Truyền thông quốc tế cho rằng, thành công trong cuộc chiến ứng phó đại dịch Covid-19 giúp Việt Nam trở thành điểm đến thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Một tranh tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 tại một khu dân cư ở Hà Nội. (Ảnh: AFP)
Báo Straits Times của Singapore ngày 12/5 dẫn nhận định của các chuyên gia tư vấn kinh doanh cho biết, nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm đến Việt Nam đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm dấy lên hơn nữa nhu cầu dịch chuyển sản xuất.
“Trong một, hai tháng đầu tiên khi dịch bùng phát, mọi thứ chững lại. Nhưng giờ đây chúng tôi đã bắt đầu nhận được ngày càng nhiều email từ các doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam”, Trent Davies, giám đốc tư vấn kinh doanh quốc tế của công ty tư vấn Dezan Shira & Associates, cho biết.
Reuters dẫn đánh giá của Kizuna Joint Development, công ty có cơ sở khách hàng chủ yếu là nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng nhận định: "Chúng tôi cho rằng vốn đầu tư nước ngoài sẽ rót vào Việt Nam sau đại dịch nhờ ứng phó nhanh chóng".
Nhờ các biện pháp ứng phó sớm như giãn cách xã hội, cách ly cộng đồng cùng với năng lực xét nghiệm và truy vết tiếp xúc, cho đến nay Việt Nam chỉ ghi nhận 288 ca mắc Covid-19. Việt Nam được đánh giá là ứng phó dịch tốt hơn do với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia, những nơi đã ghi nhận hàng nghìn ca Covid-19.
Việt Nam tự sản xuất bộ dụng cụ xét nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế và xuất khẩu sang nhiều nước như Iran, Phần Lan, Malaysia. Bộ xét nghiệm này đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Anh công nhận hồi tháng trước, cho phép thiết bị y tế này được xuất khẩu vào châu Âu. Việt Nam cũng bắt đầu thử nghiệm vắc xin phòng Covid-19 trên chuột.
Sản xuất khẩu trang đã tạo động lực cho ngành dệt may vốn bị ảnh hưởng do nhu cầu tiêu thụ từ các thị trường phương Tây giảm do đại dịch. Thậm chí trước khi dỡ lệnh hạn chế xuất khẩu vào cuối tháng trước, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 80 triệu khẩu trang trong nửa đầu tháng 4 sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong khi đó, nhu cầu đối với mặt hàng này tại các thị trường châu Âu cũng rất lớn. Ngoài xuất khẩu, Việt Nam cũng viện trợ khẩu trang cho nhiều nước.
Kinh tế Việt Nam được dự báo phục hồi nhanh chóng. (Ảnh minh họa: Reuters)
Straits Times dẫn nhận định của Tiến sĩ Le Thu Huong, chuyên gia phân tích cấp cao tại Viện chính sách chiến lược Australia, rằng nhờ ứng phó nhanh chóng, Việt Nam đã vững vàng trong việc dẫn dắt và định hình các phản ứng của khu vực với đại dịch. “Không quốc gia nào có thể tự phục hồi, nhưng những nước có định hình tốt hơn và ứng phó khủng hoảng sớm hơn sẽ có một vị thế tốt hơn", chuyên gia này nói.
Đó cũng là cơ sở để Reuters cho rằng, Việt Nam có thể phục hồi kinh tế nhanh chóng hơn nhiều quốc gia khác.
Theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay khoảng 2,7%, song có thể phục hồi mạnh lên khoảng 7% vào năm sau.
Tuy nhiên, chuyên gia Trent Davies cũng chỉ ra thách thức mà Việt Nam cần khắc phục để thu hút hơn nữa dòng vốn đầu tư nước ngoài. “Diện tích nhà xưởng xây sẵn, số lượng đường xá, cảng, hệ thống tàu hỏa có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển công nghiệp (của Việt Nam) thực sự vẫn còn thiếu”, ông Davies bình luận.