Sắp tới đây, khu vực từ Thanh Hóa vào Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ chứng kiến cuộc đua, tranh giành thị phần khốc liệt, do 2 dự án xi măng mới đưa vào vận hành đều “đóng đô” tại đây.
Trong nửa đầu tháng 10, thị trường xi măng trong nước đã chính thức đón thêm 2 dự án mới vào vận hành, với công suất lên tới 6,3 triệu tấn. Trong khi tiêu thụ xi măng nội địa chỉ tăng hơn 7,5%, xuất khẩu cũng không có sự gia tăng đột biến về sản lượng, thậm chí còn giảm nhẹ, kèm theo giá xuất khẩu tiếp đà đi xuống, thì sự kiện này thực sự bồi thêm thử thách mới trên thị trường xi măng trong nước vào những tháng còn lại của năm 2016 và kéo sang năm 2017.
Đáng lưu ý là cả 2 dự án mới công bố gia nhập thị trường xi măng đều có thời gian xây dựng được rút ngắn. Nếu dây chuyền 1 và 2 thuộc giai đoạn I Nhà máy Xi măng Sông Lam tại xã Nghi Lộc (Nghệ An), do Tập đoàn Xi măng The Vissai làm chủ đầu tư, với công suất 4 triệu tấn được đưa vào hoạt động sau chưa đầy 20 tháng xây dựng, thì Dự án Xi măng Long Sơn tại xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) giai đoạn I, công suất 2,3, triệu tấn, do Công ty TNHH Long Sơn làm chủ đầu tư, đã chính thức hòa vào thị trường xi măng cũng chỉ mất chưa đầy 2 năm tính từ thời điểm khởi công xây dựng. Điều này cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của các chủ đầu tư khi rút ngắn tối đa thời gian xây dựng, sớm đưa sản phẩm ra thị trường.
9 tháng đầu năm 2016, tiêu thụ toàn ngành xi măng đã đạt hơn 55 triệu tấn
Hai dự án với sản lượng xi măng lớn, nằm trên địa bàn không cách xa nhau là mấy, lại ra mắt thị trường trong cùng một thời điểm, không thể nói không gây xáo trộn và áp lực thêm cho thị trường xi măng vốn đã trong tình trạng cung vượt cầu.
Theo tính toán của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, trong năm 2017, khu vực Thanh Hóa, Nghệ An sẽ chứng kiến cuộc đua khốc liệt về tranh giành thị phần giữa các nhà sản xuất. Nếu không lo tốt đầu ra từ mảng xuất khẩu, nhất là các dự án công suất lớn, thì cạnh tranh không lành mạnh, phá giá thị trường rất dễ xảy ra.
Cần phải nói thêm, tại khu vực này, còn Dự án Xi măng Tân Thắng (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), công suất 2 triệu tấn/năm đang trong thời kỳ xây dựng. Nhà máy sẽ có sản phẩm ra mắt thị trường vào cuối năm 2017. Chưa kể, một loạt nhà máy xi măng đang hoạt động như Vicem Bỉm Sơn, Vicem Hoàng Mai, Xi măng Sông Lam 2…
Việc tập trung mạnh khâu tiêu thụ vào địa bàn nhà máy đóng đô là có thật. Ông Trịnh Quang Hải, Tổng giám đốc Công ty TNHH Long Sơn thừa nhận, thị trường tiêu thụ chính của xi măng Long Sơn sẽ tập trung ở một số tỉnh miền Bắc và miền Trung, trong đó không thể thiếu Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An. Trong khi đó, Vissai, nhà sản xuất xi măng thâm niên hơn 10 năm cũng tính toán đầu ra khá kỹ, khi khẳng định sẽ dành 50% sản lượng tiêu thụ nội địa và phần còn lại dành cho xuất khẩu.
Là doanh nghiệp tư nhân có thâm niên xuất khẩu, với sản lượng lên tới 20 triệu tấn trong gần chục năm qua, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xi măng The Vissai cho biết, việc đưa vào vận hành giai đoạn I của Nhà máy Xi măng Sông Lam đã nâng tổng công suất xi măng của Tập đoàn lên 12 triệu tấn. Với sản lượng như vậy, thực sự là không dễ dàng gì trong việc điều hành sản xuất, lo tiêu thụ. Chưa kể, xuất khẩu xi măng của các doanh nghiệp trong nước đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt về giá với các quốc gia trong khu vực, như Thái Lan, Trung Quốc. Trong điều kiện đó, việc đàm phán để có được khách hàng nhập khẩu cũng rất chông chênh.
Bộ Xây dựng cho biết, 9 tháng đầu năm 2016, tiêu thụ toàn ngành xi măng đạt hơn 55 triệu tấn, trong đó, xi măng tiêu thụ nội địa tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2015, đạt 43,5 triệu tấn. Tại thị trường xuất khẩu, xi măng và clinker xuất khẩu đạt 11,7 triệu tấn, với kim ngạch 430 triệu USD, giảm 6,6% về lượng và giảm 17,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Hiện, các doanh nghiệp xi măng trong nước gặp nhiều khó khăn tại thị trường xuất khẩu do sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước láng giềng sản xuất xi măng như Thái Lan, Trung Quốc, mặc dù đã chấp nhận mức giá xuất khẩu giảm khoảng 8-13%. Dự báo, xuất khẩu xi măng cả năm 2016 khó duy trì được như mức 16,5 triệu tấn của năm 2015.
Đại diện Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) tại Việt Nam, Giám đốc Nghiên cứu, ông Anirban Lahiri cho hay, trong một thị trường ngày có nhiều nhà cung cấp lớn, thì cạnh tranh không chỉ đơn thuần về giá, chất lượng, mà đi kèm theo đó là các dịch vụ hậu cần, yếu tố quan trọng cho nhà sản xuất nào muốn bán được xi măng cả trong nước và làm tốt kênh xuất khẩu.
Bởi vậy, không ngạc nhiên khi Tập đoàn Xi măng The Vissai cùng lúc xây dựng Nhà máy Xi măng Sông Lam đã đầu tư xây dựng ngay sát đó, tại xã Nghi Thiết (huyện Nghi Lộc) Dự án cảng biển Vissai, với 2 khu bến quốc tế và bến nội địa, đảm bảo cho tàu có trọng tải từ 3.000 - 70.000 DWT cập bến, có khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa của địa phương và khu vực. “Với tiến độ xây dựng như hiện nay, cuối tháng 11/2016, cảng biển Vissai có thể đón tàu biển đến 70.000 DWT cập cảng, mở tuyến vận tải thuận tiện nhất cho khâu tiêu thụ của Nhà máy Xi măng Sông Lam”, ông Đạt cho biết thêm.
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, năm 2016, tiêu thụ xi măng nội địa của Việt Nam sẽ cán mốc khoảng 60 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 15,5 triệu tấn xi măng và clinker, nâng tổng sản lượng tiêu thụ lên 75,5 – 76 triệu tấn.
Thế Hải / baodautu