Ngày 26/4, tại TP Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp trên địa bàn. Hơn 350 doanh nghiệp đã tham dự hội nghị đối thoại. Đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Định, có Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng; các phó chủ tịch UBND tỉnh Phan Cao Thắng, Trần Châu, Nguyễn Tuấn Thanh.
Ông Man Ngọc Lý, Giám đốc Sở Công Thương Bình Định cho biết, hiện nay cả tỉnh có hơn 660 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký hơn 4.478 tỉ đồng. Riêng quý I/2016, có 203 doanh nghiệp thành lập mới, với vốn đăng ký là 876 tỉ đồng. Một số doanh nghiệp đang có mức tăng trưởng khá; đồng thời nhiều có dấu hiệu phục hồi hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh.
Tuy nhiên, có không ít doanh nghiệp vẫn chưa thoát khỏi bế tắc, bởi qui mô doanh nghiệp nhỏ, chưa tiếp cận được nguồn vốn, thiếu trang thiết bị và công nghệ sản xuất, nhất là chưa tiếp cận được thị trường tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động hoặc giải thể vẫn còn cao. Chỉ tính trong quí I/2016, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chiếm tới 34% so với tổng số doanh nghiệp vừa thành lập.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đối thoại với doanh nghiệp.
“Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay diễn ra ngày càng sâu rộng. Việt Nam đã kí kết các hiệp định thương mại tự do với các nước khu vực và thực hiệm mạnh mẽ. Đáng chú ý là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận với thị trường và nhà đầu tư trên thế giới. Tuy nhiên các doanh nghiệp sản xuất cung cấp thị trường nội địa sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn với doanh nghiệp các nước thành viên. Đây thực sự là thách thức mà không phải doanh nghiệp nào cũng có thể vượt qua một cách thuận lợi”, ông Man Ngọc Lý cho biết thêm.
Còn theo ông Đào Văn Khôi, Phó ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định, từ năm 2015 đến nay, doanh nghiệp tại nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp cả nước đang phục hồi hoạt động sản xuất, chế biến, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp rất chậm. Các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Định cũng không ngoại lệ; hàng trăm doanh nghiệp của tỉnh đang khắc phục, vượt qua khó khăn. Đáng mừng là một số doanh nghiệp bắt đầu hoạt động ổn định sau thời gian dài “ngủ đông”. Nhờ vậy, giá trị sản xuất công nghiệp quý I/2016 của tỉnh Bình Định đạt 3.343 tỉ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu quí I/2016 đạt 67,3 triệu USD, tăng gần 7,8% so với cùng thời điểm năm trước.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH May VINATEX Bồng Sơn cho rằng, có không ít chính sách của địa phương làm khó cho doanh nghiệp, chưa khuyến khích cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư hoạt động sản xuất. Ông Hoàng cũng đã nêu ra bất cập trong việc áp giá đất cho thuê mặt bằng. Cụ thể, giá thuê đất xây dựng nhà máy may Vinatex Bồng Sơn mỗi năm là 2.000 đồng/m2. Với mức giá này là quá cao so với các khu, cumj công nghiệp trên địa bàn tỉnh, cũng như các dự án thuộc Tập Đoàn Dệt may Việt Nam đầu tư cùng thời gian và vị trí tương tự. Chẳng hạn như Nhà máy may Vinatex Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) mỗi năm giá thuê đất là 1.594 đồng/m2; hoặc Nhà máy may Vinatex Hương Trà (Huế) giá thuê đất được tính mỗi năm là 1.667 đồng/m2.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định đã kiến nghị 7 vấn đề mà còn lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định phải gỡ khó cho doanh nghiệp. Các vấn đề này ông Lập cũng đã kiến nghị tới lãnh đạo UBND tỉnh trong lần đối thoại năm 2015. Nhưng, xem ra, các vấn đề mà ông Lập đề đạt chưa được UBND tỉnh gỡ rối cho doanh nghiệp. Trong đó, có ý kiến về hạ tầng lưới điện tại khu công nghiệp không đảm bảo cho việc sản xuất; hoặc việc ngành thuế tổ chức thanh tra liên tục tại doanh nghiệp đã làm cho bộ phận kế hoạch - tài chính không còn đủ thời gian để làm lương cho công nhân, gây ra tình trạngj doanh nghiệp chậm trả lương cho người lao động.
Ở lĩnh chế biến thuỷ sản, bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần thuỷ sản Bình Định cho hay, hiện nay người nuôi trồng - khai thác thuỷ sản sử dụng hoá chất không rõ nguồn gốc trong sản xuất và họ cũng không thể kiểm soát được nguồn gốc từ đâu. Đây là nguyên nhân dẫn tới nguồn nguyên liệu thuỷ sản cung cấp cho các nhà máy bị nhiễm chất cấm, sản phẩm tạo ra khó xuất khẩu sang thị trường các nước, nhất thị trường Nhật, Mỹ và khu vực châu Âu. Bà Lan đề nghị nhà nước phải tăng cường mạnh mẽ công tác kiểm soát chất cấm, hoá chất không rõ nguồn gốc được bán trôi nổi trên thị trường hiện nay.
Tại hội nghị đối thoại, lãnh đạo UBND tỉnh đã trả lời thoả đáng các ý kiến của doanh nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho biết sẽ chỉ đạo các sở, ngành tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi và đúng hành lang pháp luật cho các doanh nghiệp hoạt động; thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Bình Định. Đồng thời, tỉnh Bình Định sẽ cải thiện hình ảnh thân thiện đầu tư và cải thiện chỉ số cạnh tranh môi trường đầu tư do các doanh nghiệp bình chọn thời gian tới.
Kết thúc hội nghị đối thoại, ông Nguyễn Bay, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Bình Định cho biết, ngoài các ý kiến đối thoại trực tiếp với lãnh đạo tỉnh của doanh nghiệp, Trung tâm đã nhận 50 câu hỏi của 16 doanh nghiệp. Tất cả câu hỏi sẽ được chuyển tới 14 sở, ngành của tỉnh và 3 huyện, thị xã, thành phố thuộc thẩm quyền trả lời cho doanh nghiệp.
Lê Sơn / baodautu.vn