Ảnh minh họa
Nhiều chuyên gia tại Hội thảo "Tìm kiếm nguồn vốn cho thị trường bất động sản 2016" tổ chức vào ngày 23.3 tại Hà Nội, nhận định rằng thị trường bất động sản (BĐS) 2016 sẽ có sự chuyển hướng đầu tư nhiều hơn vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá khoảng 1 tỉ đồng.
Thị trường BĐS vẫn còn tồn đọng nhiều hệ quả
Ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, thị trường BĐS những năm qua đã để lại nhiều hệ quả như hàng tồn kho BĐS lớn, nợ xấu đối với các khoản cho vay BĐS tăng, nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS báo lỗ, ngừng hoạt động, thậm chí giải thể.
Ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng)
Theo ông Phấn, đầu năm 2013, trước tình hình thị trường BĐS trầm lắng kéo dài, nợ xấu gia tăng, ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất và được Chính phủ chấp thuận ban hành một số giải pháp nhằm "tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia để sản phẩm của thị trường BĐS đến được với người dân, mà trọng tâm là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội".
Khi luật BĐS được thông qua vào cuối năm 2014, thị trường nói chung và BĐS nói riêng đã phục hồi trở lại và đang phát triển tích cực. Từ cuối năm 2013 đến nay, giao dịch BĐS, tồn kho, tín dụng đã có những chuyển biến tích cực.
Ông Phấn cho biết sự phục hồi của thị trường được thể hiện rõ nét thông qua số lượng giao dịch tăng lên, lượng hàng tồn kho giảm mạnh và dư nợ tín dụng ngày càng tăng. Nhiều doanh nghiệp và người dân lại bắt đầu chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực BĐS. Điển hình như lượng giao dịch trong năm 2015 có mức tăng trưởng khá so với những năm trước, tăng gần gấp đôi so với năm 2014, không chỉ ở phân khúc nhà ở trung bình và thấp, mà còn ở cả phân khúc căn hộ trung - cao cấp, đất nền, nhà ở riêng lẻ và phân khúc văn phòng, dịch vụ.
Đối với dư nợ tín dụng trong lĩnh vực BĐS liên tục tăng từ năm 2014 đến nay. Tính đến 31.12.2015, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực BĐS đạt 392.801 tỉ đồng, tăng 25,68% so với thời điểm 31.12.2014 và tăng 4,8% so với thời điểm 30.11.2015.
Triển vọng nào thị trường BĐS 2016?
Đánh giá về triển vọng thị trường BĐS năm 2016, ông Phấn cho rằng thị trường sẽ có những chuyển biến tích cực, tiếp tục tăng trưởng và có sự chuyển hướng đầu tư nhiều hơn vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có quy mô vừa và nhỏ, giá bán trung bình khoảng trên dưới 1 tỉ đồng.
Lượng hàng tồn kho tiếp tục giảm, tuy nhiên tốc độ giảm sẽ chậm hơn trước. Xu hướng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp kinh doanh BĐS, chuyển nhượng các dự án BĐS tiếp tục tăng. Nhiều dự án trước kia phải tạm dừng sẽ được khởi động trở lại, nhiều dự án mới có vị trí tốt sẽ được khởi công.
Để thị trường BĐS phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới, lãnh đạo Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS đưa ra một số giải pháp cần tập trung như: tiếp tục hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng; phát triển đô thị và phát triển nhà ở, thị trường BĐS (ban hành đồng bộ các văn bản hướng dẫn các Luật); tập trung tuyên truyền, phổ biến, tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh BĐS 2014.
Đặc biệt, ông Phấn nhận định cần tiếp tục tập trung triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7.1.2013 và Nghị quyết số 61/NQ-CP ngày 21.8.2014 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu... Các địa phương cần tiếp tục rà soát, cắt giảm và công khai thủ tục hành chính liên quan đến phát triển dự án, điều chỉnh dự án, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà... để doanh nghiệp và người dân biết; thực hiện, tập trung rà soát dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới theo Chỉ thị số 2196/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và quyết liệt trong việc thu hồi các dự án vi phạm pháp luật, các dự án không phù hợp, không có tính khả thi. Các ngân hàng cần tiếp tục kiểm soát cho vay lĩnh vực BĐS một cách hợp lý, phù hợp để đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả nguồn vốn cho vay.
Nhận định về khía cạnh trên, PGS.TS Hoàng Văn Cường cho biết, trong những năm tới, thị trường tiếp tục tăng trưởng để giải phóng tồn kho BĐS, nhưng không có khả năng tạo cơn sốt. Cung BĐS tiếp tục tăng nhanh, dư cung cục bộ có thể xuất hiện nhưng thị trường sẽ tự điều chỉnh nên khó xuất hiện “bong bóng”. Vốn tín dụng đầu tư cho các chủ dự án sẽ mang lại tác động phát triển cao hơn và an toàn thị trường hơn là dành cho cá nhân khách hàng mua sản phẩm của dự án.
"Việc triển khai các dự án mới ở các vùng phát triển và lân cận sẽ tiếp tục gặp khó khăn về nguồn vốn dài hạn. Cung các sản phẩm trung, cao cấp ở các vùng phát triển và lân cận sẽ tiếp tục dồi dào trong trung hạn nhưng có nguy cơ khan hiếm trong dài hạn. Các nhà đầu tư có tiềm lực đầu tư dài hạn có cơ hội lựa chọn tốt trong giai đoạn 2016 - 2018 sẽ đón trước các cơ hội thị trường giai đoạn 2021 - 2023", ông Cường cho hay.
Ông Cường cũng đánh giá rằng, thị trường BĐS năm 2016 sẽ tập trung nhiều hơn vào phân khúc nhà ở khoảng 1 tỉ với quy mô nhỏ để đáp ứng với "túi tiền" của nhiều người dân.
TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI), nhận định năm 2006 đầu tư nước ngoài sẽ còn bùng nổ vào thị trường BĐS Việt Nam, đầu tư nước ngoài tăng nhưng thận trọng, vững bền hơn, có nền tảng kinh tế tốt hơn.
Về giải pháp triển khai thực hiện để thị trường BĐS phát triển ổn định, bền vững hơn trong thời gian tới, ông Nghĩa cho rằng các biện pháp thắt chặt cần được đưa ra và đặc biệt cần kiểm soát thị trường BĐS chặt chẽ hơn.
Tuyết Nhung / motthegioi.vn