Thị trường bất động sản Đà Nẵng đang “phát sốt” với condotel (căn hộ - khách sạn) - mô hình đầu tư không quá mới, nhưng nhiều khả năng sẽ chiếm lĩnh thị trường trong thời gian ngắn tới đây.
Sôi động chưa từng có
Ngay từ đầu năm 2016, Đà Nẵng đã chứng kiến sự xuất hiện của những siêu dự án như Dự án Tổ hợp khách sạn 5 sao và căn hộ cao cấp Ánh Dương - Soleil Đà Nẵng (vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng) của Công ty cổ phần PPC An Thịnh, Dự án Khách sạn Grand Tourane Đà Nẵng (khách sạn 5 sao đầu tiên trên bãi biển Mỹ Khê) do Datraco làm chủ đầu tư, Dự án Cocobay Đà Nẵng (vốn đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng) do Tập đoàn Empire làm chủ đầu tư và sắp tới là Dự án Ariyana Beach Resort & Suites Đà Nẵng của Sovico Holding.
Ariyana Beach Resort & Suite Đà Nẵng đang tạo nên sức hút đặc biệt. Ảnh: A.T
Ngoài ra, còn phải kể đến các dự án đang được chủ đầu tư gấp rút thực hiện như Dự án Khu đô thị Đa Phước (tổng vốn 300 triệu USD), do Công ty TNHH Dae Won Cantavil (Hàn Quốc) kết hợp với một số nhà đầu tư trong nước thực hiện; Dự án Toà tháp đôi Blooming Tower Đà Nẵng (vốn đầu tư 90 triệu USD), do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hàn Quốc làm chủ đầu tư; Dự án FPT City Đà Nẵng (hơn 1 tỷ USD); Dự án Khu đô thị Marina Complex - Ngo Quyen Shopping Street - Aurora Danang City - Marina Danang Bay của Đất Xanh Miền Trung, Dự án Khu đô thị Hòa Quý - Han River Village của Sun Group, Golden Hills (1,6 tỷ USD) của Trung Nam Group, F Home của Foodinco…
Có thể thấy, đa số các dự án này được đầu tư theo mô hình condotel, một mô hình không phải mới, nhưng đang thực sự tạo ra cơn “sốt”cho thị trường bất động sản Đà Nẵng.
Tương lai là condotel?
Condotel giờ đã thành thuật ngữ không xa lạ đối với giới đầu tư bất động sản. Dù mới du nhập thị trường Đà Nẵng khoảng 5 năm trước, nhưng với khả năng sinh lợi lớn, giá đầu tư ban đầu khá hấp dẫn và nằm ở một “thiên đường du lịch” của Việt Nam, mô hình này nhanh chóng thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia như Indochina Capital, Vingroup, Sovico…
Nếu trước đây, Đà Nẵng đã có thời gian gây “sốt” thị trường với dòng sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng, thì nay, khi quỹ đất trở nên hạn hẹp, dòng sản phẩm condotel được dự báo sẽ lên ngôi vương và không có đối thủ cạnh tranh.
Báo cáo mới nhất của Công ty CBRE cho thấy, thị trường condotel trên địa bàn TP. Đà Nẵng trong nửa đầu năm 2016 đã chứng kiến sự tăng trưởng đột biến về nguồn cung, với 2.436 căn từ 6 dự án, nâng tổng nguồn cung lên 3.084 căn. Trong đó phân khúc cao cấp chiếm tỷ trọng cao nhất (76%). Tiếp theo là phân khúc trung cấp (16%) và phân khúc hạng sang (9%). Nhiều khả năng vào quý III/2016, thị trường Đà Nẵng sẽ đón nhận thêm 800 căn condotel từ 2 dự án Tourane Condotel và Condotel Central Coast Đà Nẵng.
Mặc dù tương lai rất xán lạn, nhưng vẫn còn nhiều dấu hỏi đặt ra cho mô hình này. Một số dự án đã thành công với mô hình condotel trong thời gian qua như ALaCarte, Fusion Suite, F. Home. Nhưng đây đều là những đơn vị đã tạo được thương hiệu riêng, có nguồn khách hàng lớn, hiệu suất buồng phòng luôn đạt ở mức cao. Với đa số dự án còn lại, việc áp dụng mô hình dường như chỉ chạy theo xu hướng, hiệu quả kinh doanh như thế nào vẫn là một dấu chấm hỏi.
Theo ông Nguyễn Hữu Đức, Phó chủ tịch HĐQT FirstReal Land, hiệu quả mô hình condotel phụ thuộc nhiều vào chủ đầu tư và quản lý nhà nước. Muốn phát triển được bền vững mô hình này người mua, chủ đầu tư, chính quyền phải như kiềng ba chân, trong đó yếu tố chính quyền là quan trọng nhất, vì chính quyền lo chiến lược tổng thể để thu hút du khách, còn chủ đầu tư làm phần dịch vụ.
Cũng theo ông Đức, lượng khách du lịch đến với Đà Nẵng tuy đông, nhưng số ngày lưu trú ít nên hiệu quả của mô hình condotel chưa tốt. “Thành phố chỉ làm du lịch thì cũng khó cho condotel, vì họ lưu trú ngắn hạn. Thành phố phải chú trọng cả đầu tư vào các lĩnh vực khác nữa mới có thể kéo nhiều chuyên gia, cố vấn cao cấp về. Khi đó mới có nhiều khách hàng chọn condotel với nhu cầu lưu trú dài hạn”, ông Đức nhận xét.
Nhưng một nguy cơ khiến cho mô hình condotel Đà Nẵng khó đạt hiệu quả như kỳ vọng là sự bùng nổ của nhiều cơ sở lưu trú thấp cấp, khách sạn 2-3 sao dọc khu vực ven biển và việc cấp phép condotel cho quá nhiều dự án trong một khoảng thời gian ngắn. “Nếu để tất cả cùng phát triển thì sẽ dẫn đến nguy cơ “chết chung” với các phân khúc này. Thành phố phải xem xét kỹ “miếng bánh” thị trường để quy hoạch phát triển các phân khúc một cách hợp lý, có lộ trình. Trước tiên, cần lựa chọn những đơn vị có năng lực tốt nhất để cấp phép làm condotel, sau đó căn cứ vào thị trường để cấp phép tiếp, chứ không nên cấp một cách ồ ạt”, ông Nguyễn Văn Hùng, một nhà môi giới địa ốc tại Đà Nẵng góp ý.
Anh Trung / baodautu.vn