Ban quản lý khu kinh tế Nhơn Hội tỉnh Bình Định vừa có quyết định rút giấy phép đầu tư dự án xây dựng nhà máy lắp ráp và sản xuất phụ tùng xe ô tô buýt và các dịch vụ hỗ trợ của một doanh nghiệp Nga do chậm triển khai.
Dự án xây nhà máy sản xuất ô tô buýt của doanh nghiệp Nga tại tỉnh Bình Định đã bị rút giấy chứng nhận đầu tư. Trong ảnh là những chiếc xe buýt do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Ảnh minh họa: Quốc Hùng
Nguồn tin từ Ban quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội cho biết, dự án Công ty TNHH MTV Bus Industrial Centre do Công ty TNHH Buscenter Met (Nga) đầu tư có vốn đăng ký 1 tỉ đô la Mỹ đã được cấp phép khoảng 3 năm nay tại KCN Nhơn Hòa thuộc khu kinh tế Nhơn Hội, nhưng đến nay nhà đầu tư chưa triển khai dự án.
Công ty Bus Industrial Centre được thành lập để đầu tư dự án xây dựng nhà máy lắp ráp và sản xuất phụ tùng xe ô tô buýt và các loại máy nông nghiệp cùng các dịch vụ hỗ trợ trên diện tích 50 héc ta tại khu công nghiệp Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn.
Được biết, đây là một trong những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có vốn đăng ký lớn nhất tại địa phương này được cấp phép đầu tư từ trước đến nay. Tuy nhiên, dự án đã không triển khai được như cam kết.
Không riêng dự án 1 tỉ đô la Mỹ này, mà theo Ban quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội mới đây cơ quan này cũng đã rút giấy chứng nhận đầu tư một dự án FDI chậm tiển khai khác là dự án xây dựng nhà máy điện gió Nhơn Hội của Công ty TNHH Quản lý và Đầu tư Viettracon (Đức) hợp tác với Công ty Green Venture Invest AG (Thụy Sĩ).
Dự án bị rút giấy phép này có số vốn đăng ký đầu tư 109 triệu đô la Mỹ tại khu vực sườn phía Tây núi Phương Mai thuộc khu kinh tế Nhơn Hội với quy mô diện tích khoảng 600 héc ta đất được cấp phép vào năm 2014.
Theo thiết kế, nhà máy có công suất 61,1 MW, giai đoạn 1 công suất là 30,55 MW dự kiến vận hành năm 2016, và giai đoạn 2 nâng tổng công suất lên 61,1 MW vào năm 2020. Nhà máy sẽ được đấu nối vào hệ thống điện ở cấp điện áp 110 KV, chuyển tiếp trên đường dây 110 KV Nhơn Hội – Phước Sơn. Tuy nhiên đến nay nhà đầu tư cũng vẫn chưa triển khai thực hiện dự án này.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định khẳng định là luôn chào đón và tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư triển khai dự án, nhưng đồng thời kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai theo cam kết. Việc địa phương này quyết định thu hồi các dự án chậm triển khai cũng là nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khác có năng lực hơn đến tìm hiểu cơ hội đầu tư.
Ngoài hai dự án FDI bị rút giấy phép nói trên, trong quý đầu tiên của năm 2016 này, UBND tỉnh cũng đã có các văn bản về việc thu hồi chủ trương đầu tư dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại và dịch vụ hỗn hợp tại 01 Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thành Châu đầu tư, và dự án điểm du lịch số 9 tuyến du lịch Quy Nhơn - Sông Cầu do Công ty Cổ phần Kim Triều làm chủ đầu tư.
Bình Định thu hút nhiều nhà đầu tư phát triển du lịch Tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư phát triển du lịch tỉnh Bình Định tổ chức chiều ngày 3-4 qua, UBND tỉnh Bình Định đã trao các quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh. Phần lớn đây là những dự án đầu tư bằng nguồn vốn trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 6.500 tỉ đồng. Các dự án này gồm: - Dự án Khu Khách sạn và dịch vụ du lịch Kim Cúc của Công ty TNHH Đầu tư Du lịch và Dịch vụ Kim Cúc tại Khu Đô thị - Thương mại - Dịch vụ phía Tây đường An Dương Vương, thành phố Quy Nhơn với tổng vốn đầu tư là 1.200 tỉ đồng. - Dự án Khách sạn và Khu phức hợp dịch vụ du lịch của Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC tại Khu Đô thị - Thương mại - Dịch vụ phía Tây đường An Dương Vương, thành phố Quy Nhơn với tổng vốn đầu tư 772,58 tỉ đồng. - Dự án Khu du lịch biển Casa Marina Island của Công ty cổ phần Đầu tư Trường Thành Quy Nhơn tại đảo Hòn Đất và đảo Hòn Ngang, phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, vốn đầu tư cho dự án này là 200 tỉ đồng. - Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng biển Quốc tế bãi Xép, tại Điểm số 9 tuyến du lịch Quy Nhơn – Sông Cầu của Công ty cổ phần Đầu tư Trường Thành Quy Nhơn tại phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, vốn đầu tư cho dự án này là 120 tỉ đồng. - Dự án Tổ hợp Khách sạn 5 sao tiêu chuẩn quốc tế, Trung tâm thương mại, Dịch vụ văn phòng và nhà ở FLC Complex của Công ty cổ phần Xây dựng Faros tại Khu Đô thị - Thương mại - Dịch vụ phía Tây đường An Dương Vương, thành phố Quy Nhơn, có tổng mức đầu tư là 2.031 tỉ đồng. - Dự án Khu nghỉ dưỡng du lịch sinh thái cao cấp Eo Gió tại xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC với tổng vốn đầu tư là 1.600 tỉ đồng. - Dự án Khách sạn Xuân Diệu của Công ty TNHH Xây dựng & Đầu tư Kiến Hoàng tại Phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định có tổng vốn đầu tư là 498,7 tỉ đồng. |
Quốc Hùng / thesaigontimes.vn