Cơ sở y tế có thể được lựa chọn giá cao nhất, phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn, không phải mua giá thấp nhất như trước đây.
Đây là những quy định mới trong Thông tư 14, vừa được Bộ Y tế ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/7 đến hết năm 2023. Thông tư được ban hành nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 30 của Chính phủ, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong mua sắm trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập, đặc biệt là xây dựng giá gói thầu.
Theo đó, chủ đầu tư xác định giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế theo một trong ba phương pháp. Thứ nhất, thu thập báo giá do các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế cung cấp. Thứ hai, khảo sát giá trúng thầu của hàng hóa, dịch vụ tương tự. Thứ ba, kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp thẩm định giá.
Khi áp dụng phương pháp xác định giá gói thầu, phương pháp được sử dụng đầu tiên là thu thập báo giá của nhà cung cấp. Sau khi không thực hiện được phương pháp này thì mới được thực hiện một trong hai cái còn lại.
Đặc biệt, trường hợp chủ đầu tư sử dụng từ hai phương pháp xác định giá gói thầu trở lên thì có thể được lựa chọn giá cao nhất, phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn. Như vậy, tháo gỡ này khắc phục được tình trạng các cơ sở y tế phải mua trang thiết bị rẻ nhất nhưng không đáp ứng yêu cầu chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh.
Trước đây, bệnh viện phải tham khảo giá trúng thầu 12 tháng trước làm căn cứ mở thầu mới. Trong đó, giá trúng thầu không được cao hơn giá kế hoạch và phải rẻ nhất trong số các nhà thầu tham gia. Hậu quả là bệnh viện không thể mua được vật tư tốt với giá rẻ như quy định, cũng "không thể vượt rào" vì sẽ vướng lao lý, đành chấp nhận mua hàng không đạt chất lượng. Hậu quả đổ lên đầu người bệnh, còn các bác sĩ thì ray rứt.
Ngày 21/8/2022, tại Hội nghị Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính và các bộ ngành, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, ông Nguyễn Tri Thức, thẳng thắn chỉ ra các bất cập trong đấu thầu, mà khi thực hiện bệnh viện phải chọn loại thuốc, vật tư giá rẻ. Đây là lý do bệnh viện phải dùng loại dao phẫu thuật rạch 3 lần mới qua da người bệnh. Cũng trong thời gian này, khi làm việc với đoàn công tác của Bộ Y tế , ông Nguyễn Đức Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên, cho biết bệnh viện phải mua "dao mổ trĩ mà cứ mổ là chảy máu".
Nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy kiểm tra thuốc tại kho dược. Ảnh: Quỳnh Trần
Bên cạnh quy định không phải mua giá rẻ nhất, thông tư cũng hướng dẫn xây dựng giá gói thầu. Theo đó, chủ đầu tư quyết định việc thành lập Hội đồng hoặc đề nghị Sở Y tế hỗ trợ thành lập Hội đồng để lựa chọn danh mục, yêu cầu về tính năng và kỹ thuật. Sau đó đăng tải yêu cầu báo giá trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc trên Cổng thông tin điện tử, trong thời gian tối thiểu 10 ngày.
Chủ đầu tư căn cứ số báo giá nhận được (kể cả trường hợp chỉ nhận được một hoặc hai báo giá) và quyết định giá gói thầu. Trường hợp có từ hai báo giá trở lên thì có thể được lựa chọn báo giá cao nhất, phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn.
Trường hợp trên thị trường Việt Nam chỉ có một hoặc hai nhà cung cấp hoặc để bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền hoặc cần triển khai ngay, chủ đầu tư được phép gửi trực tiếp yêu cầu báo giá đến nhà cung cấp.
Bộ Y tế đánh giá thông tư này tạo hành lang pháp lý, khắc phục được các khó khăn vướng mắc, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các đơn vị trong từng nội dung thực hiện, đảm bảo không còn xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư như thời gian qua.
Từ giữa năm 2022, các bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy không mua được máy móc và hóa chất xét nghiệm, phải gửi bệnh nhân đến cơ sở khác chụp chiếu, do các vướng mắc trong công tác đấu thầu, mua sắm. Chính phủ sau đó đã liên tiếp ban hành Nghị định 07 và Nghị quyết 30 (có hiệu lực thi hành ngay) cho phép bệnh viện thí điểm một số cơ chế mới mua sắm. Bộ Y tế cũng bỏ quy định khi đấu thầu thuốc "giá kế hoạch không được cao hơn giá trúng thầu cao nhất trước đó" (giá trần) - tháo gỡ vướng mắc, giải quyết tình trạng đang thiếu thuốc trầm trọng. Nhờ đó, hầu hết đơn vị tuyến cuối như Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy đã trở lại hoạt động bình thường, đáp ứng nhu cầu người bệnh.