Đang yên đang lành, đột nhiên người bệnh gặp triệu chứng như bị “bóp cổ” lúc nửa đêm, khó thở khi quét nhà, ho sặc sụa khi đi bộ nhanh… khiến cuộc sống bị đảo lộn.
Nửa đêm hét toáng vì “bị ai đó bóp cổ”
Cách đây hai năm, em P.V.T. (11 tuổi, ở Đồng Nai) thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng tột độ, khi cứ đêm xuống là em lại có cảm giác khó thở, sốt cao do bị “ai đó bóp cổ”. T. được cha mẹ đưa đến một bệnh viện nhi thăm khám. Bác sĩ chẩn đoán em bị hen suyễn và cho thuốc điều trị, nhưng không thuyên giảm.
Đầu tháng 9/2019, T. hoảng sợ khi nghe tiếng rít nhỏ mỗi khi thở. Em sốt nhiễm trùng, căng thẳng tột độ. Đỉnh điểm là lúc nửa đêm, T. hét toáng lên vì “bị bóp cổ” và được người thân đưa đến Bệnh viện Đại học Y Dược 1 TP.HCM để tiếp tục tìm bệnh.
Sau khi thăm khám, bác sĩ nghi ngờ em mắc bệnh về hô hấp, tư vấn người nhà cho em kiểm tra bằng máy tim mạch hô hấp gắng sức và phát hiện em bị thở thể tích thấp nên tạo ra tiếng khò khè, rối loạn chức năng dây thanh do trào ngược dạ dày. Người bình thường khi hít vào, dây thanh sẽ mở ra, nhưng dây thanh của T. bị đóng lại, khiến em khó thở, làm em có cảm giác bị “bóp cổ” khi ngủ.
Một thanh niên được bác sĩ kiểm tra, tìm bệnh tiềm ẩn do khó thở suốt nhiều năm
Theo bác sĩ Trần Quốc Tài - Khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược 1 - trường hợp như em T. không hiếm, nhưng nếu không được tầm soát kỹ bằng máy tim mạch hô hấp gắng sức, sẽ dễ bị nhầm với hen suyễn. Việc phải uống thuốc điều trị hen suyễn trong thời gian dài sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe và sự phát triển về chiều cao sau này của T., do di chứng của corticoid.
Bác sĩ Tài cho biết: “Rối loạn chức năng dây thanh không gây tử vong, có thể điều trị hết bệnh, nhưng người bệnh sẽ có cảm giác rất đáng sợ, vì rối loạn xảy ra rất đột ngột. Khi dây thanh đóng lại, người bệnh sẽ có cảm giác như bị ai đó bóp cổ. Về lâu dài, người bệnh sẽ rơi vào trạng thái lo lắng, hồi hộp, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tâm lý rất cao.
Nhiều người lớn mắc bệnh, sau khi được điều trị khỏi, đã chia sẻ nỗi sợ bị đột tử đến nỗi phải viết thư, làm di chúc, phòng khi “bị bóp cổ chết” mà không hay biết. Như trường hợp em T., em sợ nhưng không dám nói, không dám đi ngủ, rồi rối loạn lo âu, mất ngủ, không thể tập trung, khiến việc học sa sút thấy rõ. Ngoài việc điều trị, em rất cần được giải tỏa tâm lý trước và sau khi điều trị, để thoát khỏi ám ảnh”.
Tương tự, hơn một năm nay, mỗi khi đi bộ nhiều hoặc làm việc nặng, anh L.V.Th. (ở Bến Tre) lại nổi cơn ho sặc sụa, nhiều lần tự mua thuốc uống mà không khỏi. Anh chia sẻ: “Bệnh viện lớn nhỏ nào tôi cũng đi khám, làm hết xét nghiệm, kiểm tra, bác sĩ vẫn kết luận tôi khỏe mạnh, có người còn nói tôi bị bệnh tâm lý, tâm thần, nên tôi nản, không muốn tìm bệnh nữa. Nhưng càng ngày tôi càng ho nhiều khi làm việc, có lúc ho muốn… tắt thở. Tôi trăn trối với người nhà hoài, khiến ai cũng nghĩ tôi khùng”.
Qua tìm hiểu bệnh sử, bác sĩ Tài nghi ngờ anh Th. mắc bệnh co thắt khí quản khi gắng sức nên đã cho anh chạy thật nhanh trên máy đo tim mạch hô hấp gắng sức. Chạy được một quãng, anh Th. ho sặc sụa, đúng như anh mô tả trước đó.
Bác sĩ phát hiện anh Th. bị chứng co thắt khí quản, hen suyễn khi gắng sức, tức sau 5 đến 10 phút làm việc với cường độ cao, anh sẽ bắt đầu ho, số lần ho kèm theo mệt, khó thở suốt 45 phút, sau khi ngưng việc mới hết. Nếu để lâu, anh có thể đột quỵ do thiếu ô-xy.
Sau khi phát hiện bệnh, ngoài sử dụng thuốc, các bác sĩ đã hướng dẫn anh Th. tập luyện để điều trị. Hiện các cơn ho của anh đã được kiểm soát.
Vận động viên cũng có thể đột tử
Theo bác sĩ Tài, cơ thể mỗi người đều có những bệnh lý tiềm ẩn, rất khó chẩn đoán, nhất là bệnh liên quan đến hô hấp, tim mạch. Không chỉ người ít tập thể dục, kể cả các vận động viên cũng có thể đột tử nếu bệnh bộc phát. Những nguy cơ âm thầm không thể phát hiện qua kiểm tra sức khỏe định kỳ hay trong quá trình thăm khám, vì bệnh chỉ bộc phát khi bản thân người đó quá mệt.
Những bệnh tiềm ẩn thường xuất hiện khi gắng sức, diễn tiến nhanh, khiến bệnh nhân có thể đột tử.
Đầu năm 2019, một thanh niên 23 tuổi đã đột tử ngay trên đường đua marathon. Dù anh tập luyện thường xuyên, thắng nhiều giải ở các cuộc thi, nhưng trong lần chạy này, anh mới chạy được 8km thì ngất xỉu. Bác sĩ đã cấp cứu tại chỗ nhưng không kịp, do anh bị đột tử tim - một bệnh lý chỉ xuất hiện trong lúc gắng sức. Trong một khảo sát của bác sĩ Tài, ngoài vận động viên chuyên nghiệp, nhiều người thường xuyên tập gym cũng có nguy cơ đột tử do gắng sức theo các bài tập luyện tần suất cao mà không biết bệnh nền của mình.
Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lê Thị Tuyết Lan - Giám đốc phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 TP.HCM - phân tích, nhiều người nói họ đã làm các xét nghiệm, khám tim mạch, khám hô hấp, tuyến giáp, điện tâm đồ gắng sức… rồi mới tập luyện. Tất cả các kết quả đều bình thường, đến khi tập luyện mới khó thở, mệt nhiều, đi khám lại vẫn không có bệnh.
Họ không biết rằng, khi gắng sức, những bệnh tiềm ẩn như chứng nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, huyết áp tăng cao, hay tụt huyết áp, viêm phế quản, rối loạn chức năng dây thanh… mới xuất hiện. Lúc này, người bệnh sẽ thấy đau nhói ở ngực, tiếp theo đó là khó thở, mệt mỏi và tử vong do bệnh diễn ra cấp thời, rất khó xử lý tại chỗ.
Bác sĩ Lan nói thêm: “Thời gian qua, ở Việt Nam thường có những cuộc thi marathon đường dài, trung bình mỗi tháng có ít nhất một cuộc. Trước mỗi cuộc chạy đua, ngoài việc khám sức khỏe khi đang nghỉ ngơi, người tham gia nên được kiểm tra, đo hô hấp gắng sức để nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo, tránh để xảy ra trường hợp đáng tiếc, không kịp xử lý.
Những người đã tập luyện trong ít nhất 3 tháng, không có bệnh lý trước đó, được cho là ít nguy cơ hơn. Nhưng tập luyện khác thi đấu. Trong quá trình chạy thi, người tham gia vẫn có tâm lý cố gắng hoàn thành đường chạy thật nhanh. Đây là lúc họ có thể thật sự rơi vào nguy hiểm”.
Ở nhiều bệnh viện tại Việt Nam, chỉ có những thiết bị như điện tâm đồ gắng sức, siêu âm tim gắng sức… nên không thể phát hiện được hô hấp gắng sức, dù đây mới là nguyên nhân gây ra các vụ tử vong không rõ nguyên nhân. Hiện nay, chỉ có máy đo tim mạch hô hấp gắng sức mới khảo sát được hầu hết các hệ cơ quan cùng một lúc, tìm được các bệnh tiềm ẩn về hô hấp, tim mạch khi gắng sức.
Theo Phạm An / pno