Báo điện tử của hãng truyền thông Australia The Drum vừa có bài viết ca ngợi cuộc chiến chống Covid-19 của Việt Nam, đồng thời nêu bật những bài học xây dựng thương hiệu quốc gia rút ra từ công tác dập dịch thành công.
Theo The Drum, Việt Nam nổi lên như một vị anh hùng trong cuộc chiến chống Covid-19 nhờ phản ứng nhanh chóng, kết hợp và minh bạch trước cơn khủng hoảng do dịch bệnh gây ra. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam mới ghi nhận hơn 300 ca dương tính với virus corona chủng mới, chưa có trường hợp bệnh nhân nào tử vong và không có bất kỳ ca lây nhiễm nào trong cộng đồng suốt nhiều tuần qua.
Một người đi xe máy đang di chuyển ngang qua tấm áp phích tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 ở Hà Nội. Ảnh: AP
Khi bắt đầu nới lỏng các hạn chế trên toàn quốc, Việt Nam cũng từng bước thể hiện vai trò quan trọng trên trường quốc tế, đẩy mạnh sản xuất và quyên tặng thiết bị y tế cho các quốc gia bị ảnh hưởng về dịch, bao gồm cả Mỹ, Anh, Nga, Tây Ban Nha, Italia, Pháp và Đức cũng như tăng cường mối quan hệ với các đối tác chiến lược.
Đây không chỉ đơn thuần là chiến thắng của đất nước, mà còn là chiến thắng cho "thương hiệu Việt Nam", chứng tỏ quốc gia là một chủ thể có năng lực sản xuất và trách nhiệm với toàn cầu. Điều này sẽ chứng minh rất quan trọng trong quá trình Việt Nam hồi phục nền kinh tế, thu hút các quốc gia và những công ty đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng sau khi cuộc khủng hoảng làm lộ rõ sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc.
Quan điểm "cố gắng hết sức" của Việt Nam đã tạo ra nhiều thiện cảm với người dân trong nước và cộng đồng ngoại giao quốc tế. Báo điện tử The Drum cho rằng, khi Việt Nam tái mở cửa và các doanh nghiệp nội địa bước vào giai đoạn hồi sinh, các thương hiệu Việt nên tiếp tục xây dựng kế hoạch giúp họ giành được thị phần lớn hơn trong tương lai nhờ áp dụng 6 bài học được đánh giá cao trong cuộc chiến ngăn chặn dịch Covid-19 của đất nước mình.
Đón chào giai đoạn chuyển đổi tạm thời của nền kinh tế
Việt Nam được quốc tế khen ngợi vì sớm cảnh báo các sở y tế khắp toàn quốc về mối đe dọa của virus corona chủng mới ngay từ ngày 3/1 và cho triển khai các biện pháp hạn chế đi lại từ ngày 1/2.
Các doanh nghiệp và cộng đồng đều có phản ứng mau lẹ, chẳng hạn như một dịch vụ đặt phòng du lịch trực tuyến đã nhanh chóng chuyển sang giao nhận thực phẩm; một cửa hàng bán hoa trở thành một quán cà phê bán đồ uống mang đi, tặng thêm hoa để khách hàng mỉm cười hài lòng hay cây ATM tặng gạo miễn phí cho những người dân đang cần nhưng vẫn đảm bảo giữ khoảng cách an toàn tối thiểu giữa mọi người lúc tiếp xúc.
Với nguồn lực hạn chế, cách ứng phó của Việt Nam cho thế giới thấy, sự đổi mới sáng tạo và linh hoạt là phẩm chất số một của người dân. Hiện tại, trong nền kinh tế mà mọi người đều đang phải thắt chặt chi tiêu, tìm kiếm các giải pháp tiết kiệm và thay thế sáng tạo, khả năng ứng biến nhanh chóng sẽ là yếu tố chủ chốt trên con đường hồi phục.
Bài học rút ra ở đây là: Cần nhận diện các mối đe dọa từ sớm và duy trì sự sáng tạo, đổi mới, nhanh nhẹn, thích ứng và linh hoạt.
Giữ vững sự lạc quan
Người Việt Nam được đánh giá là có tinh thần lạc quan. Từ một đoạn video lan truyền chóng mặt trên mạng, có nội dụng hướng dẫn rửa tay nhằm tránh lây nhiễm virus corona chủng mới tới các bức vẽ tuyên truyền cổ động phòng chống Covid-19, chính phủ Việt Nam cho thấy họ hiểu rõ rằng, lạc quan là chìa khóa cho sự tuân thủ của công chúng và giúp giảm thiểu mệt mỏi cho mọi người trong thời gian cách ly dập dịch. Khi xã hội và nền kinh tế tái mở cửa một cách thận trọng, cảm giác tích cực sẽ là phương thuốc tốt nhất.
Bài học: Đây là thời điểm hoàn hảo để thu hút sự chú ý và tạo ra sự lạc quan. Người Việt nhìn chung rất thích các nội dung thể hiện sự lạc quan tích cực.
Sẵn sàng đón nhận sự ấm áp, quen thuộc
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, người Việt thích tụ tập, ăn uống tại các nhà hàng và quán cà phê ven đường trong lúc ngắm nhìn thế giới xung quanh. Sau giãn cách xã hội, họ đã thay đổi những thói quen này và hiện thấy việc phải ở nhà không quá tệ như từng suy đoán trước đây.
Theo khảo sát, có tới 62% người Việt nói họ hiện ăn uống ở nhà thường xuyên hơn vào giai đoạn hậu Covid-19. Mọi người đang hướng về sự quen thuộc và tìm thấy sự thoải mái trong đó, với gia đình trở thành nơi thiêng liêng để vượt qua những lo lắng.
Bài học: Đối với các thương hiệu có bề dày lịch sử, đã đến lúc tận dụng di sản. Khai thác sự quen thuộc, đem lại cảm giác thoải mái cho mọi người. Khơi gợi các ký ức, nhắc nhở mọi người về những khoảnh khắc văn hóa lịch sử để kích thích cảm xúc hoài cổ.
Thích ứng với cuộc sống số hóa mới
Cộng đồng toàn cầu về cơ bản đang trải qua một khóa học cấp tốc về giáo dục kỹ thuật số. Cuộc sống tạm thời trong giai đoạn cách ly xã hội phòng chống Covid-19 cho chúng ta thấy những khả năng tồn tại trong không gian số hóa. Công nghệ trở thành vị cứu tinh, cho phép chúng ta thực hiện các hoạt động thường nhật của mình.
Trong xã hội chủ yếu vẫn tiêu dùng bằng tiền mặt như Việt Nam, các thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt đã tăng 76% trong 3 tháng đầu năm nay. Trong thế giới hậu đại dịch, việc áp dụng công nghệ từ xa nhiều khả năng sẽ được thúc đẩy nhằm giảm thiểu các tiếp xúc không cần thiết.
Trên hết, các công dân đang tự nguyện chia sẻ thông tin y tế thông qua ứng dụng NCOVI do chính phủ phát hành, có ý thức hơn và cũng cở mở hơn trước việc đánh đổi quyền riêng tư lấy sự đảm bảo an toàn hoặc thêm các giá trị gia tăng khác nữa.
Bài học: Các thương hiệu có thể đào tạo và hỗ trợ người tiêu dùng chuyển đổi sang hành vi sử dụng kỹ thuật số mới. Do các sự kiện vẫn tiếp tục bị hoãn tổ chức, các doanh nghiệp nên xem xét cách tái tạo trải nghiệm thương hiệu ngoại tuyến trong không gian trực tuyến.
Thêm vào đó, khi người tiêu dùng đã hiểu biết và ý thức hơn về dữ liệu cá nhân thì điều cốt yếu là các thương hiệu phải thể hiện sự có trách nhiệm, minh bạch và các chính sách không bắt buộc nếu muốn giành được sự tin tưởng của họ. Khi đã có được sự tin tưởng này, người dùng sẽ sẵn sàng hơn trong việc chia sẻ dữ liệu khi có lợi ích gia tăng rõ ràng.
Không ngừng giao tiếp xã hội
Tính cộng đồng là nền tảng của văn hóa Việt Nam. Trong thời gian cách ly xã hội, các nhân vật nổi tiếng và những người có ảnh hưởng trong cộng đồng đã tạo ra những nội dung thể hiện sự đoàn kết, chẳng hạn như tặng đồ ăn chế biến tại nhà cho bạn bè và duy trì kết nối với nhau qua các ứng dụng mạng xã hội.
Bộ Y tế Việt Nam đã phối hợp với UNICEF xúc tiến một chiến dịch trên TikTok nhằm nhắc nhở tất cả mọi người "ở nhà vẫn vui". Và khi hết cách ly xã hội, ai cũng cảm thấy trân trọng hơn những giây phút của cuộc sống đời thường không bị hạn chế vì Covid-19.
Bài học: Mạng xã hội đóng vai trò kết nối mọi người với nhau. Giống như cách Chính phủ Việt Nam đã thực hiện một chiến lược ấn tượng nhằm huy động cả nước hợp tác chống dịch, các thương hiệu nên tái xem xét sự hiện diện của họ trên mạng xã hội để tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia nhiều hơn trong khi không bỏ lỡ cơ hội ăn mừng khôi phục cuộc sống bình thường sau giãn cách xã hội.
Thúc đẩy hành động
Người Việt Nam giàu lòng trắc ẩn và chuộng "làm hơn nói". Điều này đã được thể hiện rõ trong đại dịch, khi những người anh hùng trong cuộc chiến chống Covid-19 không chỉ là chính phủ, các cơ quan y tế mà còn cả những người lao động trong các lĩnh vực "thiết yếu'" giúp duy trì hoạt động của xã hội. Những nỗ lực của người người dân bình thường được ghi nhận và ai cũng cảm thấy có động lực để thực hiện thay đổi.
Bài học: Mọi người mong đợi các thương hiệu đi đầu làm gương và sẵn sàng trợ giúp. Các doanh nghiệp nên tái đánh giá mục đích thương hiệu của họ và sử dụng việc đó để chỉ dẫn nỗ lực hồi phục cho cộng đồng, đồng thời không bao giờ quên rằng hành động quan trọng hơn lời nói suông.