Đạt hơn 17.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng, vị trí quán quân của Vietcombank ngày càng vững chắc và cao hơn rất nhiều so với những ngân hàng phía sau, gấp đôi so với VietinBank, Techcombank.
Top 10 ngân hàng đạt lợi nhuận cao nhất hệ thống trong 9 tháng qua đã lộ rõ những cái tên: Vietcombank, AgriBank, Techcombank, VietinBank, MBBank, VPBank, BIDV, ACB, HDBank và VIB với những bất ngờ thú vị.
Đứng trên "đỉnh cao lợi nhuận" vẫn là "ông lớn" Vietcombank khi 9 tháng vừa qua, tổng huy động vốn của ngân hàng đạt 998.247 tỷ đồng, hoàn thành 101% kế hoạch quý 3/2019. Dư nợ tín dụng đạt 709.128 tỷ đồng, tăng 11,6% so với năm 2018, hoàn thành kế hoạch 9 tháng.
Theo đó, nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ đạt 17.250 tỷ đồng, tăng 51,9% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 85,4% kế hoạch năm 2019. Lợi nhuận hợp nhất đạt 17.592 tỷ đồng, tăng 50,6% so với cùng kỳ, đạt 85,8% kế hoạch năm 2019. Các chỉ số ROAA, ROAE đạt tương ứng là 1,65% và 25,75%, tăng mạnh so với năm 2018 và cao hơn mặt bằng chung.
Cùng với các ngân hàng hàng đầu trong khối ngân hàng thương mại Nhà nước, nhiều ngân hàng tư nhân cũng có sự bứt phá mạnh mẽ về lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 2019 (ảnh minh họa).
Đứng vị trí á quân là AgriBank với lợi nhuận trước thuế khoảng 9.700 tỷ đồng, hoàn thành 88% kế hoạch năm. Trong nhiều năm qua, ngân hàng này rất hiếm khi lọt vào top 5 lợi nhuận và nếu lọt cũng nằm cuối top. Tuy nhiên, trong năm nay, bước vào giai đoạn chuẩn bị cổ phần hóa, lợi nhuận của ngân hàng này đã tăng trưởng rất mạnh mẽ. Và chính sự bứt tốc trở lại của AgriBank đã đẩy Techcombank từ vị trí thứ 2 năm 2018 xuống vị trí thứ 3 trong 9 tháng đầu năm 2019.
Là ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, dữ liệu do Techcombank vừa công bố cho thấy ngân hàng này tiếp tục đến gần tới mục tiêu năm 2019, khi báo cáo doanh thu đạt 14,4 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 8,9 nghìn tỷ đồng. Ông Nguyễn Lê Quốc Anh - Tổng Giám đốc ngân hàng cho biết, quý 3/2019 là quý thứ 16 tăng trưởng doanh thu liên tiếp của Techcombank.
Dù "rớt" xuống vị trí thứ ba trong bảng lợi nhuận nhưng tính đến cuối quý 3/2019, nhưng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trên tổng huy động của ngân hàng Techcombank đạt mức 30%, cao hơn hẳn so với Vietcombank, MBBank.
Một bất ngờ khác trong bức tranh lợi nhuận ngân hàng 9 tháng qua là VietinBank. Trong bối cảnh tín dụng tăng chưa đến 4% trong 3 quý đầu năm, lợi nhuận trước thuế 9 tháng của ngân hàng này vẫn có tăng trưởng 11% so với cùng kỳ, đạt 8.456 tỷ đồng, hoàn thành 89% kế hoạch năm. Đây là kết quả của việc VietinBank đẩy mạnh mảng bán lẻ, tăng thu từ nguồn phi tín dụng. Trước đó, trong năm 2018, vị trí xếp hạng lợi nhuận của VietinBank chỉ đứng thứ 7, bị sụt giảm lợi nhuận do khoản lỗ hơn 800 tỷ trong quý 4/2018.
Top 5 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất trong 9 tháng đầu năm nay vừa gọi tên MBBank khi lợi nhuận 9 tháng của ngân hàng đạt 7.616 tỷ đồng, nhỉnh hơn so với mức 7.199 tỷ đồng của VPBank và 7.028 tỷ đồng của BIDV.
Dữ liệu do các ngân hàng vừa công bố cho thấy một bức tranh rất sáng về lợi nhuận ngân hàng năm 2019 tính đến thời điểm hiện nay. Cùng với các ngân hàng hàng đầu trong khối ngân hàng thương mại Nhà nước, nhiều ngân hàng tư nhân cũng có sự bứt phá mạnh mẽ.
Trong đó, lợi nhuận 9 tháng đầu năm của VPBank đạt gần 7.200 tỷ đồng trước thuế, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm 2018. ACB có lợi nhuận đạt 5.561 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. HDBank tăng trưởng hơn 50% so với cùng kỳ với lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng vượt 3.400 tỷ đồng. VIB có lợi nhuận 9 tháng đạt hơn 2.900 tỷ, tăng trưởng tín dụng tới 28%.
Bóc tách báo cáo tài chính cho thấy, lợi nhuận lớn của các ngân hàng này đến chủ yếu từ phân khúc lãi thuần. Ví dụ như tại Techcombank, thu nhập lãi thuần đạt 10,1 nghìn tỷ đồng tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái do tăng trưởng tín dụng mạnh và giảm chi phí cho vay từ đầu năm. Cùng với đó, chi phí dự phòng giảm 66% khi Techcombank tiếp tục hưởng lợi từ chất lượng tài sản lành mạnh.
Lợi nhuận tăng mạnh sau 3 quý đầu năm của VPBank cũng đến từ thu nhập lãi thuần đạt 22.428 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp hơn một nửa vào nguồn thu nhập lãi thuần của VPBank, đến từ công ty cho vay tiêu dùng FE Credit.
Hay như tại VIB, thu nhập lãi thuần đạt 4.536 tỷ, tăng 29%; hoạt động dịch vụ có lãi 1.276 tỷ, tăng 145%. Việc lãi từ dịch vụ tăng đột biến chủ yếu nhờ khoản thu phí hoa hồng bảo hiểm tăng 4,7 lần...
Theo An Hạ / Dân trí