Làm sao để giải quyết tình trạng "trống trước, dột sau" cho chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản chất lượng cao?
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nông sản định hướng xuất khẩu do phụ nữ làm chủ tăng khả năng tiếp cận thị trường và cơ hội kinh doanh, Sáng kiến Hỗ trợ Phụ nữ Khởi nghiệp và Kinh doanh (WISE) đã tổ chức sự kiện kết nối kinh doanh, hỗ trợ xuất khẩu tại TP.HCM.
Tại sự kiện, ông Lê Hoàng Tài – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) – cho biết ba tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông sản lại sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022.
Xu hướng suy giảm đã xuất hiện từ cuối năm 2022, nhiều đơn hàng bị hủy hoặc hoãn. Đây là sự ảnh hưởng bởi hiệu ứng suy giảm dây chuyền từ bối cảnh kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Tài, dù thế giới cắt giảm chi phí cho tiêu dùng nhưng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm nói chung và hàng nông sản nói riêng vẫn có dư địa, còn tín hiệu tốt.
Tạm thời, thị trường Trung Quốc vẫn đang là thị trường tiêu thụ hàng nông sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu lớn nhất. Sắp tới, nước này cũng có kế hoạch phát triển vùng trồng, thay thế hàng nhập khẩu (đơn cử như sầu riêng). Đây là một tín hiệu được ông Lê Hoàng Tài cảnh báo doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.
Việt Nam có thế mạnh là nước nông nghiệp xuất khẩu nông sản nhưng hầu hết là xuất khẩu nông sản thô. Sản phẩm qua chế biến còn quá nhỏ so với tỷ trọng nông sản sản xuất được.
Trong khi đó, thị trường thế giới rất chú trọng các sản phẩm hữu cơ, đảm bảo vấn đề sức khoẻ và môi trường. "Nếu sản phẩm của chúng ta cứ loay hoay với cách làm cũ thì sẽ không đáp ứng xu hướng tiêu dùng của thị trường thế giới", ông Tài nói.
Một điểm nghẽn nữa là hoạt động xúc tiến thương mại thiếu chuyên nghiệp. Ông Tài chia sẻ, doanh nghiệp Việt Nam tham gia triển lãm xúc tiến thương mại không bài bản, từ công tác chuẩn bị, đóng gói đến trưng bày đều chưa kỹ càng, dẫn đến thiếu sức cạnh tranh.
Tiếp nối vấn đề trên, Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao kiêm Giám đốc BSA - thì cho rằng nếu chúng ta nói với những người làm thương mại rất chuyên nghiệp trên thế giới về khó khăn lớn nhất của chúng ta là tiêu chuẩn thì họ không hiểu.
Lý giải điều này, bà Hạnh nói: "Trong nghề, chúng tôi gọi đó là điểm knock-out, tức là không đạt yêu cầu tiêu chuẩn thì không nói chuyện gì đến xuất khẩu nữa. Nó không phải khó khăn mà nó là tấm giấy thông hành rất hiển nhiên".
Tuy vậy, đối với nông dân hay ngư dân, hiểu đúng về tiêu chuẩn và tính tuân thủ như đạo đức trong làm ăn cũng chưa trở thành một tập quán. "Chúng ta còn khá tùy tiện", bà Hạnh nói về câu chuyện đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn.
Bà Hạnh kể rằng, trong chuyến thăm Bộ Nông nghiệp và các hợp tác xã của Thái Lan, một lãnh đạo ngành nước bạn bày tỏ quan điểm: Người nông dân chuyên nghiệp chỉ cần làm tốt một công việc duy nhất là đảm bảo sản xuất đạt chất lượng ổn định, còn lại cả hệ sinh thái phải ở xung quanh họ để hỗ trợ.
Ví dụ, Chính phủ đưa ra chính sách đúng và có tính dự phóng. Doanh nghiệp làm tất cả công việc để cung cấp cho người nông dân thông tin thị trường cần thiết. Đội ngũ xúc tiến chuyên nghiệp của nhà nước hay tư nhân phải làm giúp cho nông dân công việc marketing và phân phối. Các trường Đại học và chuyên gia thì giám sát.
Hiện tại, ở Việt Nam, chúng ta hay nói nông dân phải theo dõi thị trường. "Nông dân làm sao hiểu thị trường được?", bà Hạnh băn khoăn. Nông dân Việt Nam không nhận được hệ sinh thái như vậy sẽ gặp tình trạng "trống trước, dột sau". Đó là chưa kể giá logistics ở Việt Nam rất cao, làm giảm năng lực cạnh tranh.
Dẫn chứng cho việc cách phát triển năng lực xuất khẩu nông sản còn chung chung, thiếu chuyên nghiệp, bà Vũ Kim Hạnh chia sẻ: "Có một công ty phân phối của Hà Lan hỏi tôi rằng khi tôi làm công việc kết nối và xúc tiến như vậy, bà nhận được chiết khấu phần trăm thế nào trên toàn bộ chuỗi giá trị".
Bà Hạnh thật tình trả lời "Không. Chúng tôi không thu bất kỳ khoản nào". Thế là đối tác từ chối làm việc với bà vì đánh giá "đây là một chuỗi không ổn định, không vững vàng".
Từ đó, bà Vũ Kim Hạnh đưa ra một tổng kết thực tế, ở Việt Nam, người làm công tác xúc tiến, hỗ trợ chưa quen với việc tính toán chi phí với doanh nghiệp. Nhưng thương mại chuyện nghiệp bắt buộc phải như vậy.
"Chúng ta còn phải khiêm tốn đi học (lề lối) chuyên nghiệp trong cách làm ăn của các nước làm thương mại giỏi, như châu Âu", bà Hạnh đưa ra khuyến nghị.