Phát huy lợi thế cảnh quan thiên nhiên, cùng với sự phát triển của ngành dầu khí và cảng biển, Bà Rịa - Vũng Tàu đang triển khai nhiều giải pháp để phát triển kinh tế biển theo hướng đa lĩnh vực, hướng tới trở thành khu vực kinh tế năng động và bền vững.
Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều tiềm năng để trở thành khu vực kinh tế năng động.
Thêm nhiều khu đô thị mới
Đảo Gò Găng thuộc xã Long Sơn, cách trung tâm TP. Vũng Tàu khoảng 3 km về hướng Tây Nam. Với tổng diện tích 30 km2, sở hữu nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và địa lý, đảo Gò Găng được xem là một “vùng dự trữ” để Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển khu vực kinh tế mới.
Mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề xuất điều chỉnh quy hoạch các khu chức năng của Gò Găng rộng 1.389 ha; quy mô dân số khoảng 65.000 người; đất xây dựng đô thị khoảng 795 ha (chiếm 57,2%); tăng tầng cao tối đa lên 60 tầng…
Đảo Gò Găng dự kiến có 8 phân khu chức năng, gồm: nhà ở; tổ hợp chức năng; công trình công cộng; công viên cây xanh, mặt nước cảnh quan; đầu mối hạ tầng kỹ thuật; công viên thể thao giải trí; sân bay và các dịch vụ sân bay; trung tâm nghề cá của tỉnh.
Khi sân bay Gò Găng đi vào hoạt động, sẽ bố trí 200 ha cho các dự án đô thị mới của Vũng Tàu. Hiện đã có các nhà đầu tư bày tỏ nguyện vọng được đầu tư 2 dự án khu đô thị lớn, trong đó có một dự án tại sân bay Vũng Tàu hiện hữu với quy mô đô thị nén 35 ha; công viên trung tâm 46 ha; khu trung chuyển và dịch vụ thương mại hỗn hợp 24 ha; trung tâm tài chính và công nghệ 20 ha, tổ hợp biểu tượng đô thị 25 ha.
Dự án còn lại có quy mô 270 ha, tại phường 12 (TP. Vũng Tàu). Dự án được phát triển là khu đô thị sinh thái khép kín 60 ha, khu đất xây dựng tổ hợp thương mại và văn phòng khoảng 20 ha, trung tâm thương mại quy mô lớn khoảng 15 ha, Khu đô thị Marina khoảng 25 ha, trung tâm thể dục - hể thao và quảng trường khoảng 15 ha, trục thương mại thấp tầng khoảng 30 ha, khu ở mới gắn với làng xóm hiện hữu khoảng 60 ha.
Phát triển hạ tầng giao thông kết nối
Cùng với sự mở rộng và nâng cấp giao thông hàng không, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang gấp rút triển khai các dự án giao thông đường bộ, quan trọng nhất là tuyến đường huyết mạch cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Lưu lượng giao thông trên tuyến Quốc lộ 51 tăng rất nhanh, cùng với quá trình đô thị hóa dọc tuyến quốc lộ, dẫn đến tình trạng quá tải từ mấy năm gần đây. Nút thắt giao thông này đang trông đợi vào việc đẩy nhanh tiến độ Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Các cơ quan chức năng của Bà Rịa - Vũng Tàu đang rốt ráo cùng các cấp thẩm quyền đốc thúc Dự án. Dự kiến, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ khởi công vào năm 2021, hoàn thành sau 2 năm, khai thông nút thắt giao thông kết nối Bà Rịa - Vũng Tàu với các địa phương Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bên cạnh đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng kiến nghị được nghiên cứu Dự án Tuyến đường sắt kết nối cảng Cái Mép - Thị Vải theo hình thức PPP. Ngoài ra, tỉnh còn có các dự án giao thông kết nối với hệ thống cảng gồm: cầu Phước An, Quốc lộ 56 tuyến tránh TP. Bà Rịa, đường Long Sơn - Cái Mép, đường sau Cảng Mỹ Xuân - Thị Vải, đường trục chính Bà Rịa - Vũng Tàu…
Chắp cánh cho du lịch
Với đường bờ biển dài hơn 300 km và Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều tiềm năng, lợi thế về du lịch nhưng trước đây chưa thực sự chú trọng phát triển, mà chỉ tập trung cho dầu khí và ngành công nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế của hệ thống cảng nước sâu.
Những năm gần đây, du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu như một viên ngọc thô được mài dũa và đang dần tỏa sáng.
Quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh đề ra mục tiêu năm 2025 sẽ đón khoảng 8,6 triệu lượt khách (khách quốc tế đạt 1,4 triệu lượt khách), doanh thu đạt 31.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn đến năm 2025 khoảng 30 - 35%/năm.
Quy hoạch cũng xác định danh mục chương trình, dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2025 gồm: phát triển 1 đô thị du lịch (TP. Vũng Tàu), 2 khu du lịch quốc gia (Côn Đảo, Long Hải - Phước Hải), sản phẩm du lịch biển, đảo và dịch vụ vui chơi giải trí; ưu tiên đầu tư 4 chương trình phát triển du lịch, gồm: đào tạo phát triển nguồn nhân lực; xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch vùng; bảo tồn, tôn tạo và phát triển tài nguyên và phát triển hạ tầng du lịch then chốt.