Theo các chuyên gia, trong năm tới, chỉ cần duy trì lãi suất ổn định như mặt bằng hiện nay là tốt rồi, còn giảm thêm là rất khó.
Phấn đấu lãi suất ổn định
Theo thông cáo phát đi của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2017, cơ quan này sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành nhằm phấn đấu ổn định lãi suất như năm 2016.
Như vậy, thay vì cụm từ “phấn đấu giảm lãi suất” thì cơ quan điều hành lại nhấn mạnh bằng cụm từ “phấn đấu ổn định" như năm cũ. Có thể suy đoán từ mục tiêu này, cơ quan quản lý đang rất thận trọng và khả năng tiếp tục giảm được lãi suất cho vay là rất khó, thậm chí là lãi suất có thể tăng lên và nhà điều hành phải cố gắng giữ ổn định.
Còn nhớ đúng vào thời điểm này 1 năm trước, tại họp báo thông báo kết quả tình hình hoạt động ngân hàng 2015, chúng tôi đã nêu câu hỏi với Phó Thống đốc NHNN – bà Nguyễn Thị Hồng: “So với các quốc gia khác, lãi suất của Việt Nam vẫn ở mức cao. Vậy lãi suất có khả năng giảm tiếp trong thời gian tới không thưa Phó Thống đốc?".
Khi đó, đại diện NHNN đã nói rằng đối với lãi suất, Thống đốc đã kêu gọi TCTD miễn giảm lãi suất cho vay hỗ trợ SXKD. Hệ thống các TCTD chia sẻ nhiều với doanh nghiệp. Nếu bình thường dịp giáp Tết, TCTD đưa ra thông tin lợi nhuận cao nhưng năm qua vừa phải thực hiện cắt giảm một phần lãi suất để trích lập dự phòng rủi ro và chia sẻ với doanh nghiệp nên kết quả lợi nhuận đã giảm nhẹ so với năm trước.
Bà cho hay, so với các nước trong khu vực thì có thể lạm phát Việt Nam so với các nước tương tự, nhưng chúng ta có sự khác biệt là hệ thống ngân hàng lại đang tổ chức cơ cấu lại, phải sử dụng 1 phần lợi nhuận để xử lý nợ xấu, tháo gỡ khó khăn. Do vậy khả năng giảm lãi suất sẽ tiếp tục khó khăn. Hệ thống ngân hàng vẫn luôn mong muốn giảm lãi suất nhưng giảm ở mức độ như thế nào để cân đối kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống thì cần tính bài toán tổng thể để có chính sách phù hợp.
8 tháng sau, cũng tại một cuộc họp báo tại trụ sở NHNN, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết Thống đốc đã ban hành các chỉ thị các TCTD tiết giảm các chi phí hoạt động, cân đối nguồn vốn từ đó phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Và thực tế, đã có ngân hàng giảm lãi suất cho vay.
Bà Hồng cho biết ngay từ đầu năm, nhiều chuyên gia kinh tế cũng như NHNN dự báo lạm phát sẽ tăng trở lại thì việc ổn định mặt bằng lãi suất là nhiệm vụ hết sức khó khăn và thách thức.
“Nhìn chung có thời điểm lãi suất tăng, giảm và theo số liệu tổng hợp của NHNN, mặt bằng lãi suất về cơ bản là vẫn ổn định”, đại diện NHNN tóm lược.
Bài toán rất khó!
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, năm 2017, tỷ giá được dự báo có nhiều áp lực hơn so với năm nay và với mối quan hệ chặt chẽ với lãi suất, thì việc giữ chênh lệch lãi suất giữa VND và USD rất quan trọng. Nếu giữ chênh lệch lãi suất như hiện nay, lãi suất huy động khó có thể kéo xuống trong năm tới, theo đó lãi suất cho vay cũng không thể giảm thêm.
Sang năm 2017, theo quy định của Thông tư 06, hệ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng chỉ là 50%. Vì thế, nếu muốn duy trì chỉ số này, các ngân hàng phải cơ cấu lại nguồn vốn, thậm chí có thể phải tăng lãi suất huy động vốn trung dài hạn…
“Trong năm tới, điều hành chính sách lãi suất quả là khó khăn. Theo tôi, chỉ cần duy trì lãi suất ổn định như mặt bằng hiện nay là tốt rồi, còn giảm thêm là rất khó”, ông đưa ra dự đoán.
Trước đó, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cũng bày tỏ lo ngại Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) có khả năng tăng lãi suất USD thêm 3 lần nữa trong năm 2017 do tăng trưởng kinh tế và lạm phát tăng. Khi đồng nội tệ mất giá so với USD và lãi suất USD có xu hướng tăng, việc cắt giảm lãi suất sẽ khó thực hiện được.
Mới đây, một số ngân hàng thương mại Nhà nước đã mạnh dạn giảm lãi suất huy động vào thời điểm cận kề Tết Nguyên đán , trong đó phải kể đến là ngân hàng BIDV, Agribank hạ từ 0,1% - 0,3%/năm ở các kỳ hạn khác nhau. Còn NHTMCP khác hạ lãi suất huy động ở mức thấp hơn, ở mức khoảng 0,1%/năm như ở ngân hàng Sacombank, Bản Việt…
Theo chuyên gia kinh tế TS. Bùi Quang Tín, việc hạ lãi suất huy động ở một vài ngân hàng trong những ngày vừa qua khó trở nên là xu hướng chung của cả hệ thống ngân hàng Việt Nam đến cuối năm nay. Tuy vậy, nhiều khó khăn cho việc hạ lãi suất huy động cũng khó cản trở các ngân hàng trong việc hạ hoặc tiếp tục duy trì ổn định lãi suất cho vay trong 2 tháng cuối năm nay. Bởi vì, lãi suất huy động chỉ là 1 yếu tố cấu thành nên chi phí trong việc xác định lãi suất cho vay.
Vị này cho biết các ngân hàng hoàn toàn có thể bù trừ với việc tăng lãi suất huy động thông qua việc tiếp tục cắt giảm chi phí kinh doanh, kiểm soát hiệu quả tỷ lệ nợ xấu, quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh ngân hàng hiệu quả hơn nữa, nổ lực duy trì thị phần…
Vậy mà, Dự thảo Đề án kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng được công khai lấy ý kiến rộng rãi đã đưa ra các mục tiêu đẩy mạnh tái cấu trúc các ngành kinh tế, trong đó có nội dung đáng chú ý là sẽ kéo lãi suất cho vay xuống mức trung bình của các nước đang phát triển là khoảng 5%/năm. Liệu rằng có khả thi?
Kim Tiền
Theo Trí thức trẻ