Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã xác định 3 khâu đột phá chiến lược cùa nền kinh tế nước ta trong giai đoạn mới: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN;Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại.
Thành phố Bắc Ninh được quy hoạch đồng bộ, xây dựng khang trang, hiện đại. |
Triển khai 3 đột phá chiến lược trong bối cảnh nước ta ở giai đoạn suy giảm kinh tế, Bắc Ninh đã phát huy lợi thế so sánh, tạo lập năng lực cạnh tranh để thu hút, tạo ra dòng vốn ổn định, ngày càng có chất lượng đầu tư vào tỉnh, gắn với nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế. Ngược lại, tái cơ cấu kinh tế dựa trên thực hiện đột phá về thể chế kinh tế cùng với yếu tố nền tảng là hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng và động lực là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đổi mới thể chế kinh tế, phát huy năng lực của các thành phần kinh tế thông qua cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là việc làm ít tốn chi phí nhất, hướng đích theo mục tiêu chiến lược, với tầm nhìn dài hạn thể hiện những khát vọng vươn tới, quyết tâm để hình thành từng bước hệ giá trị lãnh đạo, xây dựng Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, tạo nền tảng để xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Như vậy đối với Bắc Ninh, thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng cũng chính là thực hiện 3 trụ cột quan trọng nhất của chiến lược phát triển Bắc Ninh được thể hiện trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030. Tỉnh đã xây dựng các đề án, chính sách khuyến khích, hỗ trợ để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng hợp lý trong điều kiện kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn. Đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh (luôn nằm trong nhóm 10 tỉnh tốt nhất), thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp điện tử, hỗ trợ đầu tư nông nghiệp nông thôn; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; tạo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa xã hội; rà soát đảm bảo đồng bộ của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch vùng; quy hoạch phát triển các khu công nghiệp gắn với quy hoạch đô thị, giao thông,... Đặc biệt, tỉnh đẩy mạnh đầu tư phát triển ngày càng đồng bộ và hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ giữa hạ tầng giao thông, viễn thông, điện lực, hình thành các trục giao thông kết nối giữa các vùng như 295B, cầu Bình Than; phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải nâng cấp các tuyến quốc lộ; Nâng cấp hệ thống hạ tầng đô thị như: Cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải; hạ tầng xã hội như: Bệnh viện đa khoa 1.000 giường; Bệnh viện sản nhi,… Hoàn thành Quy hoạch chung đô thị đến năm 2030, tầm nhìn 2050; thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển đô thị đến năm 2030.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, Bắc Ninh cũng gặp một số khó khăn, thách thức, nhất là trong xu hướng biến đổi lợi thế cạnh tranh của Bắc Ninh so với các tỉnh khác trong vùng; tính bền vững trong xu hướng phát triển tương quan của các khu vực công nghiệp FDI và trong nước; công nghiệp và dịch vụ; tác động lan tỏa của khu vực công nghiệp, các khu công nghiệp và nông thôn; giữa phát triển công nghiệp và phát triển đô thị,… vấn đề tổ chức không gian kinh tế và đô thị trên quy mô toàn tỉnh, thu hút đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng các yêu cầu phát triển mới.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Bắc Ninh cần đổi mới chiến lược phát triển kinh tế - xã hội:
Một là, về mục tiêu của phát triển: Tăng tốc, hiện đại hoá và hướng tới phát triển bền vững; đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại, với việc hình thành đô thị tri thức, văn hóa, sinh thái, trung tâm phát triển công nghệ cao, kết hợp giữa các tập đoàn hàng đầu thế giới công nghệ cao và các trung tâm nghiên cứu và triển khai (R&D), phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp đô thị; sự hài hòa giữa phát triển hiện đại và văn hóa truyền thống Bắc Ninh-Kinh Bắc.
Hai là, về phương thức phát triển: Mô hình lựa chọn là mô hình phát triển rút ngắn; yếu tố nội sinh là lợi thế so sánh động và lợi thế cạnh tranh, khởi động hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; phát huy động lực phát triển mới; yếu tố bên ngoài là hội nhập, thu hút các dòng vốn chất lượng cao, nhất là khi nước ta tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN và ký kết Hiệp định TPP.
Ba là, về phương pháp thực hiện: Quy trình về xây dựng chiến lược mới bao gồm các thành phần: Tầm nhìn, bối cảnh sứ mệnh của cơ quan lãnh đạo để đạt được mục tiêu trên cơ sở tăng cường vai trò của cộng đồng doanh nghiệp và dân cư trong tham gia ý kiến, xây dựng và tổ chức thực hiện; lấy sự hài lòng của của tổ chức và công dân đối với dịch vụ công là thước đo quan trọng trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước.
Bốn là, về con đường phát triển: Kết hợp chặt chẽ giữa công nghiệp hoá và đô thị hoá để tiến nhanh tới hiện đại hoá; tổ chức không gian kinh tế và đô thị tạo động lực cho phát triển, phát huy lợi thế cạnh tranh; gia tăng ảnh hưởng lan tỏa của công nghiệp tới nông nghiệp, nông thôn; hài hòa giữa phát triển công nghiệp và đô thị; phát triển đô thị đại học và ứng dụng công nghệ gắn với cụm ngành, phát huy năng lực cạnh tranh từ yếu tố năng suất tổng hợp (TFP),...
Năm là, về yếu tố đảm bảo để thực hiện thành công con đường phát triển: chính sách, giải pháp phát huy lợi thế cạnh tranh; khắc phục “bất lợi thế”; đổi mới để không rơi vào “bẫy lợi thế”; “bẫy thu nhập trung bình”; xây dựng hệ giá trị lãnh đạo với nòng cốt là tính tiên phong, phát huy và tụ hội tài năng,… biến tầm nhìn thành hiện thực.
Thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược là một nhiệm vụ lâu dài, nên cần xây dựng được khung mục tiêu, chính sách, nhiệm vụ ngắn hạn và dài hạn. Khâu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN có tính mở đường vì chúng ta cần có thể chế để thực hiện đột phá về phát triển nhân lực, thể chế để khuyến khích đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng. Với tinh thần mới trong Nghị quyết XII của Đảng, Bắc Ninh có nhiều bước đột phá mới, thực hiện phương châm phát triển theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm và làm việc tại Bắc Ninh năm 2013: “Bắc Ninh cần tiến nhanh, tiến xa và bền vững hơn trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
TS. Nguyễn Phương Bắc