Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có văn bản đồng ý về chủ trương sẽ giảm phí đường bộ, phí qua các trạm BOT đối với nhiều nhóm phương tiện.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết tại buổi họp báo Chính phủ diễn ra chiều hôm qua, 2/8.
Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, cả nước hiện đang có 86 trạm thu phí BOT do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, trong đó có 45 trạm đang thu phí, với 16 trạm thu theo mức Thông tư số 90/2004/TT-BTC và 29 trạm thu theo mức của Thông tư 159/2013/TT-BTC.
Trong 45 trạm nói trên có 5 trạm áp dụng mức thu cao nhất, gồm 2 trạm trên Quốc lộ 5, 2 trạm Quốc lộ 1 tại cầu Bến Thủy (tỉnh Nghệ An) và trạm Cầu Gianh (tỉnh Quảng Bình).
Ngày 16/5, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35, trong đó có nội dung giao 2 Bộ Tài chính và Giao thông vận tải phối hợp thực hiện điều chỉnh mức phí đường bộ BOT cho phù hợp hơn. Trên cơ sở thống nhất với Bộ GTVT, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng về phương án giảm phí BOT.
Theo đề xuất này, việc giảm phí được đề xuất mức 10-15% cho nhóm 4 (xe tải có tải trọng 10-18 tấn, xe container 20 feet), nhóm 5 (xe tải 18 tấn trở lên, xe container trên 40 feet) tại các trạm có mức thu tối đa khung tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC (mức thu cao nhất là 200.000 đồng/lượt). Đây là những loại xe phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời giảm 10-20% phí với nhóm xe dưới 12 chỗ và xe đến 30 chỗ ngồi là 45.000 đồng tại 5 trạm đã thu phí mức cao nhất. Công văn cũng nêu các trạm phải rà soát nguyên tắc cũng như trình tự thực hiện.
Với mức giảm đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Giao thông Vận tải rà soát các dự án BOT đã ký kết để đàm phán, thống nhất với các nhà đầu tư về việc điều chỉnh mức phí, lộ trình thực hiện đối với từng dự án BOT. Trên cơ sở đó đề nghị Bộ Tài chính kịp thời ban hành thông tư điều chỉnh mức phí phù hợp.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng không đồng ý điều chỉnh giảm mức thu với các trạm thu phí trên quốc lộ có mức thu theo Thông tư 90 vì mức thu các trạm này thấp.
Về lộ trình, lãnh đạo Chính phủ đề nghị không tăng phí trong năm 2016 với các trạm thu phí hoạt động trước năm 2014, không bổ sung dự án mới... Với các trạm hoạt động trước năm 2014, nhà đầu tư thực hiện đầu tư thêm dự án mới hoặc đầu tư mở rộng, kéo dài phạm vi dự án tại hợp đồng BOT đã cam kết mức thu phí cao hơn mức đang thu thì cho phép điều chỉnh mức thu.
Đối với trạm thu phí thuộc thẩm quyền Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành mức thu, Phó thủ tướng đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát không tăng phí trong năm 2016. Với dự án sắp hoàn thành, đưa vào sử dụng và thu phí thì tiếp tục ban hành thông tư quy định thu phí hoàn vốn dự án. Nếu mức thu phí theo hợp đồng BOT cao hơn mức thu được điều chỉnh thì Bộ Giao thông vận tải làm việc với nhà đầu tư điều chỉnh giảm phí.
Lãnh đạo Chính phủ cũng nêu rõ, về nguyên tắc, việc đầu tư, mức phí, thời gian thu phí của các dự án BOT phải thực hiện đúng quy định tại Nghị định 15/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, các quy định pháp luật về giá, phí; bảo đảm công khai, minh bạch, tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư, người dân và doanh nghiệp.
An Nhiên
Theo Trí Thức Trẻ