Tháng 8/2020, Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) vừa có hiệu lực, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An xuất khẩu 6 container khoảng 150 tấn gạo sang EU. Trong đó, gạo ST25 bán được giá hơn 1.000 USD/tấn và gạo Jasmine bán được giá 600 USD/tấn.
Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) cũng chốt nhiều đơn hàng xuất khẩu gạo có giá trị như xuất gạo trắng Ban Mai, gạo lứt Phúc Thọ sang Australia; xuất gạo VJ Pearl Rice, gạo thơm RVT sang Hà Lan, Cộng hòa Czech với giá 1.040 USD/tấn
Trung An cũng “mở hàng” 2021 cho ngành gạo Việt xuất khẩu với khối lượng 1.600 tấn. Đáng chú ý, gạo Jasmine 85 được xuất khẩu với giá 680 USD/tấn, gạo Hương Lài giá 750 USD/tấn.
Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Trung An khẳng định, DN đã chuyển đổi sang liên kết làm lúa gạo chất lượng cao chứ không làm hàng chất lượng đại trà và bán cho khách hàng cao cấp.
Đây là thực tế bất ngờ khi Việt Nam vốn mang tiếng xuất khẩu gạo thấp cấp, giá rẻ suốt 30 năm qua. Giờ đây, Việt Nam xuất khẩu giá cao thu tỷ USD, có sản phẩm gạo ST25 ngon nhất thế giới.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, hơn 30 năm chinh phục thị trường thế giới, từ chỗ tự ti vì thua sản phẩm cùng loại của nước khác về chất lượng và giá, nay đã có thể tự tin vì sở hữu nhiều giống lúa quý, có thời điểm giá gạo Việt Nam đã cao hơn gạo Thái Lan.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang cao hơn đối thủ Thái Lan và Ấn Độ
Ông Doanh nói, nếu 5-6 năm trước, chúng ta chỉ có 35-40% các giống lúa chất lượng cao thì hiện nay đạt 75-80%. Chất lượng gạo tăng lên, giá xuất khẩu cũng tăng lên rất nhanh. Ngành lúa gạo đã tái cơ cấu thành công dù những năm qua, diện tích lúa đã giảm nhường chỗ cho các ngành kinh tế khác.
Mới đây, nhiều người “giật mình” trước thông tin Việt Nam nhập khẩu gạo từ Ấn Độ. Nhưng với người trong nghề đây là ‘bình thường mới’ của gạo Việt. Việt Nam thiếu và phải nhập gạo phẩm cấp thấp chế biến các loại thức ăn phục vụ chăn nuôi khi tỷ lệ các giống lúa phẩm cấp cao ngày càng áp đảo.
Tờ Bangkok Post ngày 25/1 nhận định, đây là "Chiến lược gạo khôn ngoan của Việt Nam" khi Việt Nam chọn nhập khẩu gạo Ấn Độ có giá thấp hơn để đáp ứng nhu cầu trong nước, trong khi tiết kiệm sản lượng trong nước phục vụ xuất khẩu có giá bán cao. Việc sản xuất lúa chất lượng cao đã đi đúng xu hướng thế giới, tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu vào EU khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
TS Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn thừa nhận, lúa gạo là một ngành hàng thành công nhất trong thời gian qua. Từ chỉ xuất khẩu được 1 triệu tấn/năm giờ đã thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới. Nếu trước kia, giá gạo Việt thấp hơn nhiều so với giá gạo thế giới, nhất là gạo Thái Lan, thì giờ đã tiến sát, thậm chí có thời điểm còn cao hơn.
Chiếm ngôi số 1 thế giới
Giữa năm 2018, khi gạo Việt vượt qua Thái Lan về giá bán, nhiều người gọi đó là “kỳ tích” bởi, bao nhiêu năm hạt gạo Việt luôn lép vế trước đối thủ Thái Lan, Ấn Độ cả về lượng và chất.
Thành công trong chuyển từ lượng sang chất, “hạt ngọc” Việt đã thay đổi thứ tự trên bảng xếp hạng. Năm 2020, Việt Nam vượt Thái Lan trở thành cường quốc xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới. Xuất khẩu gạo đạt 6,15 triệu tấn, thu về 3,07 tỷ USD. Đáng chú ý, lượng xuất khẩu tuy giảm khoảng 3,5% nhưng trị giá xuất khẩu lại tăng tới 9,3%.
Đặc biệt, gạo Việt Nam liên tiếp vượt cả Thái Lan và Ấn Độ để soán ngôi số 1 thế giới về giá bán. Năm 2020, với bình quân giá xuất khẩu đạt 499 USD/tấn, tăng 13,3% so với năm 2019 thì năm 2020 nông dân trồng lúa có lợi nhuận cao. Theo tính toán với năng suất khoảng 7 triệu tấn/ha, người dân có thể thu về từ 65-70 triệu đồng/ha trong khi đó chi phí chỉ khoảng 16-17 triệu đồng/ha, tức có lời tới 70%, tương đương khoảng 50 triệu đồng/ha.
Đầu 2021, gạo Việt vẫn giữ vững vị thế số 1 về giá bán. Ngày 25/3, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng lên mức 515-520 USD/tấn. Trong khi, gạo 5% tấm tiêu chuẩn của Thái Lan được chào bán ở mức 500-518 USD/tấn, còn gạo cùng loại của Ấn Độ giá chỉ ở mức cao nhất 398-403 USD/tấn. Thậm chí, vào thời điểm tháng 1/2021, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt mức 551,7 USD/tấn.
Xứng danh “hạt ngọc trời”
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo 2021 vẫn rất khả quan. Thị trường gạo khu vực châu Á bắt đầu nóng trở lại khi hàng loạt khách hàng đang ráo riết mua vào. Nhiều nước khác có nhu cầu lớn về gạo thơm, gạo nếp, vốn là mặt hàng có lợi thế của Việt Nam. Triển vọng xuất khẩu của Việt Nam còn rộng mở nhờ có thêm cơ hội từ một số thị trường vừa ký kết FTA mới. Trong đó, riêng EVFTA dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm với thuế 0%, tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm.
Việt Nam đang chuyển hướng từ sản xuất lúa gạo chất lượng thấp sang chất lượng cao
Dù còn nhiều dư địa, giá xuất khẩu đang có giá tốt, song ông Phạm Thái Bình cho rằng, để không bị động, không “ăn may” về dài hạn cần tiếp tục tăng cường liên kết giữa DN với nông dân để nâng cao chất lượng gạo. Địa phương cần tìm giải pháp để thúc đẩy việc nông dân và DN liên kết sản xuất, với những cánh đồng lớn. Đây là điều kiện tiên quyết để cùng bắt tay sản xuất các phân khúc gạo xuất khẩu theo nhu cầu của thị trường quốc tế. Có vậy, việc tái cơ cấu ngành lúa gạo mới mang tính bền vững và thu nhập của nông dân mới được nâng lên…
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, DN gạo nên tiếp tục chuyển dịch cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu sang các loại có giá trị gia tăng cao bởi nếu Việt Nam sản xuất loại gạo cấp thấp sẽ không cạnh tranh được với Ấn Độ và Pakistan. Đầu tư sản xuất gạo chất lượng cao vừa nâng cao giá trị xuất khẩu, vừa thâm nhập các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU…
Nhìn nhận nông dân là người vốn chịu thiệt thòi do hiệu suất, hiệu quả kinh tế của cây lúa so với các cây trồng khác chưa cao, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khi đương nhiệm đã yêu phải cố gắng hơn để hạt gạo Việt Nam trở thành "hạt ngọc trời", đem lại giá trị chân thực cho người sản xuất. Cần đảm bảo hiệu quả bền vững, hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, hiệu quả đa chiều cho những người tham gia trong chuỗi cung ứng sản xuất lúa gạo nói chung.