Hàn Quốc gần 1,4 tỷ USD…
Hai mặt hàng nhập khẩu vượt 10 tỷ USD
Ở chiều nhập khẩu, hai nhóm mặt hàng có mức nhập khẩu lớn nhất trong 8 tháng đã vượt 10 tỷ USD. Trung Quốc và Hàn Quốc là hai đối tác xuất khẩu chính vào Việt Nam.
Cụ thể, trị giá nhập khẩu nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng trong tháng 8 là gần 2,5 tỷ USD, tăng 11,6% so với tháng trước. Giá trị nhập khẩu trong 8 tháng lên 17,88 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ.
Trong đó, khối doanh nghiệp FDI nhập khẩu 9,68 tỷ USD - giảm 17,7% trong khi khối doanh nghiệp trong nước nhập khẩu 8,2 tỷ USD - tăng 21,3% so với cùng kỳ.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam với trị giá là 5,81 tỷ USD. Tiếp theo là các thị trường Hàn Quốc (3,58 tỷ USD), Nhật Bản (2,69 tỷ USD) và Đài Loan (888 triệu USD),...
Ở thống kê khác, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt kim ngạch nhập khẩu tháng 8 là 2,6 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu 8 tháng lên 17,64 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hàn Quốc tiếp tục là đối tác lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam với trị giá nhập khẩu là 5,63 tỷ USD, tăng 25,7%. Đứng thứ 2 là Trung Quốc với 3,62 tỷ USD, Đài Loan (gần 2 tỷ USD), Nhật Bản (1,69 tỷ USD), Hoa Kỳ (1,37 tỷ USD).
Theo VnEconomy