Khu Tây Bắc TP.HCM có mật độ dân cư đông đúc, nhưng chỉ có 2 con đường kết nối với trung tâm TP.HCM, giao thông luôn trong tình trạng quá tải, khiến thị trường địa ốc cũng kém hấp dẫn.
Khu Tây Bắc gồm 5 quận huyện là: Tân Bình, Tân Phú, quận 12, Hóc Môn, Củ Chi. Tại khu vực này có Quốc lộ 22 nối với tỉnh Tây Ninh và huyện Đức Hòa (tỉnh Long An). Nơi đây được đánh giá là khu vực tiềm năng của thị trường bất động sản, nhưng lại khá im ắng, ít dự án triển khai, mặc dù quỹ đất còn nhiều.
Hiện tại khu vực 5 quận, huyện này chỉ có một số dự án là: Khu chung cư Celadon City trên diện tích 82 ha tại quận Tân Phú của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ bất động sản Tân Thắng. 3 dự án là 8X Rainbow, Sky Center (quận Tân Bình), Melody Residences (quận Tân Phú) của Công ty Địa ốc Hưng Thịnh Land.
Nếu muốn khu Tây Bắc phát triển, TP.HCM cần đẩy nhanh giải quyết vấn đề quá tải giao thông
Các chủ đầu tư đều ngần ngại vì hạ tầng giao thông khu vực này còn kém. Để đến khu vực này, chỉ có 2 con đường là đường Cộng Hòa và đường Trường Chinh. Lưu lượng phương tiện lớn, vì người dân từ các quận, huyện khu Tây Bắc đổ về trung tâm Thành phố làm việc, học tập… đều phải đi hai tuyến đường này, gây nên tình trạng quá tải, đặc biệt vào giờ cao điểm.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoRea), Thành phố đang kêu gọi đầu tư các khu đô thị vệ tinh, nên khu vực Tây Bắc sẽ là điểm hội tụ mới của các sản phẩm bất động sản, bởi quỹ đất còn nhiều, các dự án ít, trong khi quỹ đất trong khu vực các quận trung tâm đã cạn. Tuy nhiên, chính vì hệ thống giao thông quá tải nên những nhà đầu tư ngại. “Nếu muốn khu Tây Bắc phát triển, TP.HCM cần đẩy nhanh giải quyết vấn đề quá tải giao thông”, ông Châu nói.
Được biết, từ đầu năm 2016, UBND TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng quá tải khu vực này. Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) cho biết, Thành phố đang triển khai nhiều dự án hạ tầng nhằm mở rộng, kết nối giao thông tại các cửa ngõ với nội đô. Đối với khu Tây Bắc, Dự án hầm chui An Sương với số vốn 514 tỷ đồng, kỳ vọng sẽ giải quyết ùn tắc ở khu vực nút giao An Sương; đồng thời, nâng cao năng lực lưu thông trên trục Quốc lộ 1A, Quốc lộ 22, đường Trường Chinh… qua nút giao này. Đồng thời, tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương (giai đoạn I) sẽ hoàn thành vào năm 2019. “Đây là một trong những dự án giao thông được kỳ vọng sẽ góp phần giảm tải cho cửa ngõ Tây Bắc, tạo thông thoáng đi vào các quận nội thành”, ông Cường cho biết.
Cũng theo ông Cường, đầu tháng 9/2016, Sở GTVT nhận được đề xuất của liên danh các nhà đầu tư gồm Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng); Công ty TNHH Dịch vụ, Thương mại, Sản xuất, Xây dựng Đông Mê kông và Công ty cổ phần Hạ tầng Đông Á về việc xây dựng đường trên cao xung quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Dự án sẽ xây đường trên cao chạy quanh sân bay Tân Sơn Nhất, với tổng chiều dài hơn 5 km, chiều rộng từ 7,5 - 12,5 mét.
Tất cả những dự án giao thông này nhằm giải quyết vấn nạn quá tải khu Tây Bắc. Tuy nhiên, dù phần lớn dự án đã được UBND TP.HCM chấp thuận chủ chương đầu tư xây dựng, nhưng vẫn chưa dự án nào chính thức được thực hiện.
Ngoài ra, ông Nguyễn Minh Hòa, một chuyên gia đô thị góp ý, để giải quyết vấn đề quá tải giao thông khu vực này, cần phải quy hoạch lại các cơ sở dịch vụ, trung tâm thương mại trải đều tại nhiều khu dân cư, hạn chế xây dựng nhiều khu thương mại, cơ sở dịch vụ tập trung tại một khu vực. Nếu như các khu vực Củ Chi, Bình Tân, Tân Phú có các rạp chiếu phim, trung tâm thương mại, bệnh viện chất lượng cao, sẽ giúp giảm thiểu việc người dân đổ vào khu vực trung tâm TP.HCM vào dịp cuối tuần.
Gia Huy / baodautu.vn