Bệnh viện Chợ Rẫy, Ung bướu, Da liễu TP HCM... áp dụng khai báo y tế trực tuyến với nhiều hình thức cho người vào bệnh viện.
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, ngày 17/4 cho biết một tuần qua triển khai hệ thống khai báo y tế tự động có camera nhận diện khuôn mặt, giúp lưu dữ liệu vào hệ thống nhanh, chính xác. Tất cả người vào cổng bệnh viện, gồm nhân viên y tế, thân nhân, bệnh nhân, khách đến công tác đều phải khai báo.
"Mỗi người chỉ mất vài giây thực hiện thay vì cần vài phút khai báo bằng giấy như trước, giảm tình trạng chờ đợi ở cổng viện", bác sĩ Thức chia sẻ. Hình thức này cũng giúp nhân viên y tế hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người khai báo.
Người đến cổng bệnh viện, sau khi được nhân viên bảo vệ đo thân nhiệt sẽ vào khu vực khai báo, dùng cồn rửa tay, đứng cách nhau 2 m theo quy định và sử dụng trụ khai báo. Sau khi kết thúc quy trình, phải sát khuẩn tay rồi mới vào viện.
Đây là hệ thống do các chuyên gia công nghệ thông tin của bệnh viện tự nghiên cứu và thiết kế. Khi người khai báo có một trong các yếu tố dịch tễ hoặc lâm sàng nghi ngờ liên quan Covid-19, hệ thống sẽ cảnh báo để nhân viên y tế mời đến khu vực sàng lọc.
Hệ thống khai báo y tế tự động có camera nhận diện khuôn mặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Nguyên Hạnh.
Từ ngày 14/4, Bệnh viện Ung bướu TP HCM bắt đầu khai báo y tế trực tuyến cho người vào viện. Các chốt vào cổng được trang bị hệ thống mạng wifi, máy tính bảng, cài đặt phần mềm quét mã vạch để kiểm tra thông tin đã khai báo.
Tiến sĩ Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cho biết quy trình này nhằm rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, tìm kiếm thông tin dễ dàng và lưu trữ được lâu.
Sau khi truy cập đường link, người khai báo lần đầu điền đầy đủ thông tin. Đến khai lần tiếp theo, chỉ cần nhớ số chứng minh nhân dân hoặc số điện thoại để hiện các thông tin đã khai báo mà không phải nhập lại. Người không có thiết bị thông minh được nhân viên bệnh viện hỗ trợ công tác khai báo.
Người đã sàng lọc được dán sticker trên áo để dễ nhận diện. Đồng bộ khai báo tờ khai y tế, quét mã thông tin đi qua các chốt cũng giúp lực lượng kiểm soát làm việc nhanh hơn, việc tổng hợp, thống kê, báo cáo thuận tiện hơn.
Người đến Bệnh viện Ung bướu TP HCM khai báo y tế trực tuyến từ 14/4. Ảnh: Hồng Diễm.
Tại Bệnh viện Da liễu TP HCM, bên cạnh khai báo y tế bằng giấy, từ ngày 16/4 người vào viện có thể lựa chọn khai báo trực tuyến. Giám đốc Nguyễn Trọng Hào cho biết bệnh viện khuyến khích mọi người hình thức khai trực tuyến vì tiện lợi, dễ thực hiện và tiết kiệm thời gian.
"Mọi người có thể thực hiện khai báo y tế tại nhà. Cần lưu màn hình đã hoàn thành khai báo trực tuyến để nhân viên y tế kiểm tra trước khi bước vào bệnh viện", bác sĩ Hào chia sẻ.
Từ đầu tháng 4, người đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cũng thực hiện khai báo y tế ở ki-ốt ngay cổng ra vào, sát khuẩn tay trước và sau thao tác. Người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, chỉ cần quét mã bảo hiểm y tế sẽ thay thế khai báo thông tin hành chính.
Theo bác sĩ Nguyễn Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, ki-ốt do các chuyên gia công nghệ thông tin của bệnh viện thực hiện. Người dùng sử dụng bàn phím ảo trên màn hình để khai báo tên tuổi, địa chỉ, yếu tố dịch tễ liên quan, các triệu chứng gợi ý nghi nhiễm, những mối liên hệ tiếp xúc với người nghi nhiễm hoặc nhiễm...
Bác sĩ Chiến phân tích, kiểm soát bằng các tờ khai y tế bằng giấy dẫn đến quá tải và nhiều hạn chế khác như hồ sơ để chất chồng tại các phòng chức năng bệnh viện, khó kiểm soát và truy tìm vào tình huống khẩn cấp, lại tốn giấy, có hại cho môi trường.
Đầu tháng 4, Bộ Y tế, Sở Y tế TP HCM chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường các hoạt động phòng chống dịch để bệnh viện không trở thành nơi lây nhiễm dịch Covid-19. Tất cả bệnh viện phải áp dụng khai báo y tế, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, mọi người phải mang khẩu trang, tạm dừng thăm bệnh, tổ chức các buồng khám sàng lọc gần cổng vào hoặc gần nơi thực hiện tờ khai y tế, biệt lập các khoa phòng khác...
Sở Y tế TP HCM khuyến khích các bệnh viện ứng dụng các hình thức khai báo y tế trực tuyến trong giai đoạn phòng chống dịch hoặc góp phần quản lý người bệnh, thân nhân sau này, giúp thu thập dữ liệu góp phần xây dựng dữ liệu lớn của ngành y tế.