Giá vàng tính tới cuối năm 2016 đã tăng 11,47% so với thời điểm cuối năm 2015. Nhiều chuyên gia dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong năm nay.
Vàng đã tăng hơn 11% trong năm 2016
Ngân hàng Nhà nước đánh giá thị trường vàng trong năm 2016 về cơ bản ổn định và tự điều tiết tốt. Vào những thời điểm thị trường vàng thế giới biến động mạnh nhưng thị trường vàng trong nước tương đối ổn định. Sức hấp dẫn của vàng miếng suy giảm, doanh số mua, bán vàng đã giảm nhiều so với những năm trước. Thị trường vàng trong nước điều tiết tốt, nguồn vốn bằng vàng đang có xu hướng chuyển thành tiền hoặc các tài sản khác để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Song thực tế, diễn biến thị trường vàng trong nước vẫn chưa thực sự có sự liên thông về giá với thị trường vàng thế giới, đặc biệt những tháng cuối năm. Trong khi giá vàng thế giới liên tục thay đổi sau các cuộc họp của Fed, giá vàng trong nước thậm chí còn thay đổi theo chiều ngược lại. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới lại được nới rộng kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ và quyết định tăng lãi suất của Fed.
Tính tới ngày 30/12/2016, mức chênh lệch đã lên tới trên 5 triệu đồng/lượng, chủ yếu do giá vàng thế giới sụt giảm mạnh sau quyết định của FED. Cụ thể, giá vàng thế giới sau khi quy đổi đã giảm 10,7% trong quý 4. Trong khi đó, giá vàng trong nước biến động thất thường trong suốt quý. Giá vàng SJC bán ra cuối tháng 12 gần như không thay đổi so với mức giá cuối tháng 9, ở mức 36,5 triệu đồng/lượng. Như vậy giá vàng tính tới cuối năm 2016 đã tăng 11,47% so với thời điểm cuối năm 2015.
Dự báo về đường đi của giá vàng trong năm 2017, TS. Bùi Quang Tín (ĐH Ngân hàng TP.HCM) nhận định việc tăng hay giảm của giá vàng là một hàm số đa biến, phụ thuộc vào ba ẩn số chính, đó là sức khoẻ nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc và tình hình kinh tế, chính trị chung của khối EU. Mặc dù vậy, khi mà nền kinh tế Mỹ còn đang gặp rất nhiều khó khăn không chỉ xuất phát từ các vấn đề trong nước mà còn từ tình hình phức tạp của nhiều nước trên thế giới, việc tăng lãi suất của FED trong năm nay là điều không hề dễ dàng, kết hợp với việc suy giảm dần các lợi thế đã giúp nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng vượt bậc suốt 3 thập kỷ vừa qua là những lợi thế từ quá trình toàn cầu hoá, công nghiệp hoá và dân số “khổng lồ”cũng như sự tác động không rõ ràng của hiện tượng Brexit có thể phần nào tạo lợi thế cho giá vàng đi lên trong năm nay.
Đứng trước những thuận lợi từ nội tại nền kinh tế Mỹ, các cam kết phát triển kinh tế từ chính sách thúc đẩy chi tiêu công và cắt giảm thuế của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump cũng như những khó khăn của nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới, khả năng tăng thêm từ 5% - 10% của giá vàng trong năm nay là hoàn toàn có thể dự báo được.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia và nhà đầu tư cho rằng “kỷ nguyên Donald Trump” đang tạo ra thời kỳ mới cho vàng, khi các nhà đầu tư tìm cách bảo toàn tài sản. Theo kết quả thăm dò ý kiến 26 chuyên gia phân tích do Bloomberg tiến hành, giá vàng trong năm 2017 có thể tăng khoảng 13%.
Huy động vàng nhưng không trả lãi
Liên quan đến vấn đề làm thế nào để huy động được nguồn lực vàng và ngoại tệ trong dân chúng để đưa ra sản xuất kinh doanh, phát triển nền kinh tế, trao đổi với chúng tôi trong ngày đầu năm, chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng ngành ngân hàng nên phát triển hơn nữa dịch vụ cất giữ vàng để hạn chế rủi ro cho người dân cất vàng trong nhà.
NHNN có thể nghiên cứu phát hành chứng chỉ vàng. Theo đó, người dân có thể mang vàng đến các tổ chức được cấp phép (ví dụ như các ngân hàng,...) để đổi lại, được nhận chứng chỉ vàng. Chứng chỉ này sau đó có thể được dùng để chuyển nhượng, sang tên hoặc cầm cố đi vay vốn.
Theo lý giải của ông Lực, điều này sẽ tăng tính thanh khoản của vàng, thay vì nằm chết trong góc tủ của người dân. Bên cạnh đó, đây cũng là một biện pháp đảm bảo tính an toàn, bảo mật cho tài sản của người dân.
Tuy vậy, chuyên gia cũng lưu ý Nhà điều hành cần phải cân nhắc vấn đề là liệu các cơ quan được cấp phép phát hành chứng chỉ có phải trả lãi hoặc phí cho người dân hay không. Nếu trả lãi thì lại giống huy động vàng, còn nếu không trả lãi thì phải phân tích cho người dân thấy được lợi ích của việc gửi vàng để lấy chứng chỉ.
"Theo tôi đề xuất là không có chuyện trả lãi suất cho việc gửi vàng mà ngược lại, trước mắt trong một vài năm tới ngân hàng chưa thu phí gửi vàng", ông Lực nhấn mạnh.
Theo Tri thức trẻ