Người dân Bến Tre làm nông từ cây dừa nhưng sống bằng nghề khác như đi nơi khác để lao động, đi làm công nhân, bởi 5.000m² đất cho thu nhập từ dừa không bằng một lao động làm trong khu công nghiệp.
Ngày 15/3, tại Sở Công Thương, ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các sở, ban ngành cùng họp bàn về chương trình phát triển ngành dừa của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020.
Làm thế nào nâng cao thu nhập cho người trồng dừa, để người nông dân không bỏ cây dừa là vấn đề được quan tâm.
Người dân trồng dừa nhưng không sống bằng dừa
Người dân Bến Tre làm nông từ cây dừa nhưng sống bằng nghề khác như đi nơi khác để lao động, đi làm công nhân. 5.000m² đất cho thu nhập từ dừa không bằng một lao động làm trong khu công nghiệp.
"Giá trị lợi nhuận cây dừa đem lại không cao bằng những loại cây khác. Ví dụ, giá trị của cây dừa đem lại lợi nhuận khoảng 59 triệu đồng/ha/năm, trong khi cùng đơn vị diện tích thì lợi nhuận từ bưởi da xanh là 600 triệu đồng/năm, lợi nhuận từ chôm chôm là 360 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận từ xoài và nhãn cũng khoảng 270 triệu đồng/ha/năm,” ông Trương Mịnh Nhựt, Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre cho biết.
Ông Nguyễn Quốc Bảo, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre nêu ví dụ thực tế, gia đình ông trồng khoảng 20 cây bưởi da xanh, năm 2016 thu lãi khoảng 85 triệu đồng.
Trong khi đó, trước kia với 10.000m² trồng dừa, ông chỉ thu lợi nhuận được khoảng 65 triệu đồng/năm. Với giá bưởi lúc nào cũng cao, còn giá dừa thì không ổn định nên khả năng người dân Bến Tre bỏ dừa trồng bưởi rất cao.
Tổng diện tích dừa của tỉnh Bến Tre năm 2016 trên 70.000ha, tăng gần 2.000ha so với năm 2015. Tuy nhiên, toàn tỉnh Bến Tre chỉ có khoảng 30 tổ liên kết sản xuất dừa. Và chỉ có 500ha dừa được Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu dừa Bến Tre, Công ty Chế biến dừa Lương Quới bao tiêu sản phẩm.
Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm (giá cả hợp đồng, phương thức sản xuất…) vẫn còn gặp khó khăn giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp.
Dẫn đến người dân gặp khó khăn trong sản xuất, doanh nghiệp thì gặp khó trong tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào.
Năm 2016, sản lượng dừa tỉnh Bến Tre đạt gần 600 triệu trái/năm, tăng trên 5% so với năm 2015. Tuy nhiên, giá dừa lại không ổn định, phụ thuộc vào thị trường, bình quân giá bán mỗi trái dừa (dừa khô và dừa uống nước) khoảng 6.000 đồng.
Ông Phạm Văn Trí, huyện Châu Thành cho biết vào thời điểm nắng nóng, giá dừa uống nước tăng cao, có lúc lên đến 140.000 đồng/chục (12 trái), nhưng những tháng cuối năm giá sụt giảm chỉ còn khoảng 40.000-50.000 đồng/chục. Sản phẩm dừa khô thì cũng bấp bênh, lệ thuộc vào giá thương lái thu mua đưa ra.
“Lợi nhuận 50 triệu/ha/năm liệu trong thời gian tới cây dừa có tồn tại được không? Nếu lúc nào đó trồng hoặc nuôi cây/con gì đem lại thu nhập 500 triệu/ha/năm liệu cây dừa có còn ở đất Bến Tre?” Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre Trương Duy Hải trăn trở.
Trồng xen, nuôi xen trong vườn dừa
Ông Huỳnh Quang Đức, Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Bến Tre cho rằng trong điều kiện Bến Tre bị tác động bởi biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn thì cây dừa vẫn là cây trồng được lựa chọn hàng đầu.
Vì hiện nay chỉ có cây dừa mới có khả năng chịu mặn cao, còn cây bưởi và các loại cây khác chỉ có thể trồng ở những diện tích đất ngọt.
Tuy nhiên, để người dân sống được với cây dừa thì nên thay đổi phương thức canh tác. Người dân không chỉ trồng dừa mà nên trồng xen, nuôi xen các loại cây, con khác trên cùng diện tích trồng dừa để tăng thêm giá trị thu nhập.
Ví dụ như nuôi tôm càng xanh trong mương vườn dừa, nuôi ong lấy mật, nuôi gà thả vườn hoặc trồng xen kiểng lá, cây cacao. Và xen canh để hiệu quả tối đa trên cùng diện tích thì không nên trồng nhiều loại cây không cho thu nhập cao: trồng chuối, cỏ…
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo khẳng định cây dừa là cây không thể bỏ được ở Bến Tre. Cây dừa không chỉ là cây trồng truyền thống gắn liền với Bến Tre mà còn là cây chịu được hạn mặn. Và với 70.000ha thì dừa còn là lá phổi lớn của tỉnh và của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Người dân trồng dừa nhưng không sống bằng dừa nên không đầu tư thâm canh phát triển, bỏ phế. Vì thế, các ngành, các cấp cần phải làm cho tầm nhìn của người trồng dừa thay đổi, kể cả về kỹ thuật, tổ chức quản lý.
Nên chăng đến lúc những hộ có ít đất cho thuê để những hộ có điều kiện đầu tư, tăng năng suất cây dừa.
Ông Bí thư Tỉnh ủy cho rằng thách thức đối với người nông dân không chỉ là biến đổi khí hậu mà còn biến động của giá cả thị trường. Vì vậy, doanh nghiệp cũng nên có trách nhiệm với người trồng dừa. Tìm cách hỗ trợ, giúp đỡ tạo mối liên kết tổ chức sản xuất, phương thức sản xuất… để người dân không quay lưng với cây dừa.
Hiện nay, công suất chế biến đã vượt xa sản lượng dừa khô thu hoạch của tỉnh, hoạt động chế biến dừa của tỉnh tiêu thụ lượng dừa trái khô khá lớn, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản tiêu thụ hết lượng dừa khô của tỉnh và huy động từ các tỉnh khác.
Năm 2016, các doanh nghiệp đã đưa vào chế biến khoảng gần 500 triệu trái, tương đương trên 98% sản lượng dừa khô trái của tỉnh.
Tuy giá trị tăng thêm của trái dừa rất cao, nhưng người nông dân trồng dừa - chủ thể của trái dừa không được hưởng bao nhiêu. Dừa xuất khẩu thô còn nhiều, lệ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc.
Muốn phát triển ngành dừa phải có doanh nghiệp dẫn đầu và có hệ thống các doanh nghiệp vệ tinh (thu mua, sơ chế, vận chuyển) tồn tại trên cơ sở gắn với vùng nguyên liệu đạt chuẩn được đầu tư vốn, giống, hệ thống canh tác… để có năng suất./.
Theo Trần Thị Thu Hiền
Vietnam+