Trung Quốc - thị trường khổng lồ của nông sản Việt đang đóng cửa vì dịch bệnh khiến ngành nông nghiệp Việt với hàng triệu nông dân chịu tổn thất lớn. Nhóm DN xuất khẩu nông sản bị tê liệt, nông dân thiệt hại lớn.
Doanh nghiệp hủy mua, nông dân phá vườn
Tại Hội nghị thúc đẩy thương mại và phát triển sản xuất nông sản trước tác động của dịch bệnh corona vào chiều 3/2, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 8,47 tỷ USD.
Song, với diễn biến phức tạp, khó lường của bệnh viêm phổi do virus corona gây ra và những động thái của Chính phủ Trung Quốc trong việc hạn chế giao dịch hàng hoá ở các cửa khẩu để phòng ngừa dịch bệnh, ông Nam dự báo sẽ tác động tiêu cực đến thương mại nông lâm thủy sản hai nước.
Như thanh long và dưa hấu là những mặt hàng trái cây xuất khẩu tươi đang bước vào vụ thu hoạch với sản lượng cực kỳ lớn, song, tình trạng ùn tắc, dư cung cục bộ đang diễn ra.
Tương tự, trong quý 1/2020, nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc đã thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tạm dừng việc giao hàng cho đến hết ngày 9/2 hoặc đến khi có thông tin bình thường hóa các hoạt động trở lại từ Chính phủ Trung Quốc.
Thanh long không xuất khẩu được sang Trung Quốc, giá giảm mạnh còn 4.000 đồng/kg
Ông Phạm Văn Cảnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - thừa nhận 75% sản lượng thanh long của tỉnh này xuất sang Trung Quốc, nhưng hiện không thể đi hàng do ảnh hưởng từ dịch bệnh corona.
Từ tháng 1 đến nay, doanh nghiệp Hồng Thái Dương của Trung Quốc đặt cọc 300 container với giá mua 40.000-50.000 đồng/kg nhưng đã ngưng không mua, hứa hỗ trợ cho nông dân 4.000 đồng/kg. Ngoài ra, doanh nghiệp Phú Quý hủy 200 container, nhưng phát giá mua 5.000 đồng/kg. Một số công ty cũng đặt cọc giống như vậy giờ trả nông dân 5.000 đồng/kg.
Do tiêu thụ khó khăn, bà con nông dân quyết định chặt bỏ cây dù trái thanh long gần chín. Việc này dẫn đến thiệt hại rất lớn.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, dịch viêm phổi do virus corona gây ra ngay lập tức đã tác động mạnh đến giá nhiều loại nông sản; trong đó, nhóm doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đi Trung Quốc đã bị tê liệt. Các thương lái đã đặt cọc mua để xuất khẩu sang Trung Quốc phục vụ Rằm tháng Giêng cũng bỏ luôn do giá xuống quá thấp, kéo theo nông dân thiệt hại nặng nề.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam, cho biết, tác động hủy đơn hàng với mặt hàng thủy sản do dịch cúm do virus corona chưa có, nhưng có tình trạng chậm đơn hàng, điều chỉnh đơn hàng. Một số hãng tàu biển lớn ngưng nhận các container hàng chở đi Trung Quốc. Các khách hàng lớn ở Nhật Bản cũng đề nghị không đưa hàng qua Trung Quốc. Đối với EU, Mỹ, đầu năm họ sang đánh giá nhà máy, thăm nhà máy nhưng hiện nay ngưng hết.
Những doanh nghiệp có hàng xuất sang Trung Quốc sản lượng lớn đang tồn kho, chi phí tồn kho lớn, khoảng 0,9-1,1 USD/pallet, ông Nam thông tin.
Không đưa hàng lên cửa khẩu thời điểm này
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng cho biết, trước Tết Nguyên đán, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn diễn ra bình thường. Đến 28 Tết, tại các cửa khẩu của Lạng Sơn đã xuất toàn bộ hàng, không còn xe nào tồn đọng.
Tuy nhiên, từ mùng 1 Tết Canh Tý, dịch bệnh bùng phát, Trung Quốc đóng 9 cặp chợ biên giới từ 31/1 đến 8/2, nếu dịch tiếp diễn phức tạp sẽ kéo dài thời gian đóng chợ nên xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc gặp khó. Hiện vẫn còn 333 xe chở nông sản đang chờ thông quan, trong đó có 190 xe thanh long (tương đương trên 5.300 tấn). Điều đáng nói là, hàng thanh long vẫn đang tiếp tục được đưa lên các cửa khẩu.
“Chúng tôi khuyến cáo doanh nghiệp, hiệp hội hạn chế đưa xe lên Lạng Sơn thời điểm này, tìm giải pháp tiêu thụ nội địa, bởi đưa lên cũng nằm chờ, tốn chi phí mà nông sản còn bị hỏng”, ông khuyến cáo. Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các bến bãi chỉ thu phí ban đầu, những ngày còn lại không được phép thu bởi bà con đang rất vất vả.
Dưa hấu chất đống trên vỉa hè bán giá rẻ như cho, nông dân lỗ nặng
Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Phương, lãnh đạo một hệ thống siêu thị lớn, đã cam kết hỗ trợ tiêu thụ trong phạm vi tối đa với nông dân. Đồng thời, phía siêu thị cũng nhận được đề nghị của Sở NN-PTNT các tỉnh hỗ trợ tiêu thụ thanh long, dưa hấu.
Bà Phương kiến nghị Bộ NN-PTNT cung cấp danh sách nông sản đang tồn đọng để có chương trình, ngân sách thu mua hợp lý, thúc đẩy tiêu thụ nông sản tối đa cho bà con.
Song, bà cũng cho rằng các HTX, nông dân nên quay về thị trường nội địa và nghiêm túc với thị trường này. Có một thực tế là, nhiều HTX khi giá xuất khẩu lên thích bán sang Trung Quốc cho nhanh mà không muốn bán cho siêu thị vì hàng vào siêu thị phải qua nhiều khâu đàm phán, nhiều tiêu chuẩn. Nhưng nếu cứ giữ cách làm này thì khi xuất khẩu khó cũng không còn đường vào siêu thị, vì vậy cần tập trung cho thị trường trong nước với 100 triệu dân.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, bệnh viêm phổi do virus corona gây ra tác động tới nền kinh tế toàn cầu và dự báo một tương lai ảm đạm.
Với Việt Nam, Trung Quốc là thị trường khổng lồ, do đó, nông nghiệp Việt sẽ chịu tổn thương lớn nhất.
Bộ trưởng Cường cho rằng, không có virus corona thì sẽ có dịch bệnh khác. Bởi trong điều kiện biến đổi khí hậu, thời tiết dị thường thì điều gì cũng có thể xảy ra. Do đó, cần chuẩn bị tinh thần để ứng phó chủ động. Phải biến thách thức thành thời cơ. Đừng thấy nguy cơ cháy mà ngồi khóc, chúng ta phải bàn giải pháp xây chợ mới. Không bán chợ này thì bán chợ khác.
“Chúng tôi mong muốn người dân đồng hành, thông tin chia sẻ và cùng ứng phó cả trước mắt và lâu dài. Thời gian tới, bà con và các doanh nghiệp cần sản xuất có trách nhiệm và tìm ra nhiều cơ hội, giải pháp như tăng cường trữ kho lạnh, tăng chế biến,... và coi đó là áp lực để tái cơ cấu, mở cửa thị trường”, ông nói.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các tỉnh, hiệp hội rà soát các ngành hàng, trước hết là chùm nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc. Như ở Long An, nông dân không kích thích ra hoa trái vụ. Với 100/150 cơ sở trên địa bàn có kho đông lạnh phải cân đối, tập trung dự trữ, tăng chế biến và đưa ra các giải pháp để tiêu thụ 30.000 tấn/tháng.
Riêng nhóm dưa hấu, Bộ trưởng chỉ đạo bà con nông dân và các địa phương hạn chế xuống giống, chuyển qua đậu tương, ngô, rau...
Quan trọng nhất, các địa phương cần khuyến khích nông dân sản xuất theo chuỗi, có liên kết. Như Sơn La thành lập rất nhiều HTX nên hầu như không có tình trạng giải cứu. Nếu không làm theo chuỗi, không tái cơ cấu, không khóc vì con virus corona thì cũng có thể lao đao vì những dịch bệnh, biến động khác, Bộ trưởng cho hay.
Theo Tâm An / vietnamnet.vn