Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tháng 01/2017 ước tính đạt 850 triệu USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2016.
Ảnh minh họa.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/01/2017 thu hút 175 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 1.243,8 triệu USD, tăng 37,8% về số dự án và tăng 23% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016, theo số liệu của Tổng cục thống kê.
Bên cạnh đó, có 76 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 179,2 triệu USD.
Như vậy, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn bổ sung đạt 1.423 triệu USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tháng 1/2017 ước tính đạt 850 triệu USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2016.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của các dự án cấp mới trong tháng tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với số vốn đăng ký đạt 834,9 triệu USD, chiếm 67,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 297,4 triệu USD, chiếm 23,9%; các ngành còn lại đạt 111,5 triệu USD, chiếm 9%.
Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 01/2017 đạt 1.013,4 triệu USD, chiếm 71,2% tổng vốn đăng ký; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 297,4 triệu USD, chiếm 20,9%; các ngành còn lại đạt 112,2 triệu USD, chiếm 7,9%.
Cả nước có 26 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới, trong đó Bình Dương có số vốn đăng ký lớn nhất với 666,2 triệu USD, chiếm 53,6% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Tiếp đến là Bắc Giang 159,5 triệu USD, chiếm 12,8%; Bà Rịa - Vũng Tàu 108,7 triệu USD, chiếm 8,7%; thành phố Hồ Chí Minh 75,2 triệu USD, chiếm 6%; Hải Dương 61,8 triệu USD, chiếm 5%; Tây Ninh 32 triệu USD, chiếm 2,6%; Hà Nội 30 triệu USD, chiếm 2,4%.
Trước đó, trong cả năm 2016, không kể dầu khí ngoài khơi thì TP. Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với 836 dự án cấp mới, 222 lượt dự án điều chỉnh vốn và 1.935 dự án, tổ chức có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần, tổng số vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm là 3,42 tỷ USD, chiếm 14% tổng vốn đầu tư.
Trong số 31 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong tháng Một năm nay, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 416,7 triệu USD, chiếm 33,5% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Tiếp đến là Hàn Quốc với 347,8 triệu USD, chiếm 28%; Trung Quốc 310,1 triệu USD, chiếm 24,9%; Nhật Bản với 56,8 triệu USD, chiếm 4,6%; Malaysia với 44,1 triệu USD, chiếm 3,5%; Samoa với 20 triệu USD, chiếm 1,6%.
Thảo Mai / BizLIVE