Qua sự kiện “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 12” và thu hút thêm nhiều dự án lớn, năm 2016 được xem là năm thành công của Bình Định, với lợi ích kép từ du lịch và khoa học.
Sôi động Ghềnh Ráng
Ghềnh Ráng - vịnh biển mơ màng nằm tách biệt hẳn với đô thị biển Quy Nhơn sôi động, những tưởng sẽ mãi im lìm trong bản hòa tấu lãng mạn của những rặng dương ven biển xuất hiện mỗi khi gió mùa về. Nhưng không, vài năm trở lại đây, Ghềnh Ráng đã trở mình. Không những vậy, Ghềnh Ráng còn “vươn vai đứng dậy”, đưa bàn tay thân thiện, mến khách chào đón các nhà khoa học thế giới và Việt Nam thông qua cầu nối là GS Trần Thanh Vân bằng những lần “Gặp gỡ Việt Nam” được tổ chức thường niên, trong đó gần đây nhất là “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 12, năm 2016”.
Kéo dài hơn 6 tháng với dày đặc các sự kiện thu hút sự quan tâm của 1.600 nhà khoa học quốc tế, trong đó có sự góp mặt của 6 giáo sư đoạt Giải Nobel về vật lý, hóa học, kinh tế, hòa bình, đạt Huy chương Field cùng sự xuất hiện của nhiều chính khách của các nước và các tập đoàn kinh tế lớn đã nói lên sự thành công của các hội nghị, hội thảo chuyên ngành về các lĩnh vực. Nói như ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định: “Kết quả này đã tô đậm thêm nét son khoa học Bình Định và Việt Nam lên bản đồ khoa học thế giới”.
Các nhà khoa học trong nước và quốc tế hội tụ về Ghềnh Ráng, Quy Nhơn. Ảnh: Hà Minh
Không dám so sánh Quy Nhơn với TP. Blois (Pháp), nhưng qua câu chuyện mà ông Hồ Quốc Dũng kể khi được mời sang Pháp và đặt chân đến thành phố này đã phần nào nói lên khát vọng xây dựng một Quy Nhơn như một hình mẫu thành phố khoa học Blois. Ông Dũng kể, khi tiếp ông, ngài Thị trưởng TP. Blois đã nói: “Blois hôm nay nổi tiếng trên thế giới là nhờ các hội nghị khoa học quốc tế do vợ chồng GS Trần Thanh Vân tổ chức. Chính nhờ những hội nghị này, người ta mới biết đến Blois. Trước đó, khi nói đến Pháp, người ta gần như chỉ nhắc đến Paris, hay Marseille”.
Hay như câu chuyện về bà Victoria Kwakwa, nguyên Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam mà mỗi khi nhắc đến, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng vẫn xem đó là kết quả từ một “dấu nối” rất quan trọng của khoa học. Đó là, trong chuyến làm việc tại Bình Định, bà Victoria Kwakwa ấn tượng không tốt về một Quy Nhơn không đảm bảo về môi trường sống và lưỡng lự về việc hỗ trợ kinh phí cho Dự án Phát triển đô thị Quy Nhơn. Tuy nhiên, khi được tham quan những dự án đã được thực hiện tại Thành phố và điểm dừng chân cuối cùng là Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), bà đã rất ngạc nhiên.
"Năm 2017, Bình Định tiếp tục là “đất lành” cho các nhà đầu tư với nỗ lực tiếp tục đột phá cải cách hành chính, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương." |
“Sau đó, bà Victoria Kwakwa mời tôi cùng bà Trần Thị Thu Hà (nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định) sang làm việc và quyết định tài trợ Dự án Phát triển đô thị Quy Nhơn với một khoản kinh phí lớn. Có thể nói, đây là một trong những dẫn chứng của tình cảm và sự kết nối của khoa học đối với sự phát triển của đất nước”, ông Dũng kể lại.
Năm 2013, ICISE được hình thành. Ghềnh Ráng không còn hoang sơ, hiu quạnh nữa, mà “rực sáng” khi những tinh hoa khoa học tụ hội về đây.
Không dừng lại ở đó, Bình Định đã có bước tiến dài với khoa học khi một Tổ hợp Khoa học không gian Bình Định đang được dựng xây, dự kiến hình thành trong năm 2017. Đây là hấp lực giúp Bình Định thu hút chất xám về với quê hương. Dự án trên là một phần quan trọng trong chương trình phát triển du lịch gắn với khoa học của tỉnh Bình Định và là một hợp phần nằm trong chuỗi đầu tư xây dựng các công trình của Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa được đầu tư xây dựng trong thời gian không xa.
Để hiện thực hóa quy hoạch này, ông Hồ Quốc Dũng cho biết, sắp tới, Bình Định tập trung triển khai xây hai đường hầm song song xuyên qua núi Xuân Vân (đèo Quy Hòa) nhằm rút ngắn quãng đường từ khu vực trung tâm TP. Quy Nhơn tới Tổ hợp Khoa học không gian Bình Định xuống 2 km, thay vì đi vòng hơn 6 km qua đèo quanh co, nguy hiểm như hiện nay.
Nhộn nhịp đầu tư
Năm 2016, Bình Định nhộn nhịp đón các nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường đầu tư và quyết định dừng chân ở lại làm ăn. Việc có 8 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 30,16 triệu USD được cấp phép; 32 dự án với tổng vốn hơn 8.511 tỷ đồng được tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư… trong năm vừa qua cho thấy hấp lực từ vùng đất cửa ngõ Tây Nguyên hướng ra Biển Đông. Cũng trong năm 2016, Bình Định đã lập kỷ lục đáng ngưỡng mộ khi hoàn tất thủ tục cấp phép cho dự án có vốn FDI chỉ trong một ngày.
Theo ông Nguyễn Bay, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định, để có các thủ tục nhanh gọn, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Định đã cử lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư Bình Định trực tiếp hướng dẫn, triển khai thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần Keis. Sở còn cử lãnh đạo Phòng Đăng ký kinh doanh hướng dẫn tường tận, tỉ mỉ thủ tục thành lập doanh nghiệp cho doanh nghiệp này.
“Đây được xem là sự nỗ lực của tỉnh Bình Định nói chung và Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Định nói riêng, nhằm thực hiện cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc, qua đó góp phần tạo nên thương hiệu môi trường đầu tư thông thoáng, giúp doanh nghiệp nhanh chóng triển khai các dự án tại Bình Định”, ông Nguyễn Bay khẳng định.
Nỗ lực của các ngành chức năng tỉnh Bình Định trong cải cách hành chính, thu hút đầu tư đã đem về những “quả ngọt” với nhiều dự án được nâng vốn, cấp mới. Đó là những cái tên không xa lạ như FLC Group, Công ty cổ phần đầu tư Trường Thành Quy Nhơn... Đó còn là các dự án cụ thể như Dự án khách sạn Xuân Diệu tiêu chuẩn 5 sao của nhà đầu tư Kiến Hoàng, hay Dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn và căn hộ cao cấp 49 tầng của cái tên đã gây nhiều chú ý trong năm - Tập đoàn Hoa Sen...
Năm 2017, Bình Định tiếp tục là “đất lành” cho các nhà đầu tư với nỗ lực tiếp tục đột phá cải cách hành chính, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Định đang hoàn chỉnh Dự thảo Đề án thực hiện mô hình “một cửa, một cửa liên thông” trình tỉnh xem xét, ban hành; triển khai Dự án E-regulations (Hệ thống quy định điện tử). Sở cũng đã hoàn thiện trang web đăng tải đầy đủ các quy trình thủ tục liên quan đến đầu tư nước ngoài để nhà đầu tư có thể truy cập, tìm hiểu thông tin chi tiết về thủ tục đầu tư tại Bình Định.
Theo ông Nguyễn Bay, mục tiêu của tỉnh Bình Định là sẽ tiếp tục đầu tư phát triển Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu công nghiệp theo quy hoạch, để những nơi đó trở thành hạt nhân tăng trưởng của tỉnh trên các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ du lịch, đô thị; tạo động lực và nền tảng để đến năm 2020, Bình Định cơ bản trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung.
Hà Minh / baodautu