Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2 thế giới nhờ vào việc kiểm soát tốt dịch bệnh, tận dụng tốt đơn hàng xuất khẩu đồ bảo hộ, đồ phòng chống dịch COVID-19.
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu tại Công ty cổ phần SXTM May Sài Gòn (Garmex Saigon JS) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tuy nhiên dự báo trong năm 2022, Bangladesh sẽ lấy lại vị trí số 2 của Việt Nam (xếp sau Trung Quốc).
Câu chuyện về dệt may Bangladesh được "giải mã" thế nào và đâu là điểm cần quan tâm trong thời gian tới của dệt may Việt Nam?
Đơn hàng về Bangladesh vì sản xuất xanh?
Thị trường dệt may thế giới đã có sự "đảo chiều" khó lường trong hai tháng cuối năm 2022 khi rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam bị sụt giảm đơn hàng, có nơi lên tới 70 - 80% và ghi nhận mức tăng trưởng âm vào những tháng cuối năm, ngược với quy luật thường kỳ mọi năm.
Ông Vương Đức Anh, chánh văn phòng Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết trước áp lực cắt giảm đơn hàng, đến nay dù Vinatex chưa cắt giảm công nhân, nhưng người lao động sẽ không có tăng ca. Số giờ làm thêm cũng giảm khoảng 20% so với bình quân những tháng cao điểm của những năm trước.
Trong bối cảnh đó, một trong những đối thủ của dệt may Việt Nam là Bangladesh vẫn "ung dung" khi tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ấn tượng. Ông Anh cho hay ngay khi Bangladesh kiểm soát được dịch bệnh, nước này quay trở lại tăng trưởng tích cực trong bối cảnh thị trường chung sụt giảm mạnh.
Ông Anh nói dù chưa có thông tin chắc chắn, nhưng qua theo dõi thì có thể nhận định Bangladesh đã nhanh chân trong thực hiện chiến lược "xanh hóa" dệt may. Họ thay đổi bộ mặt cho ngành dệt may rất nhanh, các nhà máy trước đây điều kiện tồi tàn, thậm chí là có tai nạn lao động, nhưng đến nay nhiều nhà máy của họ đáp ứng được tiêu chuẩn xanh.
Bằng chứng là 9/10 nhà máy "xanh" của ngành dệt may lớn nhất thế giới nằm ở Bangladesh. "Đây có thể là nguyên nhân giúp cho ngành dệt may nước này tận dụng hiệu quả để khai thác cơ hội thị trường ngay khi nhu cầu tiêu dùng chung sụt giảm", ông Đức Anh nêu quan điểm.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cũng đồng tình về nhận định một trong những lý do giúp Bangladesh tăng trưởng đơn hàng là do nước này đã đầu tư nhiều nhà máy đạt chứng chỉ xanh.
Ngành dệt may vẫn còn nhiều thách thức “xanh” bền vững - Ảnh: TỰ TRUNG
Thiếu tiền để chuyển đổi "xanh"
Từ thực tiễn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Thăng, giám đốc điều hành Tổng công ty may Đáp Cầu, cho hay doanh nghiệp xuất khẩu hàng đi Mỹ và EU nên việc đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững cũng rất được doanh nghiệp chú trọng.
Tuy vậy, do nguồn lực có hạn nên mỗi năm doanh nghiệp chỉ dành một khoản đầu tư nhỏ để hiện đại hóa nhà xưởng, đầu tư mở rộng sản xuất, đáp ứng những tiêu chí căn bản của phát triển bền vững như bảo vệ môi trường, sử dụng lao động.
Trong khi đó, có những yêu cầu đặt hàng cho các sản phẩm sử dụng nguyên liệu tái tạo, hoặc phát triển mô hình sản xuất tuần hoàn, vẫn đang là bài toán khó với doanh nghiệp.
Nhìn về Bangladesh và doanh số Tổng công ty may Đáp Cầu chỉ bằng 1/3 tháng bình thường trước đây, tạo sức ép lớn trong việc đảm bảo việc làm cho hàng nghìn công nhân, ông Thăng cho rằng bài toán phát triển bền vững với doanh nghiệp dệt may đang đặt ra ngày càng thúc ép hơn, nhưng có nhiều rào cản để thực hiện.
"Theo xu hướng phát triển, năm nào chúng tôi cũng phải đầu tư, nhưng chỉ vài ba tỉ đồng thì môi trường xanh và sạch đẹp rồi. Nhưng việc sử dụng nguyên liệu tái tạo thì giờ mới nghiên cứu. Chúng tôi cho rằng chính sách chiến lược của Nhà nước có vai trò quan trọng, định hướng cho doanh nghiệp làm, còn không thì cứ manh mún, mạnh ai nấy chạy.
Nhà nước cũng cần tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tập huấn liên quan sản phẩm xanh, tiêu chí phát triển bền vững để doanh nghiệp hiểu rõ hơn, gắn với ưu đãi vốn, khuyến khích doanh nghiệp làm tiên phong", ông Thăng đề xuất.
Và thiếu cả thời gian khi phải vừa sản xuất vừa thay đổi
Ông Lê Tiến Trường, chủ tịch hội đồng quản trị Vinatex, nói: "Xu hướng xanh hóa đặt ra thách thức là lấy tiền đâu để thực hiện. Bởi dệt may đang sản xuất và vận hành, nếu chuyển đổi hay đóng cửa thì công nhân nghỉ việc".
Do đó để thực hiện xanh hóa cần phải có tiền và thời gian, không thể nói 1 - 2 năm là xong được mà phải cuốn chiếu thiết bị cũ hết khấu hao thay bằng thiết bị mới. Như với Vinatex, để xanh hóa phải thực hiện mất 10 năm, từ từ thay cái cũ, chờ hết khấu hao.
Theo ông Trường, có bốn trụ cột của "xanh hóa" không dễ thay đổi được ngay, đặt ra thách thức về các nguồn tài chính mà doanh nghiệp phải suy nghĩ rất nhiều. Đó là:
1. Năng lượng tái tạo. Hiện nay nhiều nhà máy sợi, nhà máy may tại Việt Nam đã đưa vào năng lượng tái tạo áp mái nhưng chỉ đủ cho ngành may chứ không đủ cho ngành sợi, dệt và cũng chỉ đáp ứng được 20% năng lượng tiêu thụ. Vì vậy nếu đặt yêu cầu nhà sản xuất phải đáp ứng trên 30% thì hệ thống quốc gia phải có năng lượng tái tạo bán cho doanh nghiệp chứ doanh nghiệp tự làm là không nổi.
2. Tăng hiệu suất, hiệu quả sử dụng năng lượng, thay đời máy để làm sao hiệu suất cao hơn, tiết kiệm năng lượng hơn, điều khiển thông minh.
3. Tái chế và tuần hoàn. Hiện nay vẫn có 20% nguyên liệu từ sợi polyester, trong khi yêu cầu phải dùng bông, chất liệu từ organic, bông hữu cơ, nhưng tỉ trọng này trong các sản phẩm may mặc của Việt Nam chưa cao. Chúng ta cũng chưa xử lý được câu chuyện cái áo sử dụng xong và bỏ đi thì làm gì, không chỉ tái chế mà còn là tuần hoàn.
4. Công nghệ mới, tự động hóa, tối ưu diện tích, sản xuất nguyên liệu từ công nghệ, giảm tối thiểu sử dụng nguyên liệu.
Dệt may Bangladesh vươn lên nhờ theo đuổi chuẩn mực Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), Bangladesh đứng thứ hai chỉ sau Trung Quốc về xuất khẩu hàng may mặc sang châu lục này. Trong tám tháng đầu năm 2022, tăng trưởng xuất khẩu hàng may mặc của Bangladesh sang châu Âu đạt 45,2%. Trả lời tờ Daily Star, giám đốc điều hành SM Khaled của Công ty hàng may mặc Snowtex cho biết giá cả cạnh tranh, chất lượng, cũng như những thành tựu gần đây về an toàn và tuân thủ tiêu chuẩn đã nâng tầm ngành may mặc nước này. "Bangladesh hiện là nhà vô địch toàn cầu trong lĩnh vực quần áo "xanh", thân thiện với môi trường. Hơn nữa, quốc gia này có khả năng phục vụ số lượng lớn hàng hóa vì các nhà đầu tư địa phương đã đổ rất nhiều tiền vào lĩnh vực này trong những năm qua", ông Khaled nói. Theo chuyên trang Apparel Resources, Bangladesh hiện có số nhà máy đạt chứng nhận LEED (Định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường) cao nhất thế giới với 67 nhà máy. Đáng chú ý, Bangladesh rất chú trọng việc tuân thủ tiêu chuẩn trong những năm qua. Quốc gia này đã thành lập hai cơ quan giám sát là Hiệp định về Phòng cháy chữa cháy và An toàn Xây dựng ở Bangladesh, cùng Liên minh vì An toàn lao động Bangladesh. Cả hai đơn vị này lần lượt có 1.600 và 666 nhà máy tham gia. Ngoài ra, ông Faruque Hassan, chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh, cho biết hàng may mặc nước này đã nhận được mức giá cao hơn trong 2 - 3 năm trở lại đây vì các công ty nhập khẩu đang phải trả nhiều tiền hơn do giá nguyên liệu thô tăng cao, nhưng điều quan trọng là Bangladesh đang xuất khẩu các mặt hàng may mặc có giá trị gia tăng cao hơn trước. NGUYÊN HẠNH |
80% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, làm sao xanh? Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, trên thực tế, ngành dệt may Việt Nam đã triển khai chương trình "xanh hóa" vào cuối năm 2018 và hiện cũng có nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đầu tư theo hướng "xanh hóa". Tuy vậy, do đặc thù ngành dệt may Việt Nam có tới 80% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi việc đầu tư đáp ứng tiêu chí phát triển bền vững cần nhiều nguồn lực. Vì vậy để triển khai các dự án đáp ứng tiêu chí xanh, bền vững, doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu vốn, nên cần phải có lộ trình chuyển đổi từng bước. Đồng thời việc thực hiện các tiêu chí xanh cần có sự đồng hành từ các chính sách của Chính phủ, các ngân hàng có hỗ trợ cho doanh nghiệp nâng cao năng lực tài chính. "Hiện nay hiệp hội cùng các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực để tìm nguồn hỗ trợ cho doanh nghiệp triển khai như việc phối hợp với Hiệp hội cho thuê tài chính, lựa chọn các dự án đầu tư "xanh" hiệu quả để hỗ trợ", bà Mai nói. |
Các lợi thế của dệt may Bangladesh so với Việt Nam Lý giải về lợi thế của Bangladesh, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy - cán bộ cấp cao chương trình phát triển bền vững thuộc dự án GIZ - cho rằng nước này có nhiều lợi thế rõ ràng nhưng không vì thế mà Việt Nam không cải thiện. Lợi thế đầu tiên của Bangladesh là có kim ngạch xuất khẩu lớn vào thị trường châu Âu, được hưởng Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) nên hưởng mức thuế thấp hơn khi vào thị trường châu Âu so với Việt Nam. Vì vậy khi kiểm soát được dịch COVID-19, mở cửa trở lại, đương nhiên họ sẽ lấy lại vị thế. Trong khi Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu chỉ ở vị trí thứ 6 - thứ 7 dù đã có hiệp định thương mại tự do song việc ưu đãi hưởng thuế còn hạn chế. Với Bangladesh, xuất khẩu dệt may cũng chiếm tới 80% kim ngạch xuất khẩu, đóng góp khoảng 13% GDP, trong khi đóng góp ngành dệt may của Việt Nam vào xuất khẩu, tăng trưởng GDP thấp hơn nhiều. Do đó bằng mọi cách Chính phủ Bangladesh đưa ra các chính sách hỗ trợ cho dệt may. Khi thấy xu hướng thị trường thay đổi, như việc EU hướng đến tiêu chuẩn xanh, tại Bangladesh một loạt nhà máy đáp ứng tiêu chuẩn xanh được xây dựng. Doanh nghiệp Bangladesh tiếp cận với tâm thế tích cực, cởi mở, sẵn sàng cho cuộc chơi, đáp ứng yêu cầu mới của thị trường theo hướng tăng trưởng bền vững. Trong khi đó sự thay đổi và bắt nhịp của Việt Nam có phần chậm hơn, nguồn lực dành cho ngành dệt may cũng ở mức khiêm tốn hơn, nên sẽ có nhiều hạn chế để gia tăng sức cạnh tranh.
Chưa kể Bangladesh cũng có lợi thế khi chuỗi cung ứng của họ đầy đủ, gồm doanh nghiệp sợi, dệt, may đều có. Chuỗi giá trị của họ là hoàn chỉnh, trong khi ở Việt Nam chỉ tập trung vào may mặc, mà sợi, dệt lại không có, nên cũng không thể tạo lợi thế cho các nhà mua hàng lựa chọn. Khi nhà mua hàng có thay đổi, hướng tới tiêu chuẩn xanh, họ sẽ lựa chọn những nước có chuỗi hoàn chỉnh, để hạn chế rủi ro. Đây là những lợi thế hơn hẳn so với Việt Nam. Thực tế doanh nghiệp Việt Nam đã phải đáp ứng yêu cầu nhất định về phát triển bền vững mà các nhãn hàng đặt ra, ít nhất là môi trường và lao động. Tuy vậy, các tiêu chuẩn về phát triển bền vững hiện nay được các nước châu Âu đưa vào luật hóa chứ không phải là tự nguyện như trước đây. Do đó, các nhà mua hàng, các thương hiệu may mặc không chỉ đưa ra tiêu chí phát triển bền vững để xây dựng hình ảnh như trước, mà còn yêu cầu các nhà sản xuất, gia công bắt buộc phải đáp ứng trên toàn chuỗi cung ứng. |
Cần đồng hành với những điều rất mới Theo bà Thúy, tiêu chí về phát triển bền vững cũng cao hơn, không chỉ là lao động, môi trường mà còn là sử dụng năng lượng, đáp ứng yêu cầu phát thải đạt mục tiêu cân bằng các bon, hướng tới kinh tế tuần hoàn... Đây là những vấn đề rất mới với các doanh nghiệp, nên rất cần sự đồng hành của Chính phủ khi đa phần doanh nghiệp của Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa. Chính phủ cũng cần xây dựng hệ thống chính sách hướng theo bền vững một cách đồng bộ. Những kế hoạch hành động tăng trưởng xanh và bền vững được đưa ra phải triển khai hiệu quả, trong từng ngành. Trong đó còn nhiều khái niệm như tuần hoàn chưa có quy định cụ thể; chính sách điện và năng lượng cần đồng bộ hơn để tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong thúc đẩy đầu tư sản phẩm xanh, sạch. |