Các vấn đề liên quan đến “đảm bảo đầu tư”, “ưu đãi đầu tư” được cho là rất quan trọng giúp Việt Nam thu hút tốt hơn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Một trong những nội dung quan trọng được đề cập khi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp được sửa đổi là các vấn đề về thể chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư theo định hướng mới. Trong ảnh: Khu vực sản xuất của GE tại Hải Phòng. Ảnh: Đức Thanh
“Bảo đảm đầu tư” để hút vốn FDI
“Một trong những câu hỏi quan trọng mà một nhà đầu tư lớn của Singapore, đang quản lý hàng tỷ USD, hỏi tôi trong cuộc gặp hôm qua là: ở Việt Nam, tiền tôi làm được có chuyển ra ngoài không?”, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đã bắt đầu phần phát biểu của mình tại Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi, diễn ra hôm qua (15/10), như vậy.
Theo ông Lực, câu hỏi này đã cũ, từ những năm 1994-1995, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã hỏi như vậy, nhưng cho đến bây giờ, vẫn còn được đặt ra và đây là câu hỏi rất quan trọng. “TP.HCM đang muốn thu hút đầu tư để trở thành một trung tâm tài chính, thì câu hỏi này càng quan trọng. Chuyện luân chuyển vốn là quan trọng lắm”, ông Lực nói.
Vấn đề mà ông Lực đề cập thực tế đã được các đại biểu tham dự Hội thảo đề cập trước đó. Thậm chí, đóng vai trò là người “dẫn đề”, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài còn nhấn mạnh rằng, các biện pháp bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu hút đầu tư.
“Các biện pháp đảm bảo đầu tư nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư trong suốt quá trình đầu tư và chính là cam kết về trách nhiệm của nước tiếp nhận đầu tư đối với quyền lợi cụ thể của nhà đầu tư”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói và cho biết, các điều khoản về bảo đảm đầu tư khi có sự thay đổi của pháp luật đã được quy định tại Điều 13 của Luật Đầu tư, nhưng chưa đủ.
Theo vị chuyên gia này, quy định trên mới chỉ dừng lại ở sự thay đổi văn bản pháp luật về ưu đãi đầu tư, trong khi các nhà đầu tư còn đòi hỏi nhiều hơn thế, bao gồm cả bảo đảm quyền sở hữu tài sản, bảo đảm chuyển tài sản và lợi nhuận hợp pháp của nhà đầu tư ra nước ngoài, bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật, bảo đảm đầu tư đối với hoạt động đầu tư kinh doanh…
“Cần có một chương về ‘đảo đảm đầu tư’ để quy định đầy đủ các nội dung có liên quan đến quyền lợi của nhà đầu tư”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói.
Có chung quan điểm, Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Giám đốc Công ty Luật InvestPro cho rằng, khi nhà đầu tư vào Việt Nam, họ căn cứ vào chính sách luật pháp hiện hành để quyết định đầu tư. Họ cũng hiểu rằng, những nội dung được ghi trên giấy chứng nhận đầu tư chính là quyền và lợi ích hợp pháp mà họ được hưởng.
“Không thể có chuyện, khi chính sách thay đổi, họ không được hưởng nữa. Nếu chính sách tốt hơn, họ được hưởng, còn nếu chính sách xấu hơn, thì họ cũng không phải chịu những quy định mới”, Luật sư Quỳnh Anh nói.
Trên thực tế, Báo Đầu tư cũng từng đề cập rất nhiều trường hợp các nhà đầu tư nước ngoài than phiền việc chính sách “tiền hậu bất nhất”, ghi trên giấy chứng nhận đầu tư một kiều, nhưng do chính sách ưu đãi thay đổi, lại áp dụng kiểu khác. Điều này đôi khi đã làm đảo lộn các kế hoạch kinh doanh của họ.
Ưu đãi đầu tư đừng “làm khó” doanh nghiệp
Một nội dung quan trọng khác được đề cập khi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp được sửa đổi, đó là các vấn đề về thể chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư theo định hướng mới.
Chưa có quy định về ưu đãi cho doanh nghiệp FDI liên kết tốt với doanh nghiệp trong nước. Chúng ta tiếp cận theo hướng đổi mới sáng tạo, nhưng nhiều vấn đề mới nảy sinh cũng chưa có chính sách
GS-TSKH. Nguyễn Mại
Đánh giá rất cao tầm nhìn của Nghị quyết số 50/NQ-TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài và Nghị quyết số 52/NQ-TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, GS-TSKH. Nguyễn Mại cho rằng, các sửa đổi, bổ sung của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp lần này cũng phải quán triệt được tư tưởng của hai nghị quyết quan trọng đó. Tuy nhiên, điều này “chưa được thể hiện rõ”.
Một ví dụ cụ thể, đó là Nghị quyết 50/NQ-TW nhấn mạnh việc “xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao..., thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam”. “Đây là tư tưởng rất mới so với trước đây”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói.
Liên quan đến vấn đề này, Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi đã bổ sung cơ chế cho phép Chính phủ quyết định ưu đãi đầu tư cao hơn để khuyến khích phát triển một ngành, địa bàn đặc biệt hoặc dự án đặc biệt quan trọng có tác động lớn đến kinh tế - xã hội. Chẳng hạn, dự án thành lập mới hoặc mở rộng các trung tâm R&D, trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam có tổng vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên; dự án thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm.
“6.000 tỷ đồng là con số rất lớn, sẽ làm khó cả doanh nghiệp nước ngoài, chứ chưa nói đến doanh nghiệp trong nước”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, quy định con số 6.000 tỷ đồng cho một trung tâm R&D sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Chưa kể, theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, ở một góc độ khác, điều các nhà đầu tư xây dựng trung tâm R&D cần không chỉ là thuế, mà quan trọng là đất đai, là điều kiện khấu hao nhanh, sự trợ giúp của Chính phủ… Nhưng các nội dung này chưa được đề cập trong Dự thảo Luật Đầu tư.
Thông tin cho biết, Chính phủ đang xây dựng Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 50/NQ-TW và Nghị quyết 52-NQ-TW. Các cơ chế, chính sách trên dự kiến sẽ được giao các bộ, ngành xây dựng trong thời gian tới.
Nguyên Đức / baodautu