Làm ăn với Trung Quốc “con dao hai lưỡi”, nhưng quan hệ kinh tế với Trung Quốc về tổng quan là tích cực đối với Việt Nam.
Công nhân tại nhà máy Samsung ở Bắc Ninh. Ảnh: Reuters |
Cây bút William Watts vừa có bài viết trên tờ MarketWatch lý giải sức hấp dẫn của kinh tế Việt Nam đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975 và hai miền đất nước thống nhất, Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn kinh tế. Năm 1986, chính quyền Việt Nam tiến hành một số cải cách sâu rộng sau khi trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.
Đến đầu thập kỷ 90, Việt Nam bắt đầu tăng cường quan hệ với khu vực và thế giới, trong đó có việc tái thiết lập quan hệ thương mại với Mỹ, và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007.
Dù nền kinh tế cải thiện nhiều, nhưng đường đi của Việt Nam không phải luôn bằng phẳng. Do có quy mô nhỏ, nền kinh tế Việt Nam ít chịu ảnh hưởng nhiều bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998. Trong vòng 2 thập kỷ trở lại đây, kinh tế Việt Nam trải qua nhiều thăng trầm, và chứng kiến bong bóng bất động sản xì hơi năm 2011. Tuy thế, GDP của Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng ấn tượng trên 6%/năm kể từ năm 2000, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.
Dù một số nước có cái nhìn không thiện cảm về chính trị, giới đầu tư vẫn hào hứng với triển vọng kinh tế dài hạn của Việt Nam, và chú ý tới các yếu tố như lực lượng lao động có trình độ và mức độ cởi mở cao với đầu tư nước ngoài.
Theo các chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn Pavilion (Canada), dù một số nhà đầu tư có chút e ngại về nợ công đang ở mức 62% GDP, nhưng chi phí nhân công rẻ và lực lượng lao động được chuyên môn hóa cao là những yếu tố đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của Đông Nam Á.
Nhờ những lợi thế đó, Việt Nam đón dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh từ các đối tác thương mại hàng đầu như Nhật Bản và Hàn Quốc trong những năm gần đây. Samsung Electronics của Hàn Quốc là doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất ở Việt Nam, chiếm đến hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong năm 2016.
Chính dòng vốn FDI luôn tăng là chìa khóa giúp các chỉ số tăng trưởng của Việt Nam cao hơn các nền kinh tế châu Á khác, như Indonesia và Malaysia, những nước có mức cạnh tranh tương đương, vẫn theo các chuyên gia của Pavilion.
Hơn nữa, dòng vốn FDI đổ vào mạnh cũng kéo theo nhiều nhà máy được xây thêm. Công ăn việc làm mới giúp cải thiện đời sống của giới công nhân, nhưng điều thường bị bỏ qua là việc làm mới lại gây áp lực tăng lương ở những vùng thấp hơn trong nền kinh tế, theo Robert Harvey, phụ trách danh mục đầu tư tại Matthews Asia.
Ảnh: AFP/Getty. |
Chỉ số VN-Index đã tăng 21,2% trong năm nay, nhưng vẫn kém hơn mức tăng gần 28% của chỉ số MSCI Emerging Markets của các thị trường mới nổi. Giá chứng chỉ quỹ ETF iShares MSCI Emerging Markets hôm thứ Hai đã đạt đỉnh 6 năm.
Các chuyên gia tại Pavilion cho rằng yếu tố Trung Quốc cũng có nhiều ảnh hưởng. Dù quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội có những lúc nóng lạnh, nhưng mỗi cải thiện nhỏ về hoạt động kinh tế của Trung Quốc đều tác động tích cực đến xuất khẩu của Việt Nam.
Đây là “con dao hai lưỡi”, nhưng quan hệ [kinh tế] với Trung Quốc về tổng quan là tích cực, các chuyên gia Pavilion nhận xét. Đơn cử như đà tăng mạnh của các kim loại dùng trong công nghiệp chế biến gần đây cho thấy Trung Quốc một lần nữa là tác nhân thúc đẩy tăng trưởng.
Chuyên gia Harvey thuộc công ty Matthews khuyến nghị đầu tư vào các công ty trong ngành tiêu dùng ở Việt Nam do họ có lợi thế là dễ tăng giá và đòi hỏi về vốn thấp hơn.
Các chuyên gia tại Pavilion cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam là tấm gương phản ánh rõ nhất câu chuyện tăng trưởng của đất nước. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng mạnh hơn các nước trong khu vực và các nền kinh tế định hướng xuất khẩu khác cho đến năm ngoái rồi chững lại do tăng trưởng kinh tế giảm tốc.
Chỉ số MSCI Vietnam được cấu thành bởi ngành tiêu dùng (55%), bất động sản (19%) và tài chính (9).
Do đó, chỉ số này phụ thuộc vào tăng trưởng trong nước và khu vực hơn là giá hàng hóa trên thế giới, nhất là khi so sánh với các chỉ số của thị trường cận biên khác”, theo các chuyên gia tại Pavilion.
Minh Tuấn / BizLIVE