Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) năm 2020 dự kiến lỗ hơn 15.000 tỉ đồng. Để cải thiện tình hình, VNA dự kiến bán 9 máy bay A321CEO để cơ cấu lại tài sản nhằm giải phóng nguồn lực dư thừa và có thêm dòng tiền và thu nhập, theo tài liệu phục vụ đại hội cổ đông của VNA.
Lợi nhuận của VNA sụt giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 - Ảnh: Lê Anh
Dự kiến lỗ hơn 15.000 tỉ đồng
Theo thông báo mới nhất của Vietnam Airlines đại hội cổ đông thường niên năm 2020 sẽ diễn ra vào ngày 10-8 tại Hà Nội sau 2 lần bị hoãn. Trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến ngành hàng không bị thiệt hại nặng nề do hạn chế đi lại giữa các nước, Vietnam Airlines không phải là trường hợp ngoại lệ.
Vì thế, kế hoạch kinh doanh năm 2020 được VNA đặt ra ở mức thấp khi doanh thu hợp nhất toàn tổng công ty ở mức 40.586 tỉ đồng (bằng 40,5% so với kế hoạch thực hiện được năm 2019). Về lợi nhuận, VNA dự báo năm 2020 toàn tổng công ty lỗ 15.177 tỉ đồng.
Kế hoạch sản xuất kinh doanh này được VNA xây dựng dựa trên phương án được vay 12.000 tỉ đồng của Chính phủ với thời hạn 3 năm và Tổng công ty chưa thực hiện các giải pháp tăng vốn chủ sở hữu năm 2020. Chưa kể, kế hoạch kinh doanh này của VNA cũng chưa bao gồm doanh thu và chi phí của việc bán 2 tàu A321 giao tháng 6 không thành công và 6 tàu A321 dự kiến bán cuối năm 2020.
Giải thích về mức lỗ dự kiến năm 2020, báo cáo của VNA cho biết, sự bùng phát của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trầm trọng đến thị trường hàng không. Đến nay thị trường nội địa đã hội phục tuy nhiên cạnh tranh gay gắt giữa ác hãng hàng không đã kéo doanh thu xuống rất thấp, chỉ đạt khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2019 nên không đủ bù đắp chi phí.
Doanh thu và lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2020 của VNA giảm mạnh, ghi nhận mức lỗ 6.642 tỉ đồng thì dự kiến cuối năm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đã lên đến mức 16,63 lần (gấp 6,11 lần năm trước).
Dịch Covid-19 đã làm suy kiệt dòng tiền, gây ra thâm hụt nặng nề về dòng tiền và mức lỗ lớn của VNA trong năm 2020. Hãng phải cắt giảm chi phí, giãn tiến độ thanh toán, vay vốn ngắn hạn để bù đắp thanh khoản và đang kiến nghị Chính phủ các giải pháp giải cứu hỗ trợ dòng tiền khẩn cấp để vượt qua khùng hoảng. Để trả nợ và bù đắp dòng tiền thâm hụt, VNA phải cơ cấu lại tài sản để vừa giải phóng nguồn lực dư thừa vừa có thêm dòng tiền và thu nhập.
Đàm phán gia hạn nợ với nước ngoài
Mọi tính toán về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm nay của Vietnam Airlines trình Đại hội đồng cổ đông được tính toán trên phương án dự kiến Chính phủ sẽ cho vay 12 ngàn tỉ đồng trong đó lấy nguồn từ các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối qua hình thức cho vay chỉ định, tái cấp vốn và phần lớn hơn lấy từ nguồn phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ, tránh tình trạng âm vốn chủ sở hữu đang đến gần.
Kể cả được vay vốn qua các hình thức như trên thì dư tiền cuối kỳ của công ty mẹ năm nay cũng chỉ có 397 tỉ đồng, thấp hơn nhiều mức 3.000 tỉ đồng mà doanh nghiệp có được tại thời điểm cuối năm 2019. Kéo theo đó là hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 16,63 lần, so với mức giảm chỉ còn 2,72 lần cuối năm 2019.
Do đó, Vietnam Airlines không thể có nguồn để trả cổ tức năm 2019 cho cổ đông. Hãng cùng với Bộ Tài chính phải đàm phán với các tổ chức tín dụng nước ngoài, nhất là các tổ chức tín dụng xuất khẩu Châu Âu để gia hạn và giãn tiến độ thanh toán các hợp đồng vay (được bảo lãnh vay) đến hạn để đầu tư đội tàu. Con số dư nợ đến tháng 5 năm nay khoảng 780 triệu đô la Mỹ.
Các đối tác nước ngoài sẽ chỉ cho phép gia hạn các khoản vay và giãn tiến độ dựa trên cam kết của Chính phủ về khả năng hoạt động của hãng.
Bán 9 máy bay
Theo kế hoạch của VNA tại đại hội đồng cổ đông diễn ra ngày 10-8, tổng công ty sẽ trình đại hội thông qua chủ trương bán 9 máy bay A321 CEO sản xuất từ năm 2007-2008.
Giải thích cho quyết định bán 9 máy bay này, VNA dẫn dự báo của Hiệp hội Vận chuyển Hàng không Quốc tế (IATA) rằng có khả năng ngành hàng không sẽ mất 2-3 năm để phục hồi về mức của năm 2019. Sự phục hồi của các đường bay quốc tế sẽ còn chậm hơn nữa.
Do đó, đội bay của Vietnam Airlines và Vietnam Airlines Group (bao gồm cả Pacific Airlines) sẽ dư thừa. Theo dự báo hiện tại, số lượng máy bay sẽ dư thừa khoảng 25 máy bay trong 6 tháng cuối năm 2020 và 6 máy bay vào năm 2021.
Trong số 9 tàu bay mà VNA sẽ bán, có 6 máy bay sẽ bán theo kế hoạch đã lên trước đó. Còn 3 máy bay A321 CEO được đẩy lên bán sớm hơn từ năm 2020-2021 thay vì kế hoạch bán từ 2023-2024. VNA giải thích thêm rằng, việc bán 9 máy bay này là một phần trong định hướng đổi mới máy bay của hãng để thay thế dần máy bay thế hệ cũ, đã khai thác trên 12 năm tuổi nhằm tiết kiệm chi phí, đảm bảo chất lượng dịch vụ.
VNA cho biết, 9 máy bay mà hãng bán là các máy bay đã trả hết nợ vay và thuộc sở hữu của hãng nên đủ điều kiện về pháp lý. Báo cáo của VNA tiết lộ, qua khảo sát có nhiều đối tác mong muốn mua. Tuy nhiên, giá chào mua chưa được như kỳ vọng của VNA do đang trong giai đoạn dịch Covid-19 vẫn chưa chấm dứt. Hãng sẽ quyết định bán vào thời điểm phù hợp để đảm bảo thu hồi đủ chi phí vốn.
Thị trường hàng không Việt Nam đang thừa tải Thực tế, ngay từ năm ngoái, trước thời điểm xảy ra dịch bệnh, thị trường hàng không vẫn tăng trưởng nhưng tốc độ chậm lại so với thời điểm những năm trước. Các thị trường Đông Bắc Á và Đông Nam Á là thị trường có doanh thu trọng điểm của VNA và các hãng hàng không Việt Nam khác xảy ra tình trạng thừa tải, tốc độ tăng trưởng hành khách thấp hơn tốc độ tăng trưởng cung ứng. Các hãng hàng không giá rẻ (LCC) đổ tải hàng loạt khiến mặt bằng giá vé đua nhau xuống đáy. Theo Báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh 2019 của VNA, tổng thị trường quốc tế tăng 14,5%, trong số này LCC tăng 23,8% và hàng không truyền thống như VNA tăng 10,4%. Về thị trường thuê chuyến tăng 22% song chủ yếu vẫn tăng trưởng ở phân khúc LCC với 40%. Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá và kinh tế khó khăn khiến thị trường thuê chuyến trọng điểm nhất là Trung Quốc trở nên ảm đạm. Nhiều đối tác thuê chuyến ngưng hợp đồng, giảm tần suất khiến doanh thu thuê chuyến của hãng giảm. Việc gia nhập thị trường nội địa của hãng hàng không mới Bamboo Airways và tăng tốc đầu tư với 20 tàu bay, hạ giá vé để kéo khách cũng như hãng hàng không LCC Vietjet giành thị phần, tăng tải dẫn đến toàn thị trường nội địa thừa tài liên tục và doanh thu của hãng cũng vì thế mà giảm đi. Điều đó cũng dẫn đến kết quả cuối cùng là VNA không hoàn thành kế hoạch kinh doanh điều chỉnh khi chỉ đạt 95,9% kế hoạch doanh thu và 94,7% kế hoạch lợi nhuận. Năm 2020, Vietnam Airlines dự kiến sản lượng vận chuyển hàng khách giảm 36,8% vì dịch bệnh (14,5 triệu khách), số lượng khách luân chuyển giảm 57% và sản lượng hàng hóa vận chuyển đạt 204.800 tấn. Kế hoạch kinh doanh nói trên được tính toán khi các đường bay đi Châu Âu và Úc sẽ phải đóng cửa hết năm nay. Việc khai thác trở lại các đường bay Đông Bắc Á và Đông Nam Á cũng theo hướng cầm chừng từ tháng 10 với tần suất rất hạn chế. Việc mở thêm 13 đường bay nội địa mới cũng tăng thêm phần doanh thu (dù không lớn) cho doanh nghiệp. |