Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa diêm dân Bạc Liêu sẽ vào vụ mới, nhưng tại nơi được mệnh danh là “rốn muối” của ĐBSCL vẫn còn tồn hơn 94.000 tấn muối ngoài ruộng.
Tỉnh Bạc Liêu có khoảng 2.500 ha đa đất làm muối, tập trung chủ yếu ở huyện Đông Hải với diện tích hơn 1.900 ha. Phần diện tích còn lại nằm ven biển huyện Hòa Bình và TP Bạc Liêu.
Chúng tôi về thăm lại vùng làm muối tập trung tại huyện Đông Hải, bầu không không khí ảm đảm vẫn bao trùm.
Năm nay nắng tốt, thời gian mùa vụ kéo dài bà con trúng đậm sản lượng. Mọi năm năng suất chỉ đạt hơn 40 tấn/ha, thì vụ muối 2015 – 2016 đạt khoảng 60 tấn/ha. Tuy nhiên, giá muối có lúc chỉ còn 300 đồng/kg, người làm muối giỏi hòa vốn, người nào thuê nhân công, chắc chắn lỗ.
Hàng chục hộ dân làm muối tại ấp Long Hà, Bờ Cảng, Gò Cát (xã Điền Hải) hiện nay vẫn chưa thể bán được muối. Về địa bàn các ấp này, mọi người có thể dễ dàng nhận ra hàng loạt chòi muối cao khoảng 2m, được che bằng mái lá dừa, nối đuôi nhau nằm ngổn ngang ngoài ruộng đồng. Số lượng muối trên được UBND xã Điền Hải ước tính còn tồn hơn 20.000 tấn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân muối ế là do bà con gần như hầu hết đều làm muối đen truyền thống. Vài năm trước mặt hàng muối đen còn được các hãng sản suất nước đá, các tàu biển sử dụng. Trong mùa nước nổi, bà con vùng Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười cũng góp phần tiêu thụ một lượng lớn muối đen cho bà con. Tuy nhiên, năm nay lũ không về, các tàu cá, hãng nước cũng đã chuyển qua sử dụng toàn bộ muối trắng.
Ngay cả đợt thu mua tạm trữ muối vừa qua, Bạc Liêu thực hiện theo chỉ đạo và cũng chỉ tạm trữ muối trắng. Trong khi, diện tích muối trải bạt của tỉnh chỉ hơn 100 ha. Vậy là hàng ngàn diêm dân sản xuất trên diện tích hơn 2.000 ha muối đen điêu đứng. Hàng chục ngàn tấn muối của bà con nơi đây đóng đinh tại chỗ.
Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu: Giảm diện tích muối có lộ trình Chúng tôi đưa ra lộ trình tới năm 2030, diện tích muối của tỉnh giảm chỉ còn 1.500/2.500 ha đất làm muối như hiện nay. Năm nay, Bạc Liêu chỉ còn 2.300 ha muối (giảm được khoảng 200 ha), phần đã giảm được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản. Chúng ta phải tôn trọng quyền lựa chọn của người dân, bà con muốn làm muối cứ tiếp tục, những ai muốn chuyển đổi chúng tôi có những mô hình phù hợp để người dân phát triển kinh tế. Ông Bùi Minh Túy, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải: Nuôi thử nghiệm Artemia Với vị trí địa lý sát biển, độ mặn vào mùa khô rất cao, vùng đất của chúng tôi đặc biệt thích hợp làm muối. Ngoài ra, có thể phát triển nuôi tôm quảng canh hoặc nuôi công nghiệp. Gần đây, theo đánh giá của giới chuyên môn, Artemia có thể phát triển tại địa phương. Trong vụ muối 2016 – 2017, chúng tôi chuyển khoảng 60 ha đất làm muối của bà con thử nghiệm nuôi Artemia. Nếu hiệu quả, sẽ là hướng đi mới cho diêm dân. Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ nhiệm HTX Diêm nghiệp Doanh Điền (ấp Doanh Điền, xã Điền Hải): Làm muối trắng sống được Để làm muối trắng, bà con chỉ cần đầu tư thêm khoảng 50 triệu đồng tiền bạt lót cho mỗi hecta. Trong khi, năng suất muối trải bạt đạt trên 100 tấn/ha, muối đen chỉ khoảng 60 tấn/ha. Hiện tại, giá muối trắng khoảng 680 đồng/kg, muối đen giá 330 đồng/kg. Vụ đầu làm muối trắng trải bạt, bà con thu 70 triệu đồng/vụ, huề vốn. Người làm muối đen thu 20 triệu đồng/ha/vụ, cũng huề vốn. Nhưng cái bạt làm muối trắng có thể làm từ 3 – 5 năm, mỗi vụ sau người dân có lãi 50 triệu đồng/ha. Diêm dân sống được nếu làm muối trắng. Diêm dân Nguyễn Văn Khởi (ấp Long Hà, xã Điền Hải): Muốn chuyển đổi nhưng chẳng biết làm gì Gia đình tôi có 1,2 ha đất làm muối, vụ vừa qua thuê 2 người làm hết 32 triệu đồng tiền công. Tổng thu vụ muối được khoảng 1,7 ngàn giạ muối (mỗi giạ 30 kg). Giá muối hiện tại 10.000 đồng/giạ. Bán hết số muối trên vẫn chưa đủ trả tiền công người làm. Làm muối kiểu này càng làm càng chết, tôi muốn chuyển đổi để nuôi tôm nhưng không có vốn. Vả lại, ở đây chưa có điện muốn nuôi tôm công nghiệp cũng không được. Bây giờ cứ làm muối thôi chứ chẳng biết làm gì! |
Theo Trần Hiếu
Nông nghiệp Việt Nam