Theo Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, giai đoạn từ năm 2020-2030, sẽ triển khai xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao... Sang năm 2018, Chính phủ sẽ trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án này.
Phó thủ tướng thị sát ga Hà Nội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ngày 22/12, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra hoạt động khai thác tại ga Giáp Bát và ga Hà Nội, làm việc với lãnh đạo ngành đường sắt về định hướng trong thời gian tới.
Ngành đường sắt còn lạc hậu
Mạng lưới đường sắt quốc gia có tổng chiều dài 3.143 km, với 2.531 km đường chính tuyến, 612 km đường ga và đường nhánh.
Hệ thống đường hiện gồm 3 loại khổ đường, với đa số là khổ 1m (chiếm 85%). Hệ thống ga phần lớn các ga có quy mô nhỏ, hạ tầng cũ, từ 2 đường đến 3 đường, chiều dài đường ga ngắn, gây khó khăn cho khai thác vận tải.
Hệ thống cầu, hầm đường sắt phần lớn đều đã sử dụng nhiều năm, nhiều nơi bị hư hỏng, hiện được gia cố, chắp vá. Hệ thống tín hiệu trên các tuyến không đồng bộ về công nghệ, kỹ thuật. Trong một tuyến, mỗi khu đoạn lại sử dụng một công nghệ khác nhau.
Hiện toàn ngành có 295 đầu máy với nhiều chủng loại, công suất khác nhau. Loại đầu máy cũ có công suất, tốc độ thấp, tiêu hao nhiều nhiên liệu vẫn còn nhiều (gần 60%) gây khó khăn, trở ngại trong vận dụng, bảo trì, sửa chữa.
Trong số 1.045 toa xe khách các loại, đa số có thời gian khai thác từ trên 10 năm đến 20 năm, loại có điều hòa không khí chỉ chiếm 60%. Tốc độ kỹ thuật cho phép khai thác của toa xe phần lớn chỉ đạt 80km/h.
Đến nay, thị phần vận tải đường sắt thấp và ngày càng có dấu hiệu suy giảm. Vận tải hành khách, với các tuyến ngắn thì không cạnh tranh được với đường bộ, các tuyến đường dài thì khó cạnh tranh với hàng không giá rẻ. Khối lượng vận chuyển của đường sắt năm 2015 chiếm 2,7% tổng lượng luân chuyển hành khách và chiếm 1,8% tổng lượng luân chuyển hàng hoá toàn ngành giao thông vận tải.
Đầu tư có thứ tự ưu tiên
Tại buổi làm việc, ngành đường sắt kiến nghị với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng 5 nhóm giải pháp. Trước hết, cần đầu tư để kết nối đường sắt quốc gia vào các cảng biển, khu công nghiệp, nhà máy với kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng; đầu tư giải quyết các nút thắt, hạn chế về kết cấu hạ tầng đường sắt gồm các dự án thay tà vẹt, cải tạo nâng cấp cầu yếu; đầu tư để nâng cao an toàn giao thông; kiến nghị Chính phủ và các ngân hàng hỗ trợ vay vốn ưu đãi để phát triển công nghiệp đường sắt.
“Do hạn chế nguồn lực nên không thể làm ngay một lúc, do đó phải có thứ tự ưu tiên nâng cấp đường sắt Bắc - Nam, từng bước đạt được mục tiêu đã đề ra”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Theo Phó thủ tướng, cần sớm triển khai đầu tư kết nối hệ thống đường sắt quốc gia với các cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ khác, tăng cường kết nối giữa các loại hình, phương thức vận tải, kết nối đường sắt với các nước trong khu vực.
Một nhiệm vụ khác cũng được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh với ngành đường sắt là tập trung hoàn thành báo cáo xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để có thể tìm kiếm chủ đầu tư, trình Quốc hội cho chủ trương đầu tư vào năm 2018.
Được biết, theo Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 10/02/2015, tiến hành nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1435 mm, điện khí hóa trên trục Bắc - Nam.
Giai đoạn từ năm 2020-2030, sẽ triển khai xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, ưu tiên xây dựng trước những đoạn có nhu cầu vận tải lớn trên trục Bắc - Nam; nghiên cứu, xây dựng các tuyến nối các cảng biển lớn, khu công nghiệp, du lịch; kết nối đường sắt xuyên Á.
N.Mạnh / BizLIVE