So với các nước trong khu vực, qui mô hệ thống tài chính Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn, năng lực cung ứng vốn còn hạn chế, đặc biệt còn phụ thuộc nhiều vào khu vực ngân hàng.
So với các nước trong khu vực, qui mô hệ thống tài chính Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn. (Nguồn ảnh minh họa: Internet)
Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) đã đưa ra nhận định như vậy trong Báo cáo tổng quan thị trường tài chính 2016. Theo NFSC, trong năm 2016, hệ thống tài chính đã thực hiện tốt chức năng cung ứng vốn cho nền kinh tế nhờ kinh tế vĩ mô ổn định, thanh khoản khu vực ngân hàng dồi dào và diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán (cổ phiếu và trái phiếu). Quá trình tái cơ cấu hệ thống tài chính từ cuối năm 2011 cũng góp phần lành mạnh hóa thị trường tài chính (giảm 10% số tổ chức tín dụng (TCTD) và 25% số công ty chứng khoán). Hoạt động của khu vực tài chính Việt Nam tiếp tục phát triển an toàn với mức đủ vốn bình quân của hệ thống cao hơn mức chuẩn an toàn và khả năng sinh lời của toàn hệ thống tăng nhẹ so với năm 2015.
Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, qui mô hệ thống tài chính Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn, năng lực cung ứng vốn còn hạn chế, đặc biệt còn phụ thuộc nhiều vào khu vực ngân hàng. Thị trường chứng khoán Việt Nam chưa hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài so với tiềm năng. Nợ xấu của các TCTD chưa được giải quyết triệt để, tập trung ở một số TCTD yếu kém, khiến cho mặt bằng lãi suất cho vay vẫn chưa giảm được như kỳ vọng dù được hỗ trợ tích cực từ các yếu tố kinh tế vĩ mô.
Quy mô hệ thống tài chính nhỏ hơn các nước trong khu vực
Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính của NFSC cho biết, tổng tài sản hệ thống tài chính năm 2016 ước tăng 13,5%; tổng vốn chủ sở hữu tăng 6,8% so với cuối năm 2015. Quy mô hệ thống tài chính Việt Nam vẫn nhỏ hơn các nước trong khu vực. Tổng tài sản hệ thống tài chính tương đương 187,6% GDP, thấp hơn nhiều so với số bình quân của nhóm 5 quốc gia hàng đầu ASEAN (318% GDP).
Mức đủ vốn bình quân của hệ thống tài chính theo báo cáo cao hơn mức chuẩn an toàn theo quy định, tuy nhiên trong hệ thống vẫn còn một số định chế tài chính có mức đủ vốn thấp hơn chuẩn an toàn mặc dù quy mô tài sản và hoạt động của các định chế này nhỏ.
Khả năng sinh lời của hệ thống tài chính được cải thiện. ROA bình quân đạt 0,58% (năm 2015: 0,49%), ROE bình quân đạt 7,57% (năm 2015: 5,98%).
Theo NFSC, quá trình tái cơ cấu hệ thống TCTD giai đoạn 2011-2015 và đến cuối năm 2016 đã tháo gỡ cơ bản các khó khăn của hệ thống: Tình trạng căng thẳng thanh khoản được kiểm soát, thanh khoản chung của toàn hệ thống ổn định; Phát hiện và khu biệt các TCTD yếu kém; Tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo dưới 3,0%, số nợ xấu được xử lý từ năm 2013 đến nay hơn 500 nghìn tỷ đồng (trong đó số nợ bán cho VAMC chiếm 41,6%, TCTD tự xử lý khoảng 58,4%); Sở hữu chéo, đầu tư chéo dần được kiểm soát; Các TCTD chú trọng hơn vào quản trị rủi ro và quản trị điều hành, các văn bản quy phạm pháp luật về chuẩn mực an toàn trong hoạt động của các TCTD được ban hành. Hầu hết các khó khăn của hệ thống TCTD trước năm 2011 về cơ bản đã được tháo gỡ.
Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu TCTD còn một số hạn chế: Xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD chưa triệt để, chủ yếu áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật. Theo đánh giá của NFSC, tỷ lệ nợ xấu cao hơn so với mức báo cáo. Trong số nợ xấu bán cho VAMC, chỉ mới xử lý được khoảng 38 nghìn tỷ đồng, tương đương 15% (qua bán tài sản bảo đảm và bán nợ: 14,5 nghìn tỷ đồng, ủy thác TCTD thu hồi nợ: 23,3 nghìn tỷ đồng). Bên cạnh đó, lãi dự thu bất hợp lý tập trung cao tại một số TCTD yếu kém và việc triển khai áp dụng tiêu chuẩn Basel II trên toàn hệ thống còn chậm so với lộ trình đặt ra.
Cấu trúc hệ thống tài chính chưa hợp lý
Cũng theo nội dung báo cáo, NFSC nhận định, nhìn chung, hệ thống tài chính đã đảm bảo tốt khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Trong năm 2016, hệ thống tài chính cung ứng khoảng 1 triệu 230 nghìn tỷ đồng cho nền kinh tế 27. Trong đó, khu vực ngân hàng cung ứng 68,1%; thị trường vốn cung ứng 31,9%. Tính đến cuối năm 2016, tổng nguồn vốn hệ thống tài chính cung ứng cho nền kinh tế tương đương 181,2%GDP.
NFSC cho rằng, khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế của hệ thống tài chính được đảm bảo trước hết do thanh khoản của khu vực ngân hàng khá dồi dào. Điều này làm tăng khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động trái phiếu Chính phủ đạt kế hoạch năm với lợi suất trái phiếu Chính phủ giảm và kỳ hạn trung bình tăng lên. Đồng thời, diễn biến tích cực của thị trường cổ phiếu và trái phiếu đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát hành trái phiếu Doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN. Huy động vốn thông qua đấu giá cổ phần cả năm tăng 43,1% so với cùng kỳ năm 2015.
“Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, năng lực cung ứng vốn của hệ thống tài chính Việt Nam còn hạn chế. Độ sâu tài chính của hệ thống tài chính Việt Nam chỉ đạt 181% GDP, thấp hơn so với các nước trong khu vực “– NFSC nhận định.
Bên cạnh đó, cơ cấu tài sản giữa các lĩnh vực trong hệ thống tài chính chưa hợp lý. Hệ thống các tổ chức tín dụng chiếm tới 96,2% tổng tài sản toàn hệ thống tài chính. Các doanh nghiệp bảo hiểm chiếm 2,8%; các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ chiếm 1%.
Cung ứng vốn cho nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng, vốn cung ứng từ thị trường chứng khoán còn khiêm tốn so với tiềm năng và các nước trong khu vực. Cho vay của ngân hàng chiếm hơn 60% tổng cung ứng vốn cho nền kinh tế, cao hơn các nước trong khu vực với tỷ trọng bình quân dưới 50%.
Thị trường chứng khoán ít nhận được phân bổ vốn từ các quỹ đầu tư lớn trên toàn cầu do Việt Nam chỉ được coi là thị trường chứng khoán cận biên, chưa đáp ứng hoàn toàn các tiêu chí xếp hạng thị trường chứng khoán mới nổi, trong đó có tiêu chí mức độ tự do trên thị trường ngoại hối. Hơn thế nữa, mức độ tự do hóa tài khoản vốn của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực như Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Singapore và khả năng chuyển đổi thấp của Đồng Việt Nam cũng ảnh hưởng đến việc thu hút dòng vốn nước ngoài vào thị trường chứng khoán và khả năng hội nhập tài chính khu vực ASEAN.
Cần phát triển thị trường tài chính Việt Nam bền vững Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017, diễn ra cuối tháng 12/2016, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho hay: Năm nay, cả mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay được quản lý ổn định góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức độ hợp lý. Thị trường ngoại tệ không biến động mạnh, đồng Việt Nam mất giá chỉ khoảng 1%, thanh khoản được đảm bảo… góp phần củng cố lòng tin vào đồng Việt Nam. Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng năm 2016 đạt khoảng 18,5% đảm bảo mục tiêu đề ra. Đặc biệt là tăng trưởng dàn đều trong các tháng, cơ cấu tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên… Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao thành công của ngành ngân hàng năm 2016. Để phát triển thị trường tài chính Việt Nam bền vững, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề: “Hiện nay chúng ta có 5 triệu tỷ đồng tín dụng của nền kinh tế, 2,3 triệu tỷ nợ công. Nếu mải chạy theo tăng trưởng tín dụng, cấp vốn đầu tư kể cả gọi vốn vào cho nền kinh tế, nếu không cẩn thận thì tiền của kẻ xấu cũng vào theo. Tốt nhất là giữ ổn định giá trị đồng Việt Nam ở mức tốt nhất, từ đó người ta đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn. Lãi suất hạ xuống ở mức độ nào là bài toán vô cùng hóc búa với Ngân hàng Nhà nước trong năm 2017. Nếu giảm được 0,5% thì nền kinh tế sẽ ra sao? Phải tính toán cái này”. Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng cho rằng, hiện cung ứng vốn cho nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng, vốn cung ứng từ thị trường chứng khoán còn khiêm tốn so với tiềm năng và các nước trong khu vực. Cho vay của ngân hàng chiếm hơn 60% tổng cung ứng vốn cho nền kinh tế, cao hơn các nước trong khu vực với tỷ trọng bình quân dưới 50%. Hệ thống các TCTD cũng còn tiếp tục đối mặt với thách thức kỳ hạn… |
Châu Huệ