Hàng ngàn nông dân trồng dừa ở Bến Tre đang rất phấn khởi khi tham gia xây dựng cánh đồng dừa lớn với các nhà máy chế biến dừa vì đầu ra ổn định, lợi nhuận tăng cao.
Tham gia mô hình liên kết với công ty, người trồng dừa yên tâm với đầu ra giá cả ổn định. Trong ảnh: nông dân Bến Tre tuyển chọn dừa sau khi thu hoạch - Ảnh: Hữu Khoa
Liên kết doanh nghiệp và nông dân theo chuỗi giá trị là một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng và giá trị các sản phẩm chế biến từ cây dừa, đồng thời phát triển kinh tế địa phương.
Nông dân khỏe
Ngôi nhà ngói khang trang của ông Lữ Văn Dũng nằm lọt giữa một vườn dừa xanh tốt và sai quả ở xã Hưng Lễ (huyện Giồng Trôm, Bến Tre).
Mặc dù giữa buổi trưa nhưng chúng tôi cảm nhận không khí mát mẻ nhờ những tán dừa che nắng.
Ông Dũng cho hay từ khi liên kết với công ty, nông dân trồng dừa khỏe hơn hẳn. Gia đình ông Dũng có 160 gốc dừa trên diện tích 1ha. Trước đây ông bán cho thương lái nên đầu ra không ổn định.
“Bán cho thương lái, họ “đè” nông dân dữ lắm khi được mùa giá rất thấp, có lúc còn 14.000 - 15.000 đồng/chục dừa (12 trái)” - ông Dũng kể.
Tuy nhiên kể từ ba năm nay, việc ép giá không còn nữa khi ông Dũng ký hợp đồng hợp tác với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex).
Theo đó, công ty sẽ hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư phân bón, đưa người đến tận vườn hái dừa và vận chuyển về nhà máy. Nông dân chỉ chăm sóc vườn dừa và lấy tiền ngay sau khi bán dừa.
Điều lo ngại nhất của nông dân là giá cả bấp bênh nay không còn nữa do chính sách giá sàn mà Betrimex đưa ra.
Cụ thể, Betrimex cam kết dù giá thị trường giảm cỡ nào đi nữa, họ cũng mua dừa của nông dân với giá 50.000 đồng/chục (12 trái).
Còn nếu giá thị trường cao hơn mức giá sàn đó thì công ty sẽ mua với giá thị trường và cam kết mua hết sản phẩm của nông dân.
“Giờ tôi an tâm chăm sóc dừa chứ không lo đầu ra nữa. Với mức giá sàn 50.000 đồng/chục thì người dân đã có lời, nhưng từ lúc hợp tác với công ty thì tôi chưa bao giờ bán giá thấp như vậy” - ông Dũng cho biết.
Gần đó, ông Nguyễn Văn Khinh - 67 tuổi, người có vườn dừa với gần 600 cây - cũng rất phấn khởi khi hợp tác với Betrimex và đề xuất công ty ký hợp đồng dài hơn, thay vì ký một năm như hiện tại.
“Hợp đồng với công ty giờ quá khỏe rồi. Trước đây tôi chỉ bán dừa cho thương lái theo giá thời vụ rất bấp bênh, bởi khi khan hàng thì giá đẩy lên cao, nhưng vào vụ thì giá xuống rất thấp” - ông Khinh cho hay.
Ông Khinh kể cách đây hai năm, khi được giới thiệu về chương trình liên kết vùng dừa giữa nông dân và Betrimex, ông đã mạnh dạn tham gia tổ hợp tác trồng dừa hữu cơ.
Sau đó công ty đưa các nhà khoa học đến hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, hỗ trợ xe đẩy dừa.
Toàn bộ dừa thu hoạch sẽ được công ty bao tiêu. Chưa kể công ty còn hỗ trợ nguồn phân bón đạt chuẩn, thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
“Tiền doanh nghiệp hỗ trợ cho chúng tôi ước tính khoảng 12 triệu đồng/ha mỗi năm” - ông Khinh nói.
Do hiệu quả cao, ngày càng nhiều nông dân trồng dừa tại Bến Tre đăng ký tham gia hợp tác với Betrimex và một vài công ty chế biến dừa tại địa phương.
Ông Hồ Thanh Liêm, phụ trách kỹ thuật Công ty Betrimex, cho biết tính đến cuối năm 2015 vùng nguyên liệu ở xã Hưng Lễ đã có 1.125 hộ tham gia với diện tích 897ha, sản lượng dừa đăng ký hằng tháng gần 900.000 trái.
“Tham gia với công ty thì nông dân vẫn canh tác như bình thường, nhưng công ty sẽ hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu đầu ra. Công ty đưa người tới tận vườn hái dừa và vận chuyển bằng ghe về nhà máy nên nông dân nhàn lắm” - ông Liêm cho biết.
Tăng thêm giá trị cây dừa
Theo Hiệp hội Dừa Bến Tre, toàn tỉnh hiện có hơn 63.000ha diện tích trồng dừa, với sản lượng trên dưới 500 triệu trái/năm.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu dừa của Bến Tre chỉ tập trung ở các sản phẩm dừa khô nguyên trái và cơm dừa nạo sấy, chưa có nhiều sản phẩm phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng nước ngoài.
Thời gian qua vẫn còn tình trạng có lúc giá dừa nguyên liệu quá cao, nông dân hưởng lợi, còn các nhà máy không cạnh tranh nổi với thương nhân nước ngoài vào tận Bến Tre mua nguyên liệu.
Có lúc giá dừa quá thấp, nhiều nông dân phải phá bỏ trồng cây khác có giá trị kinh tế cao hơn.
Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu cho thấy những khó khăn mà ngành dừa đang gặp là quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu phát triển cây dừa, cũng như phương án tổ chức sản xuất chưa được áp dụng vào thực tế.
Thương lái người nước ngoài đến trực tiếp mua nguyên liệu số lượng lớn với chiêu tăng giá liên tục thời gian dài, làm các nhà máy thiếu hụt nguyên liệu nghiêm trọng.
Trong khi đó, năng suất dừa chưa hiệu quả vì nông dân chưa áp dụng triệt để khoa học kỹ thuật. Các nhà máy chưa có chính sách liên kết tạo vùng nguyên liệu.
Đặc biệt, thiếu chú trọng tính công bằng lợi ích giữa nông dân trồng dừa và doanh nghiệp, chưa có chính sách hỗ trợ vùng nguyên liệu để nông dân sát cánh cùng nhà máy những lúc khó khăn nhất...
Bà Châu Kim Yến, tổng giám đốc Betrimex, cho biết VN có diện tích dừa lớn hàng thứ 6 trên thế giới nhưng năng suất đứng đầu thế giới.
“Trái dừa của VN hoàn toàn có lợi thế so với trái dừa của các nước khác trong khu vực. Không chỉ có cơm dừa và gần đây là nước dừa, các sản phẩm cao cấp và giá trị gia tăng hơn như dầu dừa, mỹ phẩm từ dừa là những ngành có nhiều tiềm năng mà thế giới đang cần” - bà Yến nói.
22 triệu USD xây dựng nhà máy chế biến nước dừa Bà Châu Kim Yến cho biết nhu cầu về các sản phẩm dừa trên thế giới không ngừng tăng lên vì những lợi ích đối với sức khỏe. Hiện Betrimex đã đầu tư 22 triệu USD xây dựng nhà máy chế biến nước dừa đóng hộp để xuất khẩu. Trước đây nước dừa là phụ phẩm trong quá trình lấy cơm dừa, không được quan tâm đúng mức nên chất lượng kém, chỉ phù hợp làm nước màu và thạch dừa. Với yêu cầu cao của các nhà nhập khẩu, công ty phải đầu tư hợp tác cùng nông dân để có vùng nguyên liệu dừa chất lượng cao. Hiện nhà máy sản xuất nước dừa đóng hộp của Betrimex đã hoàn thiện với quy trình sản xuất được kiểm soát từ đầu vào và công nghệ đảm bảo chất lượng sáu chứng chỉ quan trọng là FDA vào thị trường Mỹ, Halal vào thị trường Hồi giáo, BRC của Anh... |
TRẦN MẠNH / tuoitre.vn