Đấu giá cổ phần Bệnh viện Giao thông năm 2015 - một bệnh viện của ngành GTVT đã hoàn tất cổ phần hóa Ảnh:TL
Bệnh viện Nam Thăng Long, một bệnh viện thuộc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã hoàn tất phương án cổ phần hóa và được dự báo sẽ có nhiều tổ chức, cá nhân nhà đầu tư quan tâm tới việc sở hữu bệnh viện này.
Chỉ cần bỏ ra chưa đầy 16 tỉ đồng và mua gom cổ phiếu, nhà đầu tư có thể sẽ trở thành cổ đông chi phối của một bệnh viện đa khoa cấp II có tên là Bệnh viện Nam Thăng Long. Đây là một mức giá rất hời so với việc đầu tư xây dựng mới một bệnh viện đa khoa cấp II.
Cục trưởng Cục y tế (Bộ GTVT) Vũ Văn Triển đã ký tờ trình gửi Bộ GTVT đề nghị phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH) bệnh viện Nam Thăng Long, một bệnh viện đa khoa cấp II tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội).
Tuy là một bệnh viện đa khoa cấp II nhưng cơ sở vật chất nghèo nàn, xuống cấp, ít tên tuổi ở Hà Nội, bệnh viện này có giá trị thực tế theo sổ sách (tính đến 30-6-2015) là 22,5 tỉ đồng; giá trị bệnh viện sau khi xác định lại là 29,5 tỉ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 11,8 tỉ đồng.
Theo phương án CPH, bệnh viện này sẽ kết hợp hình thức vừa bán bớt một phần vốn nhà nước, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Dự kiến vốn điều lệ khi CPH bệnh viện này là 30 tỉ đồng và sau CPH, nhà nước chỉ còn nắm giữ 30% vốn điều lệ; phần còn lại bán cho cổ đông chiến lược, bán đấu giá công khai và bán ưu đãi 17,3% cho người lao động.
Phần bán cho nhà đầu tư chiến lược (theo tiêu chí bán thỏa thuận trước) là 780.000 cổ phần, chiếm 26% vốn điều lệ; bán đấu giá công khai 799.000 cổ phần, tương đương 26,6% vốn điều lệ, với giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phần. Như vậy, tổng lượng cổ phiếu bán ra ngoài ở bệnh viện này chiếm gần 53% vốn điều lệ.
Điều đó cho thấy, các nhà đầu tư có thể trở thành cổ đông chiến lược và mua thêm lượng cổ phiếu bán công khai để gia tăng lượng sở hữu. Về lý thuyết, việc sở hữu trên 50% cổ phần bệnh viện tính ra chỉ khoảng 16 tỉ đồng.
Giá trị thực tế của bệnh viện không cao song dù sao đây cũng là một bệnh viện đa khoa cấp II. Tại thời điểm hiện nay, việc xin cấp phép mở bệnh viện với quy mô cấp II đòi hỏi vốn đầu tư và điều kiện ngặt nghèo hơn nhiều. Do đó, Cục Y tế (Bộ GTVT) đã đưa ra một số điều kiện để việc bán cổ phần bệnh viện chặt hơn.
Theo đó, nếu nhà đầu tư là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khám chữa bệnh, dịch vụ y yế phải có quy mô tối thiểu tương đương bệnh viện Nam Thăng Long với 120 giường bệnh, có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 50 tỉ đồng và không có lỗ lũy kế đến hết năm 2015. Đồng thời lần đầu tiên một phương án CPH yêu cầu “nhà đầu tư có lợi nhuận trước thuế tối thiểu 10%” .
Trường hợp nhà đầu tư không kinh doanh trong lĩnh vực y tế thì phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 200 tỉ đồng, không lỗ lũy kế và cũng phải có lợi nhuận trước thuế tối thiểu 10%.
Hiện đã có bốn nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần bệnh viện này, trong đó có cả doanh nghiệp kinh doanh bất động sản như CTCP Him Lam.
Hồi tháng 10-2015, Bệnh viện Giao thông vận tải trung ương cũng thuộc bộ này đã bán 70% cổ phần ra bên ngoài. Trong đó giá trúng đấu giá công khai là 26.000 đồng/cổ phần. 30% khác được bán cho nhà đầu tư chiến lược là CTCP Tập đoàn T&T, với giá bằng phân nửa giá trúng đấu giá.
Theo Lan Nhi / thesaigontimes.vn