Xác định tầm quan trọng của làng nghề truyền thống trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn tỉnh Bắc Giang đang từng bước khôi phục và thúc đẩy làng nghề truyền thống phát triển phù hợp với xu thế tiêu dùng của thị trường.
Thách thức làng mất nghề
Là tỉnh nằm trong vùng trung du miền núi Bắc bộ nên Bắc Giang được coi là một trong những cái nôi của làng nghề truyền thống. Theo thống kê, hiện cả tỉnh Bắc Giang có hơn 400 làng có nghề, trong đó có 33 làng nghề được công nhận với 24 làng nghề truyền thống ở nhiều lĩnh vực như: Gốm sứ, mây tre đan, giấy dó, nấu rượu, sản xuất mỳ gạo… Các làng nghề truyền thống của địa phương nằm gần như khắp các huyện, dọc theo sông Cầu.
Các sản phẩm làng nghề truyền thống của Bắc Giang có chất lượng, tạo dựng được thương hiệu, vị trí vững chắc khắp thị trường cả nước. Trong đó phải kể đến những sản phẩm nức danh như: Gốm Thổ Hà, mỳ Chũ, bánh đa Kế, rượu làng Vân, nuôi tằm ươm tơ Phú Giã… Với lợi thế lâu đời, sản phẩm nổi tiếng các làng nghề truyền thống của Bắc Giang còn trở thành điểm đến du lịch có sức hút hàng đầu đối với du khách.
Tuy nhiên, cũng như các làng nghề ở nhiều địa phương khác trước làn sóng kinh tế thị trường làng nghề truyền thống của Bắc Giang gặp rất nhiều khó khăn, đứng trước nguy cơ suy giảm, mai một, biến mất. Nguy cơ này bắt nguồn từ nhu cầu tiêu dùng thay đổi, yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn đối với sản phẩm; cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa ngày càng khốc liệt. Trong khi đó làng nghề lại thiếu hụt các thế hệ kế cận, nguồn vốn sản xuất, đầu tư công nghệ eo hẹp… Các sản phẩm làng nghề vẫn theo tư duy cũ, thiếu chiến lược đầu tư, kinh doanh, phát triển trong bối cảnh mới khiến cho sản phẩm làng nghề rơi vào cảnh lao đao, mất dần vị thế. Có thể kể tới những sản phẩm từng vang bóng trên thị trường như gốm Thổ Hà, mây tre Đa Mai… gần như chỉ còn là ký ức.
Làng mất nghề, đồng nghĩa với việc những người gắn bó với nghề không có việc làm, hoạt động sinh kế rơi vào bế tắc. Một thời gian dài trước đây, nếu có dịp dừng chân ở bất kỳ làng nghề truyền thống nào tại Bắc Giang cũng đều bắt gặp cảnh đìu hiu; gương mặt bà con đều hằn nét lo âu và những tiếng thở dài não nề. Thực trạng buồn này từng là nỗi trăn trở của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, và trở thành sự bức thiết buộc phải có một kế hoạch hành động kịp thời để cứu làng nghề truyền thống không rơi vào cảnh “chỉ còn là ký ức”.
Sản xuất tương tại HTX Dịch vụ Nông lâm - xã Trí Yên, huyện Yên Dũng
Trước thực trạng đó, năm 2013, tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt Quy hoạch phát triển làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, Bắc Giang khẳng định rõ quan điểm: Làng nghề truyền thống là những làng nghề tồn tại rất lâu đời, có làng nghề đã tồn tại hàng trăm năm với tên tuổi, bản sắc văn hóa dân tộc. Vì thế, trước nguy cơ mai một cần phải khôi phục, một số làng bị suy giảm cần phải được hỗ trợ, bảo tồn. Cụ thể, theo quy hoạch, tỉnh Bắc Giang sẽ khôi phục nghề sản xuất gốm tại làng Thổ Hà; duy trì, bảo tồn nghề làm bánh đa ở xã Dĩnh Kế, nghề sản xuất bún Đa Mai, nghề ươm tơ làng Mai Thượng, nghề thổ cẩm thôn Khe Nghè, nghề làm giấy dó Lục Sơn.Vực dậy làng nghề truyền thống
Đồng thời, quy hoạch cũng xác định sẽ phát triển một số làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch nhằm tạo thêm những điểm du lịch mới làm phong phú các tuyến du lịch của tỉnh. Qua đó giới thiệu một số làng nghề truyền thống gắn với di tích lịch sử trên cơ sở thuận lợi về giao thông. Theo đó, một số làng nghề sẽ được quan tâm phục hồi và đẩy mạnh phát triển như: Làng nghề sản xuất mộc Yên Dũng gắn với du lịch chùa Vĩnh Nghiêm; làng nghề dệt thổ cẩm Khe Nghè, làm giấy dó ở làng Trại Cao, Lục Nam gắn với du lịch sinh thái; làng nghề xản xuất bún Đa Mai, sản xuất mỳ gạo, làm bánh đa Dĩnh Kế gắn với du lịch mua sắm tại trung tâm thương mại, dịch vụ ở thành phố Bắc Giang; làng nghề nấu rượu gạo thôn Yên Viên gắn với du lịch làng cổ Thổ Hà, chùa Bổ Đà ở Việt Yên…
Để cụ thể hóa các nội dung đã phê duyệt, tỉnh Bắc Giang đã từng bước bắt tay thực hiện với nhiều giải pháp, hành động cụ thể. Hiện các ngành đang đồng loạt triển khai các nhiệm vụ để sớm vực dậy làng nghề truyền thống. Theo đó, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang ưu tiên các làng nghề truyền thống có tiềm năng phát triển; công nhận làng nghề truyền thống cho các địa phương, làm cơ sở để đầu tư phát triển làng nghề; xây dựng cơ chế, có chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư phát triển, tổ chức xúc tiến tiêu thụ sản phẩm…; xử lý tồn tại, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi cho làng nghề phát triển đúng hướng. Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu phục vụ làng nghề; hỗ trợ, đào tạo nghề cho lao động và nghiệp vụ quản lý cho các chủ hộ sản xuất
Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ hỗ trợ các cơ sở sản xuất làng nghề ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới thiết bị công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu, dịch vụ theo quy định. Đặc biệt, ngành văn hóa, du lịch sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, du lịch làng nghề; cải tạo cảnh quan môi trường một số làng nghề kết hợp du lịch; xây dựng phát triển hàng lưu niệm, hợp đồng sản xuất các sản phẩm với các cơ sở làng nghề, tổ chức các điểm trưng bày và bán sản phẩm du lịch; phát triển văn hóa nghệ thuật gắn với các lễ hội làng nghề, nghệ thuật truyền thống dân gian nhằm phát triển du lịch làng nghề… UBND cấp huyện, xã sẽ tổ chức, hướng dẫn thủ tục đề nghị công nhận làng nghề truyền thống…
Việc kịp thời có kế hoạch phục hồi, phát triển làng nghề truyền thống hiện nay của tỉnh Bắc Giang cho thấy nhận thức của lãnh đạo tỉnh về vai trò quan trọng của làng nghề đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Tuy nhiên, để làng nghề truyền thống phát triển bền vững vẫn cần sự nỗ lực, gắn bó, năng động, nhạy bén của bà con trước bối cảnh hội nhập sâu rộng và sự biến động, cạnh tranh khốc liệt của thị trường.
Mục tiêu chung về phát triển làng nghề của tỉnh Bắc Giang là nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động nông thôn; phát triển làng nghề theo quy hoạch, bền vững, xóa đói giảm nghèo cho vùng sâu, vùng xa, xóa dần sự cách biệt giữa nông thôn và thành thị.