Nhắc đến vùng biên Châu Đốc, An Giang, du khách không thể bỏ qua bánh xèo hay lẩu cá linh non - các món ăn làm từ bông điên điển nổi tiếng.
Về Châu Đốc những ngày đầu tháng 11, các đặc sản của vùng sông nước vẫn khiến chuyến đi thêm đáng nhớ dù mùa nước nổi không còn cao. Cây điên điển trổ bông, trở thành nguyên liệu của nhiều món ăn độc đáo, đặc biệt là bánh xèo và lẩu cá linh mà bạn không thể bỏ qua khi về Châu Đốc.
Bánh xèo bông điên điển
Bánh xèo miền Tây mùa nào nhân nấy. Mùa nước nổi, ngoài nhân bánh truyền thống, bông điên điển càng làm món bánh thêm đặc biệt với khách phương xa.
Bông điên điển hái về rửa sạch để ra rổ cho ráo nước. Bột làm bánh xèo là bột gạo pha với nước cốt dừa cho loãng, thêm chút bột nghệ vào cho bánh được vàng và thơm. Chú ý khi nhúng chiếc đũa bếp vào, nhấc lên bột nhỏ chậm từng giọt là được. Thịt heo xắt miếng nhỏ, ướp muối, tiêu, tỏi, đường… để độ nửa giờ cho thịt thấm. Xào số thịt này, khi gần chín thì cho bông điên điển vào đảo chung.
Người chiên phải khéo léo để vỏ bánh mỏng mà giòn rụm, không khét. Chảo gang đặt trên bếp, thoa đều mỡ rồi múc chén bột đổ vào. Khi bánh vừa chín thì cho nhân vào, để chừng hai phút cho bánh thật chín và vàng, gập đôi chiếc bánh lại như hình bán nguyệt rồi xúc ra đĩa hoặc mâm.
Nhân bánh xèo ngoài thịt, tôm, giá... còn có thêm bông điên điển. Ảnh: Má Lúm.
Nước chấm bánh xèo cũng phải pha chế công phu. Tỏi, ớt bằm nhuyễn, nước chanh pha chung với đường, và nước mắm ngon. Xắt thêm sợi củ cải, đu đủ, cà rốt bóp sơ qua nước muối, xả lại nước lạnh vắt khô rồi thả vào chén nước mắm.
Bánh xèo bông điên điển có hương vị thơm lừng của bột, nghệ, nước cốt dừa, thịt, tép, bông điên điển, mỡ, hành, tiêu, tỏi .... Bánh được ăn với các loại rau trong vườn nhà như: đọt bằng lăng, đọt xoài, đọt điều, lá mơ...
Ngoài việc ăn bánh xèo ở Châu Đốc (gần chợ Châu Đốc), bạn có thể dễ dàng tìm thấy món ăn này ở dọc đường đi đến rừng tràm Trà Sư (huyện Tịnh Biên), thị trấn Tri Tôn... với giá 12.000 đồng một chiếc.
Lẩu cá linh non bông điên điển
Đây là món ăn được nhắc nhiều nhất khi mùa nước nổi về. Cá linh được xem là đặc sản của vùng sông nước, cùng với bông điên điển nở vàng các mé sông, tạo thành món ăn bình dị mà khó quên.
Những con cá tươi roi rói, béo tròn được làm sạch, bỏ ruột, rửa lại bằng nước rồi để ráo. Chuẩn bị nước lẩu cũng đơn giản, chặt một trái dừa tươi đổ vào nồi nước ninh xương heo để nấu, thêm chút nước mắm ngon, đường, ít me dầm rồi nêm nếm sao cho vừa ăn. Sau đó cho tỏi phi thơm, ít tóp mỡ, rau ngò gai và cho sôi liu riu.
Cá linh đầu mùa là ngon nhất, vì xương chưa cứng, thịt ngọt béo. Ảnh: Má Lúm.
Bông điên điển vừa mới hái xuống còn tươi rói, đựng đầy trong rổ, cùng với bông súng, rau nhút. Cá linh rất dễ chín nên khi bắt đầu ăn, mới cho cá linh vào nồi nước lẩu đang sôi, khi nồi nước sôi lại thì cho các loại rau vào và thưởng thức.
Cái ngon độc đáo của món ăn này là nhờ vị chua của me, ngọt của dừa, giòn của bông súng kèm hương vị quen mà lạ của bông điên điển, cùng vị ngọt béo của cá linh. Một phần lẩu nhỏ giá 100.000 đồng cho hai người ăn.
Ở Châu Đốc, lẩu cá linh bông điên điển được bán nhiều trong các nhà hàng, quán ăn trên đường Trưng Nữ Vương, với giá 100.000 đồng một nồi lẩu nhỏ, 220.000 đồng một nồi lẩu lớn.
Theo Má Lúm