Với mục tiêu đưa du lịch Bến Tre trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, góp phần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam đến năm 2020, ngoài những loại hình du lịch như du lịch về nguồn, du lịch vui chơi giải trí, du lịch biển, du lịch trải nghiệm homestay, Bến Tre đang tập trung nhiều hơn trong phát triển loại hình du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn mang nét đặc thù riêng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại miền Tây Nam bộ để tạo thương hiệu cho Bến Tre, nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư du lịch đến với quê hương ba dải cù lao xứ dừa.
Du khách tham gia loại hình du lịch homestay và trải nghiệm du lịch bằng xe đạp trên đường làng tại Bến Tre. (Ảnh: L.Luông)
Sự nỗ lực
Tỉnh ưu tiên đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư đến với Bến Tre. Khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư xây dựng các khu du lịch, điểm du lịch có quy mô lớn để thúc đẩy du lịch địa phương phát triển.
Hiện tại ngoài việc thông tin, quảng bá, xúc tiến du lịch đến những thị trường trọng điểm trên toàn quốc và nhiều quốc gia nhằm tạo sự hiểu biết về văn hóa du lịch Bến Tre thì việc xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực du lịch của nhiều dự án lớn được tỉnh phê duyệt cũng là việc song hành.
Ngoài ra, tỉnh còn quan tâm đến cơ chế khen thưởng cho các đơn vị kinh doanh du lịch, đơn vị lữ hành đưa khách về Bến Tre; tạo mối liên kết phát triển vùng ĐBSCL.
Ngoài những khu, điểm du lịch đã hoạt động, tỉnh đang quan tâm vào các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng (CSHT) đã đưa vào sử dụng và tiếp tục đầu tư như: Dự án CSHT Du lịch cồn Ốc - Hưng Phong; Dự án CSHT phục vụ du lịch các xã ven sông Tiền. Dự án CSHT phục vụ du lịch cồn Bửng, xã Thạnh Hải.
Các dự án Đầu tư phát triển cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh du lịch vừa hoạt động kinh doanh vừa tiếp tục đầu tư như: Khu du lịch Forever Green Resort; điểm Du lịch Phú An Khang; Nhà hàng nổi Bến Tre; Khách sạn Dừa 4 sao.
Tiếp tục các dự án đang triển khai chưa hoàn thành: Điểm du lịch sinh thái Vườn chim Vàm Hồ; khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Mekong Pearl; dự án Mekong Resort của Công ty CP Đầu tư Du lịch MêKông; dự án Bến tàu khách du lịch Rạch Miễu - Bến Tre đang tiến hành các thủ tục, hợp tác đầu tư.
Khách nước ngoài trải nghiệm trong vườn dừa. (Ảnh: L.Luông)
Ngành du lịch chuẩn bị triển khai đề án Phát triển Thương mại – Du lịch – Dịch vụ giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025 theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre. Tập trung gìn giữ và phát triển các làng nghề truyền thống để tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh nhằm phục vụ khách du lịch như làng nghề hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa; làng nghề khai thác dừa; làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc; làng nghề sản xuất kẹo dừa; làng nghề sản xuất hoa kiểng, cây giống.
Phát huy hiệu quả
Bến Tre sở hữu 33.000 ha vườn cây ăn trái, 67.000 ha vườn dừa, sông rạch chằng chịt, môi trường sinh thái còn nét nguyên sơ, không khí trong lành, con người thân thiện, điều kiện đi lại thuận lợi, có cơ sở hạ tầng du lịch đảm bảo phục vụ nhu cầu của khách, bảo đảm an ninh, an toàn tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đa dạng các loại hình du lịch, nhất là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Với lợi thế đó du lịch Bến Tre luôn phát triển với tốc độ nhanh, lượng khách du lịch tăng bình quân 13% năm so cùng kỳ, đặc biệt trong đó có trên 42% là khách quốc tế. Nguồn thu từ khách đến Bến Tre tăng bình quân 23%/năm so cùng kỳ. Với xuất phát điểm du lịch thấp, nhưng trên đà phát triển hiện nay, Bến Tre đã và đang được các nhà đầu tư đến đầu tư các khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú với quy mô khá và hiện đại; mỗi năm đều có sản phẩm du lịch mới ra đời. Cơ sở lưu trú cho du khách từ nhà nghỉ đạt chuẩn, khách sạn 1 sao đến 4 sao đã đáp ứng cho trên 2.000 khách lưu lại từ khách hạng trung bình đến cao cấp. Hướng tới, Bến tre cũng kêu gọi đầu tư những Resort, khách sạn tầm 5 sao để đáp ứng cho du khách ngày càng cao hơn.
Những nét riêng cơ bản
Du khách quốc tế lựa mua hàng lưu niệm từ dừa tại Bến Tre. (Ảnh: L.Luông)
Thật ra mà nói, miền Tây Nam bộ là vùng ĐBSCL gồm 13 tỉnh, thành được mang danh là vùng sông nước. Tuy nhiên để đại diện cho vùng sông nước nầy thì Tổng cục Du lịch đã chọn ra 5 tỉnh, thành tiêu biểu là: Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre và Tiền Giang. Nhưng nếu nói 5 địa phương nầy như nhau mà chưa lần trải nghiệm thì chưa thấy được sự khác biệt.
Với những nét nhỏ như: kênh, rạch thì đã khác rồi; có tỉnh thì kênh tự nhiên, ngoằn ngoèo, có tỉnh thì toàn là kênh đào thẳng tăm tắp từ vài chục kilômét trở lên mà không có kênh tự nhiên; có địa phương sử dụng phương tiện thủy là xuồng chèo, có địa phương sử dụng vỏ lãi mà không thể đổi cho nhau được do đặc thù, vỏ lãi thì không thể quanh co uốn khúc được. Riêng xuồng chèo thì Bến Tre chỉ 1 chèo, Vĩnh Long thì 2 chèo, Tiền Giang thì không chèo mà bơi bằng mái dầm, dù là tỉnh lân cận nhưng những chuyện nhỏ đó đã thể hiện nét văn hóa riêng cho từng địa phương. Ngoài ra, khi trải nghiệm chúng ta sẽ thấy nét riêng của từng nơi rõ nét hơn từ trong ẩm thực đến cách sinh hoạt hàng ngày.
Bến Tre đang liên kết phát triển du lịch cụm duyên hải phía đông ĐBSCL gồm 5 tỉnh (Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long và Trà Vinh) để mở rộng tour, tuyến du lịch khu vực nhằm tạo phong phú sản phẩm du lịch của cụm, để thu hút du khách quan tâm đến với vùng ĐBSCL mà không trùng lắp theo quan điểm của dư luận đặt ra. Tỉnh Bến tre là quê hương của dừa, bao phủ bởi màu xanh của dừa trên khắp tỉnh, với trên 1/3 diện tích dừa của cả nước, cho nên đã tạo sự khác biệt rõ nét của du lịch sinh thái sông nước miệt vườn xứ dừa.
Đến với cụm liên kết năm tỉnh, du khách muốn tìm hiểu văn hóa Khơme thì đến tỉnh Trà Vinh; thưởng thức bưởi da xanh nổi tiếng của Bến Tre; thưởng thức bưởi năm roi thơm ngon, nhiều nước thì ghé Vĩnh Long; tham quan chợ nổi thì về Tiền Giang; tìm hiểu đất nước Việt Nam thu nhỏ thì đến HappyLand - Long An. Tất cả đã dựng lên một bức tranh phong phú và khác biệc trong khu vực.
Theo bentre.gov.vn