Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 7/2016 ước đạt 2,64 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2016 đạt 17,8 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2015.
Xuất khẩu gạo giảm mạnh cả lượng và giá trị
Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 8,56 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2015; Giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 3,65 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2015; Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 3,98 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2015.
Hạt điều, tiêu, cà phê tiếp tục là các mặt hàng có sự gia tăng cả về khối lượng và giá trị. Theo đó, khối lượng hạt điều xuất khẩu tháng 7/2016 ước đạt 32 nghìn tấn với giá trị 251 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu hạt điều 7 tháng đầu năm 2016 đạt 189 nghìn tấn và 1,46 tỷ USD, tăng 2,5% về khối lượng và tăng 9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2016 đạt 7.694 USD/tấn, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 33,6%, 13,3% và 13,2% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều.
Đối với mặt hàng tiêu, khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 7/2016 ước đạt 15 nghìn tấn, với giá trị đạt 125 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 7 tháng đầu năm 2016 đạt 122 nghìn tấn và 988 triệu USD, tăng 26,1% về khối lượng và tăng 9,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Các thị trường có giá trị xuất khẩu tăng mạnh là Hoa Kỳ (19,2%), Đức (15,8%), Pakixtan (gấp 2,67 lần) và Philippines (gấp 3,4 lần).
Xuất khẩu mặt hàng cà phê 7 tháng đầu năm 2016 đạt 1,13 triệu tấn và 1,98 tỷ USD, tăng 38% về khối lượng và tăng 18% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2016 với thị phần lần lượt là 15,5% và 13%. Giá trị xuất khẩu cà phê trong 6 tháng đầu năm 2016 ở hầu hết các thị trường chính của Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ năm 2015, ngoại trừ thị trường Tây Ban Nha có giá trị giảm (10,3%) so với cùng kỳ năm 2015.
Riêng đối với mặt hàng gạo, sau nhiều tháng tăng trưởng, xuất khẩu gạo tháng 7/2016 giảm mạnh. Theo đó, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 7/2016 ước đạt 274 nghìn tấn với giá trị đạt 120 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm 2016 ước đạt 2,93 triệu tấn và 1,32 tỷ USD, giảm 18,4% về khối lượng và giảm 14,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2016 với 35,1% thị phần. Các thị trường có giá trị giảm mạnh là Philippines (54,3%), Malaysia (59,2%) và Singapore (34,6%).
Trong khi đó, đối với mặt hàng thủy sản tháng 7/2016 ước đạt 564 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 7 tháng đầu năm 2016 đạt 3,65 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2016, chiếm 53% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch nhập khẩu toàn ngành nông, lâm, thủy sản tháng 7/2016 ước đạt 2,09 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2016 đạt 13,31 tỷ USD, giảm 0,5% so với năm cùng kỳ năm 2015. Như vậy, tính chung 7 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp xuất siêu 4,49 tỷ USD.
Nguyễn Hạnh / baocongthuong.com.vn