Bám sát đặc điểm của một tỉnh miền núi đa dân tộc với những sắc thái văn hóa độc đáo, phong phú, trong những năm qua, tỉnh Điện Biên đã đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát triển các làng nghề thủ công truyền thống, qua đó thiết thực góp phần nâng cao đời sống của người dân.
Phụ nữ dân tộc Thái duyên dáng bên khung dệt. Ảnh XH
Gắn liền với quá trình sinh hoạt, lao động sản xuất của đồng bào 21 dân tộc anh em, sản phẩm thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh Điện Biên khá đa dạng với các nhóm chính như: sản phẩm dệt thổ cẩm, sản phẩm mây tre đan, sản xuất các nhạc cụ truyền thống, sản phẩm kim hoàn, sản phẩm mộc mỹ nghệ… Trong đó, cùng với sự phát triển của các loại hình du lịch, du khách đến với Điện Biên có nhu cầu khá lớn đối với nhóm hàng dệt thổ cẩm, mây tre đan, các nhạc cụ truyền thống... Đây là nhóm những sản phẩm phục vụ nhu cầu trang trí làm đẹp, làm quà tặng, là sản phẩm du lịch hấp dẫn mang đặc trưng vùng miền, phù hợp với sở thích của khách du lịch trong và ngoài nước.
Thời gian trước đây, vì nhiều nguyên nhân nên việc sản xuất, chế tác các sản phẩm thủ công truyền thống ở Điện Biên chủ yếu mới chỉ dừng lại ở quy mô hộ gia đình, mang tính tự phát với mục đích chính là phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của các thành viên trong gia đình. Nhận thấy tiềm năng của việc mở rộng sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống, từ năm 2008, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên đã tập trung thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát triển các làng nghề thủ công truyền thống, qua đó vừa gìn giữ, phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc đồng thời góp phần tích cực tạo động lực thúc đẩy xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế.
Phụ nữ Mông ở bản Tà Là Cáo, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa (Điện Biên) trao đổi kinh nghiệm dệt thổ cẩm truyền thống. Ảnh XH
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã từng bước nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc trong bảo tồn, phát triển nghề thủ công truyền thống gắn với tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Thông qua các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn những cách thức sản xuất truyền thống; đầu tư vốn mở rộng sản xuất; thành lập các mô hình tổ, nhóm sản xuất… các làng nghề thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có những bước phát triển ổn định, bền vững. Tiêu biểu là những làng nghề thủ công truyền thống dệt, thêu thổ cẩm, ở huyện Điện Biên; làng nghề mây tre đan ở huyện Tuần Giáo, huyện Tủa Chùa…
Đến thăm bản Mển, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui của chị em người dân tộc Thái nơi đây trong những động tác dệt thổ cẩm thuần thục, uyển chuyển. Chị Vì Thị Thanh, Giám đốc “Hợp tác xã dệt thổ cẩm dân tộc Thái bản Mển” vui vẻ chia sẻ, từ chỗ 30 thành viên đầu tiên tham gia với số vốn điều lệ khiêm tốn 30 triệu đồng, đến nay hầu hết phụ nữ trong bản đã tham gia trong Hợp tác xã với mức thu nhập bình quân từ 1 - 2 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào số sản phẩm làm ra. Mô hình trên không chỉ góp phần bảo tồn giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Cùng với làng nghề dệt thổ cẩm ở bản Mển, xã Thanh Nưa, còn có nhiều mô hình hiệu quả khác như: thêu thổ cẩm của đồng bào Mông ở thôn Tà Là Cáo (xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa); mây tre đan ở xã Nà Tấu (huyện Điện Biên) và xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo) đã và đang được khôi phục, duy trì. Đồng thời cũng xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất với quy mô lớn như: HTX dệt thổ cẩm Lào ở bản Na Sang II xã Núa Ngam; HTX dệt thổ cẩm Bình An, Anh Minh; HTX dịch vụ Thanh Nưa, Thanh An; tổ hợp tác Mây tre đan ở bản Nà Tấu 2, xã Nà Tấu huyện Điện Biên…
Thực tế cho thấy, đa số các sản phẩm truyền thống trên địa bàn tỉnh Điện Biên đều mang đậm những đặc trưng riêng của từng dân tộc như: quần, áo, khăn túi thổ cẩm; bàn, ghế mây tre đan, hay những sản phẩm kim hoàn làm từ bạc như đồng xòe bạc, cúc bướm, trâm cài tóc của đồng bào dân tộc Thái... Những sản phẩm tạo ra tiêu thụ khá chạy do gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc địa phương và phù hợp với thị hiếu của du khách. Tuy nhiên, việc bảo tồn, phát triển các làng nghệ thủ công truyền thống ở Điện Biên hiện nay cũng đang đứng trước không ít vấn đề khó khăn, nhất là về nguồn vốn đầu tư, tiếp thị sản phẩm, xây dựng thương hiệu, bảo tồn những mẫu sản phẩm cổ truyền…
Theo ông Đoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên, thời gian qua việc bảo tồn, phát triển các làng nghề thủ công truyền thống đã mang lại những hiệu quả rõ nét. Trong tương lai, Điện Biên sẽ tiếp tục gắn sản xuất, tiêu thụ với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa; có chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá sản phẩm; gắn làng nghề với những địa danh, địa chỉ văn hóa du lịch; nâng cao hiệu quả nghiên cứu điều tra, sưu tầm các giá trị văn hoá của từng dân tộc… góp phần gìn giữ những tinh hoa văn hóa, những giá trị truyền thống đồng thời trực tiếp góp phần tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh./.
(theo dangcongsan.vn)