Sau 7 năm xây dựng, thành phố mới Bình Dương dù đã hoàn thành nhiều cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại nhưng cư dân rất thưa thớt.
Thành phố mới Bình Dương với quy mô 1.000 ha được khởi công xây dựng từ tháng 4/2010. Sau 7 năm, diện mạo của một thành phố hiện đại dần hình thành. Trong đó, công trình điểm nhấn là trung tâm hành chính tập trung 21 tầng, có bãi đáp trực thăng hoạt động từ năm 2014.
Theo quy hoạch, thành phố mới bao gồm 7 phân khu: trung tâm hành chính; khu công viên công nghệ kỹ thuật cao; khu tài chính ngân hàng, chứng khoán; khu văn phòng khách sạn; trung tâm hội nghị triển lãm, trường đại học và các khu phục vụ cộng đồng như quảng trường, công viên, nhà trẻ, bệnh viện... Đến nay khu công viên trung tâm với hồ sinh thái có tổng diện tích 75 ha đã được đưa vào sử dụng.
Cơ sở hạ tầng nơi đây được đầu tư đồng bộ, hệ thống đường giao thông với những tuyến đường lớn kết nối các khu vực lân cận. Tuy nhiên, nhiều khu vực còn thưa thớt nhà dân, cạnh đó là các lô đất chưa san lấp mặt bằng, trồng cao su, tràm...
Nhiều tuyến đường có quy mô 2-10 làn xe rộng thênh thang, thẳng tắp kết nối với nhau nhưng lại rất ít xe qua lại.
Một trong những dự án nổi bật ở thành phố này là khu nhà phố thương mại với hàng trăm căn nhà phố được xây dựng đồng bộ, hạ tầng đầy đủ. Những dãy nhà có giá vài tỷ đồng một căn được bao quanh bởi các tuyến đường chính rộng 6 làn xe và ở ngay sát trung tâm hành chính.
Nhưng điểm chung của những khu nhà xây sẵn này là rất thưa thớt người ở. Nhiều chỗ vẫn còn ngổn ngang vật liệu xây dựng, cửa đóng kín.
"Chỉ mấy dãy nhà mặt tiền là có người dân, cửa hàng, công ty..., còn khu căn hộ bên trong chưa bán được nên vắng hoe", chị Thanh Thảo bán hàng ăn nơi đây cho hay.
Nhiều khu nhà ở đã xuống cấp dần theo thời gian, chủ nhân đã chưng bảng bán hoặc cho thuê.
Theo môi giới nhà đất, một căn nhà liền kề tại đây có diện tích hơn 100m² nhưng giá 3-5 tỷ đồng nên khó thu hút người mua là dân địa phương. Trong khi với số tiền này, khách hàng Sài Gòn có thể dễ dàng tìm kiếm một mảnh đất có diện tích tương tự tại các quận, huyện vùng ven.
Cách trung tâm hành chính chỉ vài km là dãy biệt thự khang trang nằm sát bên những tuyến đường lớn. Lác đác chỉ vài căn đã hoàn thiện, còn phần lớn vẫn trong tình trạng chủ đầu tư xây thô rồi để đó. Cũng giống như nhà phố liền kề, giá bán biệt thự ở đây không hề rẻ, từ vài tỷ cho tới cả chục tỷ đồng một căn.
Nhiều con đường sau khi được xây dựng rất ít xe qua lại nên cỏ mọc rậm rạp, trở thành nơi chăn thả bò. Theo các chuyên gia bất động sản, mức giá nhà đất tại thành phố mới chỉ phù hợp với chuyên gia nước ngoài, Việt kiều… Thế nhưng, phần lớn những đối tượng này lại thuê nhà tại TP HCM thay vì chọn sống ở Bình Dương vì được công ty hỗ trợ đi lại.
Theo quy hoạch, đến năm 2020, tỉnh Bình Dương sẽ được chuyển thành thành phố Bình Dương, là đô thị loại I, trực thuộc Trung ương với 6 quận, 4 huyện (gồm 60 phường, 13 thị trấn và 40 xã).
Quỳnh Trần / VnExpress