Trên thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đang càng lúc càng “nóng” về câu chuyện sinh lời khiến nhiều nhà đầu tư không ngại “ném” tiền vào các dự án.
Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ yếu tố pháp lý của dự án bất động sản nghỉ dưỡng
Khi nhà đầu tư nhầm lẫn
Tại tọa đàm “Đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng: Cơ hội và rủi ro” do báo Giao thông tổ chức ngày 27/7 tại Hà Nội, các chuyên gia pháp lý đã chỉ rõ không ít khách hàng của khu bất động sản nghỉ dưỡng đang có sự nhầm lẫn, họ cho rằng các dự án này không khác gì các dự án nhà ở để bán. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các dự án bất động sản nghỉ dưỡng đều là những dự án thuê đất 50 năm.
Theo ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hà Nội, ngành du lịch Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh, nhất là du lịch biển. Tại một số điểm như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Quảng Ninh, tốc độ tăng trưởng có những năm đến 15 - 20%.
Đây là cơ hội lớn cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng và thời gian qua, nhiều dự án lớn liên quan đến phân khúc này đã được triển khai, thu hút được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư. Chỉ cần có khoản vốn khoảng 3 tỷ đồng, với sự hợp tác của các ngân hàng, nhà đầu tư hoàn toàn có thể đầu tư một căn biệt thự nghỉ dưỡng trị giá 10 tỷ đồng để kinh doanh.
Tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam còn rất lớn. So sánh với các khu du lịch trong khu vực như Bali, Chieng Mai, tỷ lệ biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn tại các khu du lịch tại Việt Nam còn thấp. Do vậy, chúng ta cần có chiến lược, chính sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp để có thể đuổi kịp các nước xung quanh.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy lĩnh vực này phát triển chưa đồng đều. Chẳng hạn, trong khi du lịch biển phát triển mạnh thì du lịch sinh thái tại khu vực núi, đồi nhu cầu chưa lớn. Cộng với đó, công tác quản lý giá cả về du lịch còn hạn chế khiến thị trường này chưa phát huy được hết tiềm năng.
Bà Hoàng Thị Vân Anh - Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - cho biết: "Hiện nay, đa số người mua nhà đang có sự nhầm lẫn giữa hai dạng sản phẩm bất động sản nhà ở và bất động sản nghỉ dưỡng. Pháp luật đất đai quy định rõ: nếu đất đai là đất nhà ở (chung cư, liền kề, biệt thự) có thể sử dụng xây nhà để bán, phân lô bán nền... Khu du lịch nghỉ dưỡng là đất thương mại dịch vụ nên chỉ được cho thuê đất và không được phân lô bán nền bán như đất ở - bà Vân Anh nói.
Chia sẻ nhận định với bà Vân Anh, ông Nguyễn Thế Điệp cho rằng hiện tại có một vài dự án luật cho phép tách ra làm sổ đỏ, nhưng đa số các dự án khác là không thực hiện được việc cấp sổ đỏ. Nguyên nhân là do khi muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chủ đầu tư phải đóng một số tiền rất lớn. "Chính vì vậy, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang rơi vào tình cảnh rất khó khăn khi đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng không bán được. Vì tâm lý người dân, nhà đầu tư luôn chọn mua các dự án bất động sản có sổ đỏ. Flamingo Đại Lải là trường hợp điển hình cần tháo gỡ. Nhiều khách hàng mua biệt thự tại Flamingo như ngồi trên lửa khi tiền đã trả hết nhưng có nguy cơ không nhận được sổ đỏ" - ông Điệp nhấn mạnh.
Vẫn cần tiếng nói từ cơ quan chức năng
Theo các chuyên gia, khung pháp lý cho thị trường bất động sản nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng tuy cần phải tiếp tục hoàn thiện song không thể nói là không đủ công cụ. Trả lời câu hỏi liệu có khoảng trống trong việc quản lý phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng khi mà dòng tiền đổ vào đây ngày một lớn, ông Phạm Văn Thường- Trưởng Phòng Quản lý thị trường bất động sản, Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) - nói: Luật Kinh doanh bất động sản đã quy định về kinh doanh bất động sản, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản. Nếu bất động sản là nhà ở còn phải theo quy định của pháp luật về nhà ở, đối với đất đai còn phải theo quy định của pháp luật về đất đai. Với bất động sản nghỉ dưỡng, còn phải chịu sự điều chỉnh của các quy định khác nữa (Luật Xây dựng, Quy hoạch đô thị...). “Pháp luật hiện nay cũng đã khá đầy đủ để điều chỉnh hoạt động này. Nếu có những vướng mắc, là do việc làm không đúng của chủ đầu tư”- ông Thường nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Điệp cho rằng, dự án bất động sản nghỉ dưỡng thường được đầu tư trong thời gian dài từ 5- 10 năm. Do dự án triển khai trong thời gian dài, nên đã bị mắc do chính sách thay đổi quá nhanh. Flamingo Đại Lải làm gần 10 năm nay cũng đang gặp vướng mắc.
Vì thế, cơ quan quản lý nên tiêu chuẩn hóa từng khu vực cụ thể để gắn với chi phí, giá cả để nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng có thể chấp nhận được. Tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất với những khu vực đất còn hoang sơ, cần khuyến khích đầu tư nên thu ở mức thấp nhất theo giá thị trường. Đây là bài toán cần các cơ quan quản lý có giải pháp, tháo gỡ cho doanh nghiệp đang khó khăn về giá đất, ưu đãi đầu tư, khuyến khích các vùng hoang sơ biến thành các khu du lịch nghỉ dưỡng để tạo sự phát triển cho các địa phương.
Quang Lộc / baocongthuong.com.vn